Công tác dân tộc luôn được Đảng quan tâm
Sau khi có Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005, việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dân tộc phải đáp ứng những yêu cầu nguyên tắc, định hướng chiến lược là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”; nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa cho đồng bào các dân tộc. Trong đó, xác định xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân tộc tôn giáo theo hướng tăng cường đoàn kết đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân tộc. Thể chế hoá toàn diện chính sách bình đẳng đoàn kết tương trợ, cùng phát triển của cộng đồng các dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc đã tiếp tục đề ra các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc, đều khẳng định quan điểm cơ bản: “Đoàn kết các dấn tộc có vị thế chiến lược trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.
Từ thực tiễn 30 năm đổi mới, nhất quán với quan điểm, chính sách dân tộc, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS trong cả nước”.
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực dân tộc phải đáp ứng những yêu cầu đổi mới của Hiến pháp 2013 về chính sách dân tộc. Trong đó, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc, ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo đó, Bộ Chính trị đã chỉ ra những thành tựu đạt được, những khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Từ đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.
Các chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN ngày càng toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của bà con nơi đây. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Phòng PV&BT)
Ủy ban Dân tộc tham mưu nhiều văn bản quan trọng về DTTS
Việc thực hiện các chính sách dân tộc đã từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS, trong đó Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản về chính sách, pháp luật.
UBDT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc. Đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất về lĩnh vực công tác dân tộc, là cơ sở để từng bước xây dựng, ban hành Luật Dân tộc hoặc Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc qua. Đồng thời, ban hành nhiều Chỉ thị quan trọng về công tác dân tộc. Năm 2015, lần đầu tiên nước ta tổ chức cuộc điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS để có số liệu phân tích, đánh giá, làm căn cứ xây dựng đường lối, chính sách dân tộc.
UBDT đã tham mưu giúp Chính phủ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và tổng kết các chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN thay vì xây dựng Luật Dân tộc.
Năm 2017 Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội đưa Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã có kết luận: Dự án Luật Hỗ trợ phát triển DTTS&MN cần được tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, thận trọng, xác định rõ nội hàm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và hiệu quả của chính sách đề ra. Do đó, UBDT đã triển khai đề tài nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN. Đề tài đã đựợc nghiệm thu, UBDT sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhằm thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; đảm bảo thực hiện các chính sách dân tộc hiệu lực, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ. Trước mắt sửa đổi Nghị định số 05/NĐ-CP về công tác dân tộc.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, UBDT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN và chính sách dân tộc để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ kịp thời các văn bản không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án Theo kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN tại Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020 của UBDT./.
Hoàng Minh