Cán bộ, công chức là người DTTS – nhân tố then chốt để thực hiện chính sách dân tộc

Thứ hai, 30/08/2021 11:16
(ThanhtraVietNam) – Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vững mạnh toàn diện. Trên thực tế, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ CBCC, viên chức người DTTS và đã đạt được những kết quả nhất định.

Tỷ lệ CBCC là người DTTS trong cơ quan Đảng ngày càng tăng

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, ở các xã vùng DTTS có tổng số CBCC trong cơ quan Đảng là người DTTS là 5.868 người, chiếm 42,1%, tăng +1,3 điểm % so với tỷ lệ này của năm 2015 là 40,8%.

Ở các khu vực, vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội càng thấp và tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống càng cao thì tỷ lệ CBCC trong cơ quan Đảng là người DTTS cũng cao tương ứng. Cụ thể, tỷ lệ CBCC trong cơ quan Đảng là người DTTS ở khu vực nông thôn cao gấp hơn 3 lần khu vực thành thị (thành thị 15,1% và nông thôn 46,2%). Tỷ lệ CBCC trong cơ quan Đảng là người DTTS ở khu vực biên giới cao gấp 1,6 lần khu vực khác (khu vực biên giới 64,5% và khu vực khác 40,0%).

Trong các vùng kinh tế - xã hội, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất thì tỷ lệ CBCC trong cơ quan Đảng là người DTTS cao nhất (65,1%,) tiếp theo là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (37,5%); Tây Nguyên (28,3%). Trong khi đó, Đông Nam Bộ chỉ có 3,6% CBCC trong cơ quan Đảng là người DTTS.

Các địa phương khó khăn nhất trong cả nước, đồng thời nhiều đồng bào DTTS tập trung sinh sống, như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu có tỷ lệ CBCC trong cơ quan Đảng là người DTTS từ 70% đến 97%. Các tỉnh thuộc Tây Nguyên mặc dù có điều kiện tương đương với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, tuy nhiên tỷ lệ CBCC là người dân tộc chỉ bằng 1/3 đến 1/2.

Đáng chú ý, CBCC là nữ DTTS trong cơ quan Đảng vẫn có tỷ lệ khiêm tốn. Cũng theo kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019, ở các xã vùng DTTS tỷ lệ CBCC trong cơ quan Đảng là nữ DTTS chỉ chiếm 6,0% tổng số CBCC. Ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội càng thấp và càng đông đồng bào DTTS sinh sống thì tỷ lệ nữ DTTS trong tổng số CBCC trong cơ quan Đảng càng cao. Cụ thể, tỷ lệ nữ DTTS trong tổng số CBCC trong cơ quan Đảng khu vực nông thôn chiếm 6,2% so với tỷ lệ tương ứng ở khu vực thành thị là 4,3%; ở khu vực biên giới là 8,6%, cao gấp 1,5 lần khu vực khác là 5,7%.

Tỷ lệ CBCC là nữ DTTS trong các cơ quan Đảng vẫn còn khoảng cách khá lớn so với nam DTTS ở tất cả các vùng. Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ CBCC trong cơ quan Đảng là nữ DTTS cao nhất cả nước 8,6%, tiếp theo là Tây Nguyên 5,3%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 5,0%. Trong khi đó, Đông Nam Bộ chỉ có 1,2% CBCC trong cơ quan Đảng là nữ DTTS.

leftcenterrightdel
 (Ảnh minh hoạ - Internet)

Tỷ lệ CBCC là người DTTS là nữ vẫn ít hơn nhiều so với nam

Ở các xã vùng DTTS có tổng số CBCC trong Hội đồng nhân dân (HĐND) là người DTTS là 4.628 người, chiếm 46,3%. Ở các khu vực, vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội càng thấp và tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống càng cao thì tỷ lệ CBCC trong HĐND là người DTTS cũng cao tương ứng. Cụ thể, tỷ lệ CBCC trong HĐND là người DTTS ở khu vực nông thôn cao gấp gần 3 lần khu vực thành thị (thành thị 17,5% và nông thôn 50,6%). Tỷ lệ CBCC trong Hội đồng nhân dân là người DTTS ở khu vực biên giới cao gấp 1,6 lần khu vực khác (khu vực biên giới 72,3% và khu vực khác 44,2%).    

Tương tự, các địa phương khó khăn nhất trong cả nước, đồng thời nhiều đồng bào DTTS tập trung sinh sống như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu có tỷ lệ CBCC trong HĐND là người DTTS từ 83% đến 96%. Các tỉnh thuộc Tây Nguyên mặc dù có điều kiện tương đương với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, tuy nhiên tỷ lệ CBCC trong Hội đồng nhân dân là người dân tộc chỉ bằng 1/3 đến 1/2.

CBCC là người DTTS trong các tổ chức chính trị - xã hội ở các xã vùng DTTS là 12.944 người, chiếm 47,4%. Ở các khu vực, vùng, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội càng thấp và tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống càng cao thì tỷ lệ CBCC trong các tổ chức chính trị - xã hội là người DTTS cũng cao tương ứng.

Trong các vùng kinh tế - xã hội, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất thì tỷ lệ CBCC trong các tổ chức chính trị - xã hội là người DTTS cao nhất với 72,1%.

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, ở các xã vùng DTTS tỷ lệ CBCC trong các tổ chức chính trị - xã hội là nữ DTTS chiếm 15,5% tổng số CBCC. Đáng quan tâm, ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội càng thấp và càng đông đồng bào DTTS sinh sống thì tỷ lệ nữ DTTS và nam DTTS trong tổng số CBCC trong các tổ chức chính trị - xã hội càng cao.

Tuy nhiên, tỷ lệ CBCC nữ DTTS trong các tổ chức chính trị - xã hội thấp hơn đáng kể so với nam DTTS ở tất cả các vùng. Không chỉ ít về số lượng mà cơ cấu CBCC nữ DTTS phân bổ trong các cơ quan, tổ chức ở vùng DTTS còn mang nặng định kiến giới. Nữ CBCC là người DTTS chiếm tỷ lệ cao nhất trong khối các Tổ chức chính trị - xã hội 15,5%, trong đó hội phụ nữ có 100% cán bộ là nữ. Ngược lại, tại các Cơ quan Đảng, HĐND, tỷ lệ nữ CBCC là người DTTS chỉ đạt tương ứng 6,0% và 7,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 so với nam DTTS. Tại cơ quan hành chính cấp xã, tỷ lệ nữ CBCC là người DTTS đạt 11,4%, song chủ yếu ở vị trí như: văn thư, hành chính, kế toán, tài vụ.

Như vậy, mặc dù số CBCC là người DTTS có xu hướng ngày càng tăng trong các cơ quan Đảng, HĐND và tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, lại có tỷ lệ không đồng đều giữa các vùng miền trên cả nước. Đáng nói, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại và có ảnh hưởng tương đối đến việc nữ giới DTTS làm CBCC. Do đó, các định kiến, tư tưởng này cần có sự thay đổi từng bước để đảm bảo công bằng xã hội, tiến tới một xã hội văn minh, hiện đại./.

Nguyên Khôi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra