Bước đột phá trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, đồng thời, là bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Trên thực tế, Đảng không chỉ là đề ra chủ trương, đường lối, tổ chức thực hiện… mà còn phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, Cương lĩnh chính trị, chủ trương, chính sách và kiểm tra ngay cả các tổ chức tiến hành kiểm tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.
Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định quan trọng về công tác kiểm tra, giám sát Đảng, nổi bật như: Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 30/7/2007, Hội nghị Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 14/02/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng; Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 86-QĐ/TW ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về giám sát trong Đảng; Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Kết luận số 34/KL-TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 28)… Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đáng chú ý, sự phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và hệ thống chính trị. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường chỉ đạo, tích cực, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm để kiểm tra, giám sát. Nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, làm rõ, kết luận nhiều vi phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật, đề nghị kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành, địa phương, cả đương chức và nghỉ hưu, khắc phục tư tưởng “hạ cánh an toàn” trong cán bộ, đảng viên. Theo số liệu tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, từ 01/7/2012 – 31/3/2022, qua công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2741 tổ chức đảng, 17.748 đảng viên; trong đó, có 7393 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp ủy có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ sau Đại hội XIII của Đảng đến tháng 6/2022 đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó có 08 ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sỹ quan cấp tướng. Cùng với kỷ luật của Đảng, các cơ quan nhà nước đã tiến hành kỷ luật hành chính tương xứng, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; đồng thời khẳng định quyết tâm chính trị rất cao, hành động kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ của các cấp, các ngành, tạo động lực to lớn cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời; trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu giúp việc các cấp chưa thường xuyên, có nơi, có lúc chưa thực chất, phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế. Việc thi hành kỷ luật ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm.
Bên cạnh đó, những khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng của một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ cao cấp được phát hiện trong thời gian gần đây không chỉ do nguyên nhân từ sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà còn cho thấy những hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức đảng cơ sở. Những vụ, việc vi phạm đã diễn ra trong thời gian khá dài, song các tổ chức đảng cơ sở thiếu kiểm tra, giám sát không phát hiện ra, chỉ đến khi sự việc vỡ lở, có đơn, thư tố cáo hoặc vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng của Đảng mới tiến hành kiểm tra và thi hành kỷ luật.
Trước những bất cập nêu trên, "Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030" đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, theo hướng đề cao ý thức tự kiểm soát của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tuân thủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ hệ thống tổ chức Đảng. Chiến lược đề ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó đề cao vai trò của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu, coi trọng việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về kiểm tra, giám sát, đồng thời thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng cán bộ thực hiện kiểm tra, giám sát. Chiến lược cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tài sản, thu nhập.
Mới đây, Nghị quyết số 28 cũng nhận định tình trạng một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát là một trong những hạn chế về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Từ đó, Nghị quyết số 28 đề ra nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, với những nội dung sau: (1) Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng trong kiểm tra, giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực được giao; (2) Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra của Nhà nước; (3) Đổi mới phương pháp, quy trình, nâng cao kỹ năng kiểm tra, giám sát; (4) Nghiên cứu quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng liêm chính, chuyên nghiệp hơn.
Giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm
Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải chú trọng và thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên nhằm góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Văn kiện Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”. Để thực hiện theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng, trước hết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, học tập, quán triệt mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Trung ương, các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy.
Chú trọng đổi mới phương pháp, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ. Hoạt động giám sát cần được mở rộng cả về đối tượng và nội dung theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm để chủ động phòng ngừa vi phạm. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần coi trọng giám sát thường xuyên, làm tốt công tác nắm bắt tình hình, giám sát, phát hiện và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ cụ thể, chú trọng những lĩnh vực, nội dung còn hạn chế, yếu kém. Đồng thời, tiến hành thường xuyên, liên tục công tác kiểm tra, giám sát, qua đó, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, cách làm hay, điển hình tốt, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng, đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp. Xây dựng cơ chế chỉ đạo, điều phối, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, hình thức, kém hiệu quả trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28 nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu, càng đòi hỏi tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, thông qua công tác kiểm tra, giám sát để đẩy mạnh và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; bảo vệ, quan điểm đường lối của Đảng, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đoàn kết thống nhất và bảo đảm dân chủ, giữ vững kỷ cương và tăng cường kỷ luật của Đảng./.