Hành vi phạm tội "thao túng thị trường chứng khoán" tại Việt Nam

Thứ tư, 01/11/2023 16:09
Luật Chứng khoán được ban hành vào năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng để điều chỉnh thị trường chứng khoán (TTCK) tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hoạt động, với sự phát triển của kinh tế nói chung, sự gia nhập của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế và sự đổi mới của các bộ luật có liên quan, Luật Chứng khoán dần bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp, gây khó khăn trong quá trình thực thi. Việc Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán 2019 là một sự sửa đổi, bổ sung rất cần thiết, góp phần giúp TTCK ngày càng phát triển, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; từ đó, giúp TTCK ngày càng công khai và minh bạch, đặc biệt là sẽ nâng cao được năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.

Ngoài Luật Chứng khoán năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành 5 nghị định và Bộ Tài chính đã có 15 thông tư quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán năm 2019. Điều này đã tạo khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ tốt của quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát sinh và thông lệ quốc tế, bảo đảm nền tảng pháp lý cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của TTCK nước ta. Đồng thời, thu hút vốn của nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng tính công khai, minh bạch, bảo đảm TTCK hoạt động bền vững, an toàn, chuyên nghiệp, hiện đại.

Để đảm bảo cho TTCK hoạt động đúng quy định pháp luật, các cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động của TTCK. Một trong những hành vi vi phạm khá phổ biến hiện nay là hành vi “thao túng TTCK”.

leftcenterrightdel
Một trong những hành vi vi phạm khá phổ biến hiện nay là hành vi “thao túng TTCK 

Trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2021 (tính từ thời điểm có Văn bản hợp nhất Luật Chứng khoán số 27/VBHN-VPQH ngày 18/12/2013) tình hình vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK, trong đó có tội “thao túng TTCK” chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 6%) so với các lĩnh vực khác. Chủ yếu tập trung vào những hành vi vi phạm pháp luật như:

Thứ nhất, hành vi thao túng giá có thể là đặt lệnh và thực hiện giao dịch ngược hướng với thị trường gây ảnh hưởng giả đến giá chứng khoán; tạo khoảng biến động giá lớn nhưng lại không có thông tin cơ bản để đánh giá giá trị cơ bản của cổ phiếu; dẫn đến vấn đề mất cân bằng khối lượng đặt lệnh của nhà đầu tư, thường chỉ khớp giá và khối lượng trong nhóm thao túng.

Thứ hai, hành vi giao dịch có dấu hiệu nội gián khi không báo cáo trước thời điểm tiến hành giao dịch: Các giao dịch có dấu hiệu nội gián thường dựa trên việc cố tình lợi dụng lợi thế về việc tiếp cận được thông tin tốt hoặc xấu về hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Nguồn thông tin này có thể xuất phát từ các viên chức cấp cao trong tổ chức phát hành như: Chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc/ giám đốc, phó tổng giám đốc/ phó giám đốc, kế toán trưởng… Các giao dịch này ngày càng tinh vi, khó chứng minh được hành vi vi phạm.

Thứ ba, hành vi tạo dựng hoặc công bố thông tin sai lệch, làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết trên TTCK: Hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật, làm giả hồ sơ thường rất tinh vi, phức tạp, có sự kết hợp nhiều thao tác và có tính thông đồng. Việc công ty có tiền sử vi phạm một số gian lận thì rất có thể thực hiện các loại gian lận khác nữa.

Trong những hành vi trên thì hành vi “thao túng TTCK”, mà cụ thể là “thao túng giá cổ phiếu” là hành vi gian lận phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam. Có thể liệt kê một số vụ án điển hình như sau:

Vụ án thứ nhất, vào tháng 5/2019, lần đầu tiên Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vụ án “thao túng giá chứng khoán” do ông Trần Hữu Tiệp (Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung - Công ty MTM) và 14 đồng phạm gây ra.

Vụ án thứ hai, vào tháng 5/2020, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ thao túng TTCK xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (Công ty KSA).

Vụ án thứ ba, có thể được xem là vụ án điển hình được giới đầu tư rất quan tâm đó là vụ ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “thao túng TTCK”; “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”. Đây là vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi “thao túng TTCK”; “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra trong ngày 10/01/2022, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK Việt Nam.

Từ những vụ án liên quan đến hành vi “thao túng TTCK” nêu trên cho thấy: Bên cạnh những mặt tích cực, TTCK cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK, đi ngược lại với lợi ích chung của thị trường, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật. Những sai phạm nêu trên có thể do một số nguyên nhân sau:

Một là, chưa có quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn nào làm cơ sở hoặc tham chiếu cho việc tính toán khoản thiệt hại cho nhà đầu tư trong xác định dấu hiệu hình sự, hành chính của hành vi vi phạm, gây khó cho cơ quan chức năng khi xử lý, thực hiện giám định tư pháp các vụ việc về thao túng, nội gián hay các hành vi vi phạm khác. Đây là khe hở cho các đối tượng cố tình lách luật để nhằm thu lợi bất chính.

