Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng vừa ban hành Kế hoạch số 823/KH-UBND ngày 25/3/2025 về thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, năm 2024 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt được kết quả ấn tượng với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,74%, tương đương tăng 806,4 tỷ đồng (giá so sánh) và tăng 2.457,1 tỷ đồng (giá hiện hành). Đây được đánh giá là năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ với GRDP bình quân đầu người ước đạt 45,13 triệu đồng.
Kế hoạch nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa then chốt, tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. Tỉnh Cao Bằng quyết tâm thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế 8% trong bối cảnh dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức.
    |
 |
Một góc thành phố Cao Bằng. Ảnh: ITN |
Mục tiêu tham vọng cho các ngành kinh tế
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 11,9% (trong đó: công nghiệp tăng 12,9%, xây dựng tăng 10,5%); dịch vụ tăng 8,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 8,6%.
Theo kế hoạch, quy mô GRDP theo giá so sánh của tỉnh năm 2025 dự kiến đạt 13.794 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng. Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 1 đơn vị diện tích (ha) dự kiến đạt 50 triệu đồng.
Ở lĩnh vực ngoại thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn (bao gồm giá trị hàng hóa giám sát) dự kiến đạt 900 triệu USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đăng ký tại địa bàn đạt 190 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đăng ký đạt 710 triệu USD.
Thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt 2.143 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 1.432 tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu đạt 710 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11% so với năm 2024.
Động lực tăng trưởng mới từ các dự án trọng điểm
Để tạo động lực mới cho tăng trưởng, tỉnh Cao Bằng dự kiến đưa vào hoạt động nhiều dự án trọng điểm trong năm 2025. Trong lĩnh vực công nghiệp, hai nhà máy thủy điện sẽ đi vào hoạt động: Thủy điện Pác Khuổi (công suất 7MW, sản lượng điện 24,42 triệu Kwh) và thủy điện Hồng Nam (công suất 24MW, sản lượng điện 82,1 triệu Kwh).
Sáu dự án khai thác khoáng sản cũng được đẩy mạnh triển khai, trong đó có Dự án khai thác quặng Bauxit khu vực Đại Tổng (công suất 240 nghìn tấn/năm) và dự án khai thác và tuyển khoáng mỏ Bauxit Tập Ná (công suất 1,5 triệu tấn quặng tinh/năm).
Một trong những điểm nhấn quan trọng của kế hoạch là hoàn thành tuyến đường bộ Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trước ngày 31/12/2025, tạo cơ sở thông xe kỹ thuật vào năm 2026. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về hạ tầng giao thông, kế hoạch đặt mục tiêu đưa tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường đạt 85% và tỷ lệ xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa đạt 100%.
Đối mặt với những thách thức
Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Cao Bằng cũng nhận diện rõ những thách thức trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Chính sách thương mại của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc tạo áp lực tỷ giá, xu hướng dòng vốn đầu tư gián tiếp toàn cầu rút khỏi các thị trường đang phát triển và mới nổi, cùng với sức ép cạnh tranh gia tăng ở thị trường xuất khẩu và trong nước.
Kinh tế địa phương còn nhiều điểm nghèn, khó khăn, yếu kém chậm được khắc phục như: quy mô nền kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 dự báo gặp một số khó khăn làm giảm thu, trong đó doanh nghiệp tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên khó khăn về vốn, thị trường, sức cạnh tranh thấp.
Giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, UBND tỉnh Cao Bằng đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt từ 95% trở lên.
Về nông nghiệp, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, tăng cường mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cây hồi, sâm Lai Châu, hoàng tinh, mắc khén, và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh như du lịch tham quan di tích văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ công tác tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng lần 2 năm 2025.
Theo kế hoạch, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch điều hành chi tiết của ngành, lĩnh vực, địa phương mình và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/03/2025. Sở Tài chính được giao làm đầu mối tổng hợp, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện.
Với quyết tâm cao và các giải pháp đồng bộ, tỉnh Cao Bằng kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030, từng bước đưa Cao Bằng thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ngang tầm với các địa phương trong khu vực.