Bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích cách mạng, kháng chiến, các giá trị văn hóa phi vật thể. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, thống nhất về di tích (bao gồm cả di tích khảo cổ học), di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.
Đồng thời, khai thác nguồn tư liệu, tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa Ninh Bình hiện đang lưu giữ tại các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành ở Trung ương và hệ thống lưu trữ quốc gia để xuất bản, lưu trữ, làm phong phú nguồn dữ liệu lịch sử, văn hóa của địa phương.
Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học đối với các di sản tiêu biểu đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di tích cấp tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch khảo cổ; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; thực hiện các hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, đặc biệt là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, góp phần mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Đường vào Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: dulichkhampha24.com)
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là khai thác, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Để làm tốt điều này cần tổ chức hiệu quả việc giới thiệu giá trị di tích, di sản tại di tích, bảo tàng; các hoạt động quảng bá, giới thiệu trên phương tiện thông tin đại chúng, các ứng dụng trên môi trường mạng; xuất bản các tài liệu, ấn phẩm, phim ảnh....
Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã phê duyệt, ban hành. Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khai quật khảo cổ làm sáng rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư, nhất là thực hiện và hoàn thành dự án bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ học và phát huy giá trị lịch sử văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy các loại hình nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc. Trong đó, tập trung xây dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật truyền thống có chất lượng cao như hát Chèo, hát Xẩm, các hoạt động trải nghiệm nghề thêu, đá mỹ nghệ, nghề cói. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân và du khách, góp phần quảng bá các giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, đặc biệt là Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Báo bản, Lễ hội Làng Bình Hải...
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó tập trung thực hiện và hoàn thành số hóa dữ liệu về di sản văn hóa; số hóa tư liệu, hiện vật tại bảo tàng tỉnh và thực hiện ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh, Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.
Xây dựng sản phẩm văn hóa tạo thành thương hiệu văn hóa của Ninh Bình
Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, tạo điều kiện để người dân tham gia hoạt động và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần cũng là một nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển văn hoá, thể thao tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025
Cụ thể, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, đa dạng hóa các loại hình hoạt động chuyên ngành của các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và các hoạt động cộng đồng của người dân.
Tổ chức sâu rộng phong trào văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng dân cư, chú trọng khai thác, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống; tập trung xây dựng, củng cố, phát triển các loại hình câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ; tăng cường tổ chức các hoạt động biểu diễn giao lưu, hội thi, liên hoan văn nghệ không chuyên ở cấp huyện và cơ sở.
Đặc biệt, Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm văn hóa tiêu biểu tạo thành thương hiệu văn hóa của Ninh Bình. Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật của tỉnh có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật. Đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn cấp quốc gia, quốc tế. Tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu về văn hóa nghệ thuật. Tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, nghệ thuật do các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố tổ chức, trong đó quan tâm tham gia các sự kiện văn hóa đối ngoại.
Từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, bổ sung thêm các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh./.
Hoàng Minh