Hai là, đối tượng, chủ thể của vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán là đối tượng có học thức, hiểu biết, am hiểu sâu rộng và thậm chí là chuyên gia về lĩnh vực tài chính, chứng khoán, công nghệ thông tin và có quan hệ xã hội sâu rộng nên phương thức thủ đoạn phạm tội thường rất tinh vi, lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát TTCK để thực hiện hành vi vi phạm. Loại tội phạm này trú ẩn, thầm lặng diễn ra trong một thời gian dài, khi phát hiện thì đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách đồng thời gây nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng.

Ba là, công tác xác định hậu quả, thiệt hại trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực chứng khoán còn gặp nhiều khó khăn, do số lượng tài khoản chứng khoán giao dịch lớn, rất khó xác định được sự liên hệ giữa các tài khoản. Mặt khác, nhận thức về vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm nói riêng trong lĩnh vực chứng khoán còn rất mới mẻ, bản thân những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc từ chính cơ quan chức năng tham gia giải quyết vụ việc xảy ra trong lĩnh vực này còn thiếu kinh nghiệm, gây hạn chế trong công tác phối hợp điều tra.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy: Các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm chứng khoán hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, dễ làm méo mó thị trường. Điển hình là mức phạt hành chính hiện nay quá nhỏ so với lợi ích mà các lãnh đạo doanh nghiệp hay cổ đông lớn thu được khi giao dịch không minh bạch. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm hành chính còn chưa đủ tính răn đe.

Do vậy, tác giả đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam hiện nay như sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để có chế tài mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của TTCK. Trong đó, hoàn thiện chế tài xử phạt cần được triển khai theo cả 2 hướng là tăng mức phạt tiền và gia tăng các hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe, khắc phục tình trạng đối tượng chấp nhận nộp phạt rồi lại tiếp tục vi phạm.

Đối với hành vi “thao túng TTCK” được nhiều nước trên thế giới xử phạt rất mạnh. Chẳng hạn tại Mỹ, các cá nhân phạm tội thao túng chứng khoán có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, phạt hành chính lên đến 5 triệu USD. Hoặc tại Trung Quốc, vào năm 2018, Trung Quốc cũng từng phạt một công ty logistics số tiền kỷ lục 870 triệu USD (20.000 tỉ đồng) vì thao túng giá cổ phiếu. Đặc biệt, vào cuối năm 2020, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Hình sự để ban hành khung phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi gian lận, cung cấp sai thông tin và thao túng thị trường. Theo đó, mức án tối đa dành cho tội phạm gian lận phát hành chứng khoán và cung cấp thông tin sai lệch được nâng lên lần lượt 15 năm và 10 năm tù giam.

Thứ hai, cần tổng kết thi hành Luật Chứng khoán 2019 để đánh giá những tác động trong tình hình mới, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam hiện nay. Để có cái nhìn tổng quan và tiến hành xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với tình hình phát triển các hoạt động mới của TTCK như: Hoạt động giao dịch tự động (robot trading), quản lý danh mục tự động (AI asset management), tư vấn tự động (robot advisory), số hóa các tài sản tài chính trên TTCK áp dụng công nghệ tài chính mới (Fintech), hoạt động huy động vốn cộng đồng (Crowdfungding).

Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện các quy định hướng dẫn về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng, công ty niêm yết; về tự do hóa tài khoản vốn và kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; sự tham gia của các ngân hàng thương mại trên TTCK phái sinh; mở rộng việc phát triển các công cụ phái sinh niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán dựa trên tài sản cơ sở là hàng hóa, lãi suất và tỷ giá.

Thứ ba, với việc cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, do vậy, Việt Nam cũng nên nghiên cứu và ban hành các quy định về phát hành trái phiếu xanh, nhà đầu tư trái phiếu xanh làm căn cứ để triển khai và khuyến khích phát hành trái phiếu xanh cho các dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường để phù hợp với những gì mà Việt Nam đã cam kết.

Thứ tư, đẩy nhanh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, làm chủ và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy sự phát triển thị trường kết hợp với việc quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn cho TTCK đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng bị nghẽn lệnh giao dịch.

Chuẩn bị tốt nguồn lực để triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC); cần phát triển TTCK theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính và TTCK.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực tài chính chứng khoán, đến các nhà đầu tư trực tiếp tham gia thị trường về những hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng và lâu dài nhằm nâng cao tính minh bạch của TTCK, bảo vệ quyền lợi, củng cố và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bằng cách thực thi chế tài nghiêm minh; thực hiện đột phá cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán,… tạo tiền đề phát triển TTCK hiện đại, an toàn và nhanh chóng. Đặc biệt, Ủy ban chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn, yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch. 

Thứ sáu, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, đảm bảo đúng các cam kết hội nhập khi thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới (các hiệp định CPTPP, EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới); tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, tăng sức cạnh tranh và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực; triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng “thị trường cận biên” lên hạng “thị trường mới nổi”.

Tài liệu tham khảo:

(1). Luật Chứng khoán năm 2006; Luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán 2010; Luật Chứng khoán năm 2019.

(2). Viên Thế Giang (2011), Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện năm học 2010-2011, Học viện Ngân hàng.

 

Luật gia - Ths. Lê Quang Kiệm
Ths. Lê Quang Chính

Ths. Lê Quang Chính

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra