UBND tỉnh Lai Châu cho biết, ngay sau khi Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” (Đề án 414) được ban hành, UBND tỉnh đã quán triệt, phổ biến tới tất cả các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, để từ đó, các đơn vị, địa phương kịp thời tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 414.
Mục tiêu chung của Đề án 414 là: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) với các địa bàn trong cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.
Công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý, điều hành
Thực hiện hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc về triển khai xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019 - 2020 với tổng dự toán 2.880 triệu đồng. Đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu (HTCSDL) về công tác dân tộc đã hoạt động ổn định, các chỉ tiêu dữ liệu trong hệ thống phù hợp với thực tiễn địa phương.
HTCSDL đã được xây dựng, triển khai cài đặt, đào tạo và hướng dẫn sử dụng đến tất cả các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh, liên thông quy trình khai thác, cập nhật, truy vấn, dữ liệu từ các đơn vị đến Ban Dân tộc tỉnh (địa chủ truy cập hệ thống: laichau.dantocts.vn).
Sau khi triển khai đưa vào hoạt động, đã hình thành quy trình cập nhật thông tin dữ liệu phản ánh thực trạng về kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay nhằm phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước về công tác dân tộc.
HTCSDL là công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý, điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần tích cực vào chương trình cải cách hành chính nâng cao chính sách hỗ trợ các đồng bào dân tộc. Đồng thời, giúp các đơn vị có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu dân tộc thiểu số hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, công sức, thuận tiện trong việc tra cứu, tìm kiếm dữ liệu phục vụ công tác dân tộc. Hệ thống hỗ trợ các tính năng cho phép phân quyền đến từng phòng, ban, cán bộ, công chức, nhằm đảm bảo tính bảo mật của thông tin.
Đánh giá về mức độ đáp ứng các yêu cầu về chức năng, tính năng hệ thống, UBND tỉnh Lai Châu khẳng định, HTCSDL đáp ứng theo yêu cầu tại Văn bản số: 650/UBDT-TTTT ngày 12/07/2017; Văn bản số: 935/UBDT-TTTT ngày 11/9/2017 của Ủy ban Dân tộc và các văn bản liên quan.
Ngoài ra, hệ thống này còn đáp ứng đầy đủ danh mục thông tin phù hợp với danh mục chỉ tiêu điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội theo Quyết định số 669/QĐ-UBDT ngày 07/12/2015 của Ủy ban Dân tộc về phương án điều chỉnh thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội. Dữ liệu điều tra được quy trình hóa, thu thập (từ thôn, bản), cập nhật từ cấp đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn) tổng hợp đến cấp trên theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành, đảm bảo đáp ứng tính chính xác của dữ liệu điều tra thực tế.
HTCSDL đã đảm bảo việc kết nối dữ liệu liên thông đến hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tại Ủy ban Dân tộc, phương thức kết nối giữa hai hệ thống thông qua API được cài đặt lên hạ tầng máy chủ đảm bảo tính ổn định, đồng bộ dữ liệu khi có yêu cầu. Hệ thống được thiết lập đồng bộ tự động giữa các trường thông tin sau: Nhóm chỉ tiêu, chỉ tiêu, danh mục dân tộc, danh mục tôn giáo, danh mục đơn vị hành chính, dịch vụ lấy biểu, dịch vụ lấy phiếu, truy vấn nhóm văn bản, truy vấn văn bản. Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc là nền tảng cốt lõi của hoạt động tin học hóa công tác dân tộc của tỉnh. Để đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, cần thiết phải đảm bảo việc vận hành hệ thống bao gồm: Duy trì hoạt động máy chủ, đường truyền, quản trị hệ thống và thu thập, cập nhật thông tin định kỳ và theo yêu cầu công tác.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo báo cáo của tỉnh, trên cơ sở công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các nội dung: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách chưa được thực hiện với nguyên nhân chủ yếu là chưa có hướng dẫn tổ chức thực hiện từ các bộ, ngành liên quan.
Một số khó khăn, vướng mắc khác cũng được chỉ ra là, việc tiếp cận máy vi tính và Internet đối với đồng bào DTTS còn hạn chế, đặc biệc là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ người dân có máy vi tính, được sử dụng máy vi tính và có kết nối internet còn thấp.
Đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS, đặc biệc là ở các xã vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; khả năng sử dụng thiết bị thông minh còn nhiều hạn chế.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông chưa được xây dựng đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều thôn, bản chưa có điện, gây hạn chế khả năng tiếp cận, truy cập và khai thác thông tin của đồng bào DTTS.
Đăng Tân