Không có ông mai, bà mối thì đám cưới không thể diễn ra
Tại Si Ma Cai, nơi có sáng kiến sử dụng ông mai, bà mối để ngăn chặn tảo hôn, theo phong tục, tập quán của người Mông, ông mai, bà mối có vai trò rất quan trọng, là người “làm lý” để chứng nhận đôi lứa nên vợ nên chồng, nếu không có ông mai, bà mối thì đám cưới không thể diễn ra được. Bởi vậy, chính quyền nơi đây đã tuyên truyền, vận động, yêu cầu ông mai, bà mối ký cam kết không tổ chức nghi lễ kết hôn cho các cặp đôi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Ông mai, bà mối cũng là những “tuyên truyền viên” tuyên truyền, giảng giải Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như phân tích cho cộng đồng dân tộc tại địa phương những hệ lụy khi kết hôn sớm. Giải pháp này được thực hiện từ năm 2017 đang phát huy hiệu quả.
Cũng như nhiều cộng đồng dân tộc khác, đám cưới là dịp quan trọng của đời người với rất nhiều nghi lễ, nghi thức mà đôi trẻ hay hai bên gia đình không thể tự làm mà phải do ông mai, bà mối thực hiện. Cách đây khoảng 20 - 30 năm, hôn nhân giữa các đôi trai gái thường do cha mẹ sắp đặt. Khi nhà trai thấy “ưng” một cô gái trong bản, mong muốn đón cô gái đó về làm dâu thì sẽ mời ông mai, bà mối thay gia đình nhà trai đến nhà gái thưa chuyện hỏi cưới.
Được biết, thời nay thường con trai, con gái tìm hiểu, yêu thương nhau thì cô gái sẽ theo chàng trai về nhà. Nhà trai cũng phải tìm ông mai, bà mối làm đại diện đến nhà cô gái thông báo rằng, người con gái đã có chỗ ăn, chỗ ở mới bên nhà trai, mong nhà gái tạo điều kiện để tổ chức đám cưới. Việc thưa chuyện này không phải ai cũng có thể làm, mà phải là người biết thổi khèn, biết hát, có tài ăn nói và đặc biệt là “mặt dày”. “Nhiều khi mình đại diện cho nhà trai đến hỏi vợ, nhà gái không ưng, người ta chửi mình, đuổi mình đi, nhưng mình vẫn phải nhẫn nại, không được cáu giận mà phải lựa lời, khéo léo thuyết phục người ta, chứ giận dỗi bỏ về thì coi như hỏng cả chuyện lớn, nói vui thì phải “mặt dày” mới làm được đấy”.
Từ chối “làm lý” cho những cặp đôi tảo hôn
Nếu như ông mai là người đại diện, “làm lý” cho các nghi lễ của một đám cưới thì bà mối thường là những người có tài ăn nói, có khả năng thuyết phục người khác. Trong thời gian ông mai thưa những chuyện quan trọng, bà mối sẽ là người tỉ tê, tâm sự với những phụ nữ trong gia đình nhà gái, thuyết phục sự ủng hộ, tạo điều kiện từ khu vực “hậu phương”. Thì bà mối phải là những người có quan hệ thân tộc, trong dòng họ với gia đình nhà trai, lo chuyện rót nước, mời thuốc (thường là thuốc lào) và thuyết phục những phụ nữ trong gia đình nhà gái. “Khi nhà trai đến thưa chuyện, có thể nhà gái chưa hài lòng lắm, mẹ cô dâu hoặc cô dâu thường ở trong buồng tránh mặt, lúc ấy bà mối phải vào theo. Mình vào tâm sự, chia sẻ, thuyết phục đến khi gia đình nhà gái đồng ý mới thôi. Bà mối cũng là người đại diện đón dâu, nhận hành lý cô dâu từ gia đình nhà gái mang về nhà trai giúp cô dâu”.
Thông qua những người có uy tín tại địa phương để tuyên truyền, vận động nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Ảnh: P.V
Theo người dân nơi đây, làm mai mối không chỉ cần kiên nhẫn mà còn phải “thông” hết những thủ tục, thuộc hết những bài hát khi thực hiện các nghi lễ từ lúc đến nhà gái thưa chuyện, lúc ăn hỏi, xin dâu. Những bài hát ấy là những lời thuyết phục, nhắn nhủ cũng như dặn dò con cái, là thông điệp mà hai gia đình trao gửi cho nhau cũng như thông báo với cộng đồng chứng nhận cho đôi lứa nên duyên.
Đồng thời, cần phải học hát, tìm hiểu các nghi thức từ năm 20 tuổi nên được coi là một ông mai “gạo cội”, được người dân địa phương tin tưởng, lựa chọn trong nhiều nghi lễ quan trọng. Ông mai thường phải là người có nhiều kinh nghiệm, có uy tín trong cộng đồng, được cộng đồng công nhận. Nhận thức được vai trò của mình, các ông mai, bà mối cũng nhiều lần từ chối “làm lý” cho những cặp đôi tảo hôn, tham gia tuyên truyền, góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn tảo hôn ở địa phương.
Để ngăn chặn tảo hôn thì việc tuyên truyền, giáo dục, sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là chưa đủ. Ông mai, bà mối được tuyên truyền, ký cam kết không tổ chức nghi lễ kết hôn cho các cặp đôi tảo hôn là cách vận dụng linh hoạt yếu tố văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông vào việc ngăn chặn tảo hôn, góp phần đảm bảo thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình.
Ngoài ra, những ông mai, bà mối đứng ra “làm lý” cho các cặp kết hôn khi chưa đủ tuổi cũng sẽ bị xử phạt bằng chính quy ước, hương ước thôn, bản. Những năm qua, đã có 2 trường hợp bị xử phạt vì vi phạm cam kết. Cùng với đó, hằng năm huyện Si Ma Cai đều tổ chức gặp mặt, tuyên truyền, cảm ơn sự đồng hành của các ông mai, bà mối trên địa bàn. Hy vọng rằng với sự đồng hành, đồng lòng, mỗi ông mai, bà mối sau khi từ chối làm “chứng nhân” cho hôn lễ trái quy định của pháp luật, với uy tín của mình trong cộng đồng, họ sẽ trở thành tuyên truyền viên, góp phần tuyên truyền, ngăn chặn tảo hôn./.
Kim Ngân