Nghệ An:

Niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được nâng lên.

Thứ tư, 07/07/2021 09:32
(ThanhtraVietNam) - UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi (DTTS-MN) tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nghệ An giai đoạn 2015-2020.

Thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân vùng DTTS - MN so với mức bình quân chung của tỉnh

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong những năm qua tỉnh này đã tập trung các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, chú trọng vào việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, khoáng sản và các tài nguyên khác vùng DTTS - MN. Ưu tiên các nguồn lực và ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, hệ thống truyền tải điện, bệnh viện, trường học,... góp phần cải thiện rõ rệt hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN…

Theo đó, tỉnh đã lồng ghép và bố trí kế hoạch vốn các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trên địa bàn vùng dân tộc để thực hiện kế hoạch, chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổng số hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ 17.461 hộ; tổng số nguồn vốn cần hỗ trợ từ Ngân hàng chính sách xã hội là 436.525 triệu đồng; đến nay Ngân hàng đã hỗ trợ 10.322 căn nhà, đạt tỷ lệ 59,1% so với tổng số nhà ở cần được hỗ trợ theo Đề án; hàng năm giải quyết việc làm cho người lao động ở các huyện miền núi bình quân từ 13.500 lao động/năm đến 14.500 lao động/năm.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình và triển khai rộng rãi ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, nhất là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khoáng sản. Chú trọng thực hiện tốt việc khảo nghiệm, đưa các loại giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt và tính thích nghi cao vào sản xuất; đồng thời quan tâm phục hồi và phát triển sản phẩm hàng hóa là các cây, con đặc sản, các sản phẩm truyền thống của vùng miền Tây; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu...

Cũng theo tỉnh Nghệ An, Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh này đã tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững vùng DTTS - MN. Nổi bật là chương trình 30a, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình. Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước.

Chính sách phù hợp để hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN

leftcenterrightdel
 Nghệ An: Đề ra các chính sách phù hợp để hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS - MN. Ảnh minh họa/Internet

Chính sách phát triển Giáo dục - Đào tạo cũng được đầu tư đồng bộ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư xây dựng và phát triển về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã mở 740 lớp học tiếng H’Mông với 9.641 học sinh tiểu học học tập; mở 141 lớp tiếng Thái và tiếng H’Mông cho 7.644 cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài ngành giáo dục ở vùng DTTS và miền núi học tập. Thực hiện tốt chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền ở và tổ chức nấu ăn cho học sinh trung học phổ thông có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi nhà ở xa trường.

Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS - MN được quan tâm thực hiện. Hằng năm UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tham mưu thực hiện rà soát đưa ra và bình chọn, đề nghị công nhận bổ sung người có uy tín, thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định. Số người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 có 6.225 lượt người gồm già làng, trưởng thôn, trưởng bản, bí thư chi bộ.

Tuy vậy, vẫn còn một số chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số chính sách chưa được quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện. Kết cấu hạ tầng mặc dù được quan tâm đầu tư rất lớn nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS - MN. Hiện nay còn hơn 180 thôn, bản chưa có điện lưới thắp sáng; 02 xã chưa có đường ô tô từ trung tâm huyện đến trung tâm xã (Tương Dương); nhiều trường DTNT, DTBT đã xuống cấp chưa được sửa chữa, có trường THPTDTNT thành lập từ năm 2007 đến nay chưa được đầu tư xây dựng trường (Con Cuông)…

Tỉnh Nghệ An cho rằng, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS-MN giai đoạn 2021-2030. Tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung quy định cụ thể về chính sách (đặc thù) tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước; quy định về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan hành chính ở các Bộ, ngành Trung ương, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị khác từ đó làm cơ sở để tuyển dụng người dân tộc thiểu số.

Đồng thời, cần xem xét có chính sách hỗ trợ cho các xã khu vực 3, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS - MN đạt chuẩn Nông thôn mới nhưng còn nhiều khó khăn, chưa bền vững để khuyến khích, động viên, hỗ trợ đồng bào các dân tộc và cán bộ trong thời gian từ 03 đến 05 năm kể từ ngày được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới./.

Kim Ngân

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra