Theo các chuyên gia y tế, việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, kinh nghiệm và chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để mang thai và sinh con gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh.
Đây được xem là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản. Không chỉ vậy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng DTTS.
Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có 107.847 người DTTS thuộc 50/53 thành phần DTTS sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và chiếm 1,3% dân số của Hà Nội. Trong đó, đồng bào cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện (Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất), với trên 55.000 người.
Trước tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân gây hậu quả nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống, mới đây, Hà Nội đã lên Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn thành phố. Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiếu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi.
Cùng với đó, phấn đấu 100% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi vào năm 2025; giảm bình quân 3%/năm số cặp tảo hôn và không có số cặp kết hôn cận huyết thống trên các địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội. Ảnh minh họa/Internet
Phạm vi thực hiện là các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi thành phố Hà Nội thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Đối tượng trọng tâm là đồng bào các dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ thôn, bản và các tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; học sinh các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, các cơ sở đào tạo nghề có đông học sinh DTTS tham gia học tập.
Thành phố Hà Nội xác định, một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch này là tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân. Tiến hành lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm.
Ngoài ra, cũng cần chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong đồng bào DTTS; cung cấp tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn và các sản phẩm truyền thông, tài liệu pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.
Hy vọng, với các mục tiêu và giải pháp thực hiện như vậy, đến năm 2025 Hà Nội sẽ cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi, từng bước nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi./.
Trang Dương