Hội nghị do bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP) chủ trì, tham dự hội nghị còn có đại diện Bộ Tài chính, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an và lãnh đạo các vụ thuộc BTGCP.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự thảo Thông tư
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Trần Thị Minh Nga cho biết, sau khi Bộ Tài chính ban hành Công văn số 4269 ngày 28/4/2021 về việc lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (Dự thảo Thông tư), Ban Tôn giáo Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến bằng văn bản từ Ban Tôn giáo/Sở Nội vụ các địa phương và các tổ chức tôn giáo, góp ý các nội dung của Dự thảo Thông tư.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Ngọc Linh
Bà Trần Thị Minh Nga cho biết thêm, một số tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho rằng, mặc dù Giáo hội là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự thảo Thông tư nhưng lại không được Bộ Tài chính lấy ý kiến theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Vì vậy, ngày 17/6/2021 GHPGVN đã có Công văn số 157 gửi các Bộ, ban, ngành Trung ương liên quan về việc góp ý Dự thảo Thông tư.
Đại diện Ban TGCP nhấn mạnh, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của Ban Tôn giáo các địa phương và các tổ chức tôn giáo, Ban TGCP tổ chức hội nghị trao đổi về Dự thảo Thông tư, nhằm lấy ý kiến một số Bộ, ban, ngành về các nội dung liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được quy định trong Dự thảo Thông tư, đặc biệt là nội dung về Tiền công đức đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội và tổ chức tôn giáo.
Theo ông Nguyễn Phúc Nguyên, Vụ trưởng vụ Phật giáo, các ý kiến của GHPGVN đối với Dự thảo Thông tư, đa số chức sắc, tăng, ni, Phật tử bày tỏ đồng thuận cao về sự cần thiết của việc tăng cường công tác hướng dẫn, quản lý nhà nước đối với các hoạt động của di tích, lễ hội, trong, trong đó có hoạt động thu chi tài chính.
Tuy vậy, theo Vụ trưởng vụ Phật giáo, GHPGVN cũng cho rằng, một số quy định của Dự thảo Thông tư còn nhiều hạn chế, bất cập khi chưa bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật (ví dụ khái niệm “Tiền công đức”), dẫn đến việc không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật và mâu thuẫn với các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Khái niệm “Tiền công đức” cần chính xác, rõ ràng, thống nhất
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương tham dự hội nghị đã phát biểu ý kiến xung quanh các vấn đề về tên gọi của Dự thảo Thông tư; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Thông tư (cơ sở tín ngưỡng hay cơ sở tôn giáo, di tích tín ngưỡng, di tích tôn giáo hay cả hai, lễ hội tín ngưỡng, lễ hội tôn giáo hay cả hai, di tích không thuộc quản lý nhà nước có chịu điều chỉnh không); các khái niệm cần được định nghĩa nhằm bảo đảm cách hiểu thống nhất trong thực hiện (khái niệm “tiền công đức”, “hòm công đức”, tiền được đóng góp trực tiếp hay thông qua các hình thức chuyển khoản…).
Bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong quản lý thu chi của các cơ sở tín ngưỡng là cần thiết. Ảnh - Internet
Các đại biểu cơ bản nhất trí về việc cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong quản lý thu chi của các cơ sở tín ngưỡng do hoặc không do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần cân nhắc về hình thức văn bản, các quy định của văn bản phải bảo đảm tính khả thi trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, đồng thời nên tiến hành lấy ý kiện tất cả các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận… là ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại cuộc họp.
Là cơ quan chủ trì ban hành Thông tư, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, Dự thảo Thông tư nhằm hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng tài chính trong các cơ sở di tích, tín ngưỡng để phù hợp với các quy định của pháp luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Di sản văn hóa, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 110 về quản lý và tổ chức lễ hội, chứ không nhằm quản lý, thu hồi về Ngân sách Nhà nước hay can thiệp vào hoạt động nội bộ của tổ chức, cơ sở. Hiện nay, một số tổ chức, cá nhân đang có cách hiểu chưa đúng về mục đích và nội dung của Dự thảo Thông tư, gây ra dư luận xã hội thời gian qua.
Theo đại diện Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại, Bộ này đã nhận được tổng cộng 1.333 ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư của các cá nhân, cơ quan, tổ chức tôn giáo bằng văn bản và thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ. Cùng với các ý kiến của đại diện Bộ, ban, ngành tại hội nghị, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng hợp, tiếp thu, chỉnh sửa Dự thảo Thông tư và gửi lấy ý kiến các Bộ, ban, ngành và tổ chức tôn giáo trước khi trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ./. |
Kim Ngân (Tổng hợp)