Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có 53 dân tộc với 14.119.256 người (chiếm 14,68% dân số cả nước). Các DTTS cư trú thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh ở 54 tỉnh, thành phố, 503 huyện, 5.468 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới (tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia).
Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị; có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có 14.415.381 ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia.
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, kinh tế - xã hội của đất nước có bước phát triển thuận lợi, nhiều mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2001-2010 và 2011-2020) được thực hiện, phát triển trên mọi mặt. Các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, với trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cả nước từ Trung ương đến địa phương, các chính sách mới ban hành đã phát huy tác dụng và đạt hiệu quả.
Công tác dân tộc những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo nhiều cơ chế, chính sách. Ảnh: PV&BT
Cùng với đó, một số chính sách được sửa đổi, bổ sung theo hướng thiết thực, phù hợp với đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN; việc tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng dân tộc và miền núi.
Đồng thời, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn bình quân chung của cả nước; trật tự, an toàn xã hội được ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững, đồng bào các DTTS đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, vùng DTTS&MN vẫn là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; thiếu cơ sở hạ tầng thiết yều; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS cao, nhiều nơi xóa nghèo theo kiểu “phong trào”, thiếu tính bền vững.
Trong khi đó, ngân sách Trung ương bố trí vốn thực hiện chính sách dân tộc còn thấp, chất lượng giáo dục, y tế văn hóa ở vùng DTTS&MN còn thấp, nhiều bất cập; mức hưởng thụ của đồng bào DTTS so với các vùng phát triển ngày càng chênh lệch; tỷ lệ cán bộ DTTS ở các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị thấp.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có những xung đột sắc tộc, tôn giáo an ninh chính trị diễn ra phức tạp và vấn đề dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam hiện nay vẫn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, dễ bị các thế lực phản động lợi dụng..., đòi hỏi phải có sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dân tộc./.
Hoàng Minh