Theo cách hiểu này, giám sát của cơ quan dân cử được phân biệt với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát bởi một số tiêu chí như: chủ thể thực hiện; phạm vi, đối tượng tiến hành và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát; nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát; cách thức tiến hành; hậu quả pháp lý…
Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc được hiểu là tổng hòa hoạt động giám sát của các thiết chế của Quốc hội, gồm: Giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội đối với chính sách dân tộc. Qua đó, không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.
Theo chức năng hiến định thì Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, trong đó có thẩm quyền giám sát thực hiện chính sách nói chung và chính sách dân tộc nói riêng.
1. Thực trạng Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay
Trong các nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã tích cực, chủ động trong việc quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước. Cụ thể, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Hội đồng dân tộc phối hợp thẩm tra 44 dự án luật và dự án pháp lệnh. Kết thúc nhiệm kỳ, Hội đồng dân tộc đã phối hợp thẩm tra 27 dự án luật và dự án pháp lệnh. Các dự án luật, dự án pháp lệnh được phân công phối hợp thẩm tra cũng như các dự án luật do Hội đồng dân tộc chủ động tham gia ý kiến, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Bộ, ngành… đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chất lượng ngày càng cao, đóng góp nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đồng thời phù hợp với nhu cầu nguyện vọng chính đáng của nhân dân miền núi (MN), vùng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)(1).
Hội đồng dân tộc đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai nội dung: Việc thực hiện di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La; việc thực hiện xóa đói giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II, việc quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án có liên quan trực tiếp đến xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
Hội đồng dân tộc đã thành lập 33 đoàn giám sát đến các vùng MN và vùng có đồng bào DTTS để trực tiếp giám sát việc thực hiện 08 chương trình, chính sách, dự án. Hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc trong nhiệm kỳ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ nét là những kiến nghị của Hội đồng đã được Quốc hội ghi nhận, trong đó đã sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chương trình, chính sách đã đề ra để tiếp tục tăng cường cho địa bàn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015(2)…
Cùng với việc thực hiện chức năng giám sát các chuyên đề, Thường trực Hội đồng dân tộc đã xây dựng và thực hiện một số chương trình khảo sát, nắm tình hình tại các địa phương với các nội dung: công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên DTTS; thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ DTTS ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt tại một số tỉnh MN phía bắc; dạy và học tiếng nói, chữ viết các DTTS; tổ chức, quản lý lễ hội của các DTTS…
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Hội đồng Dân tộc đã tham gia phối hợp cùng các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra và tham gia ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết về những vấn đề liên quan đến MN và vùng đồng bào DTTS hoặc liên quan đến chính sách lao động, việc làm, đào tạo nghề, lao động di cư, tái định cư để phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời, Hội đồng Dân tộc cũng thẩm tra, phối hợp thẩm gia và giám sát việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội MN và vùng có đồng bào DTTS, phân bổ ngân sách; chủ trương đầu tư các công trình quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Mới đây, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) đã tổ chức phiên họp Thường trực mở rộng(3) và họp phiên toàn thể(4) để thẩm tra báo cáo đánh giá 03 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN giai đoạn 2016 - 2018. Ngày 13/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát(5) “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn DTTS, MN giai đoạn 2012 - 2018”.
Kết quả giám sát, thẩm tra cho thấy: Trong giai đoạn 2016 - 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS và MN.
Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN ngày càng đồng bộ, toàn diện, bao phủ rộng khắp nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nguồn ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng, từng bước đảm bảo cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội vùng DTTS, MN.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách từng bước được cải tiến nhằm tăng cường hiệu quả chính sách. Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN đã đạt được kết quả quan trọng, các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt bình quân trên 7%(6). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa từ những sản phẩm có thế mạnh của mỗi vùng, miền. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS giảm mỗi năm 4% (hiện còn 28,45%). Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện hơn trước. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ quản lý, điều hành ở địa phương.
Thủ tướng gặp gỡ bà con dân tộc (Ảnh: Internet)
2. Những tồn tại, hạn chế của công tác giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng nhiều đầu mối tham mưu, hướng dẫn, quản lý, thực hiện chính sách dân tộc; nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc còn phiến diện, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được phân công; chưa đặt đúng tầm, vị trí, vai trò của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Đồng bào các DTTS sinh sống chủ yếu ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương; trong khi ngân sách Trung ương bố trí vốn thực hiện chính sách dân tộc còn thấp. Bình quân các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý chỉ đạt 56%, có chính sách sau gần 02 năm ban hành chưa bố trí được vốn để thực hiện nên không đạt được mục tiêu các đề án đề ra. Mặt khác, chính sách dân tộc thường ban hành theo nhiệm kỳ do vậy giữa 2 nhiệm kỳ còn “khoảng trống” chính sách.
Một số vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn như: Di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,... chậm được giải quyết hoặc giải quyết không “đến nơi đến chốn” làm cho đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS ngày càng khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS cao, dân số chiếm 14,6% dân số toàn quốc nhưng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,7%, nhiều nơi xóa nghèo theo kiểu “phong trào”, thiếu tính bền vững.
Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS & MN còn thấp, nhiều bất cập; mức hưởng thụ của đồng bào DTTS so với các vùng phát triển ngày càng chênh lệch. Còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học THCS mới đạt 84%; học THPT đạt 41,8%. Còn 30 DTTS tỷ lệ người tốt nghiệp đạt học, cao đẳng dưới 1%, có 3 DTTS chưa có người đi học đại học.
Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ mai một.
Tỷ lệ cán bộ DTTS diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cấp ủy, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tỷ lệ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị có xu hướng giảm, chưa đạt được theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Riêng Đại biểu Quốc hội người DTTS khóa XIV tăng so với khóa XIII).
3. Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế nói trên là do
Một là, xuất phát điểm vùng DTTS&MN, nhất là chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp, biến đổi khí hậu gia tăng, khả năng thích ứng của đồng bào với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước còn chậm; các thế lực thù địch vẫn còn tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những khó khăn về kinh tế của đất nước, an ninh chính trị vùng biên giới, biển Đông. Vùng DTTS&MN phát triển chậm, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng xu thế phát triển; một số nơi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị.
Hai là, cơ chế bảo đảm cho việc thực thi chính sách, pháp luật về DTTS chưa được điều chỉnh ở tầm Luật mà chỉ ở tầm chính sách hoặc ở văn bản dưới Luật nên hiệu quả không cao. Do công tác dân tộc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, nhưng Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc là văn bản dưới Luật, pháp lệnh nên hiệu lực pháp lý thấp, khi triển khai thực hiện vướng mắc với các quy định của luật chuyên ngành nên khó thực hiện. Nhiều chính sách thực hiện trên cùng địa bàn nhưng riêng lẻ, phân tán, mỗi chương trình, đề án thuộc các Bộ, ngành có cơ chế quản lý khác nhau nên rất khó lồng ghép. Thiếu cơ chế khuyến khích đối với các địa phương thực hiện tốt chính sách cũng như chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp triển khai chậm, kém hiệu quả.
Ba là, năng lực xây dựng và ban hành chính sách còn yếu, định mức kinh phí để xây dựng chính sách thấp. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng và phân bổ nguồn lực, kiểm tra đánh giá của một số chính sách chưa chặt chẽ. Văn bản hướng dẫn của một số Bộ, ngành về địa bàn thực hiện chính sách có điểm chưa thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đội ngũ cán bộ cơ sở vùng dân tộc và cán bộ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Bốn là, có nhiều đầu mối ban hành chính sách, vai trò và trách nhiệm cơ quan thẩm định về mặt nội dung chưa rõ ràng. Chưa có cơ chế để đảm bảo chủ động nguồn lực thực hiện chính sách.
Năm là, người dân chưa thực sự được tham gia sâu trong quá trình tham vấn, xây dựng, giám sát chương trình, chính sách.
4. Để nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc của Quốc hội, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau
Thứ nhất, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết riêng về việc thực hiện chính sách dân tộc qua từng giai đoạn gắn với các chủ trương, chính sách lớn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Thứ hai, Quốc hội cần tăng cường giám sát việc phân bổ ngân sách nhà nước ở địa phương sau khi được Quốc hội giao đảm bảo ưu tiên nguồn lực cho vùng DTTS và MN nhằm phát triển hài hòa các vùng trong cùng một địa phương. Đặc biệt, quan tâm bổ sung kinh phí cho một số nhiệm vụ cấp bách thuộc lĩnh vực giảm nghèo, giải quyết thiếu hụt các chỉ số về nhà ở, y tế, bảo đảm an sinh và trật tự xã hội; bổ sung nguồn vốn để Ngân hàng chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, Quốc hội tiếp tục rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN đang có hiệu lực, đặc biệt, chú trọng tới chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người. Trước mắt, bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Từ nay đến năm 2020, bảo đảm bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách đối với vùng DTTS và MN bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và xã hội hóa;
Thứ tư, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đối với đồng bào dân tộc, Chính phủ tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã được ban hành, tập trung vào các địa phương thuộc vùng MN phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung;
Thứ năm, Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ, các Bộ/ngành có liên quan rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân định MN, vùng cao và phân định vùng DTTS và MN theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hoàn thành trước năm 2020, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả cho giai đoạn 2021 - 2026.
Thứ sáu, Chính phủ tăng cường việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tích hợp các chính sách dân tộc để giảm đầu mối văn bản về chính sách dân tộc, về chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, tăng khả năng tiếp cận chính sách của hộ nghèo, hộ cận nghèo…Qua đó, tạo điều kiện cho Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc hiệu quả.
Thứ bảy, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc lồng ghép và thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo với các chính sách kinh tế - xã hội khác, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực giảm nghèo, chủ động, tích cực phòng ngừa, hạn chế tác động biến đổi khí hậu./.
TS. Nguyễn Lâm Thành
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
Chú thích:
(1), (2): Hội đồng dân tộc - Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa XII;
(3) Phiên họp ngày 24/9/2018 thẩm tra sơ bộ báo cáo đánh giá 03 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN giai đoạn 2016 - 2018 (số 412/BC-CP ngày 23/9/2018) của Chính phủ;
(4) Ngày 29/9/2018, HĐDT họp phiên toàn thể để thẩm tra báo cáo của Chính phủ. Sau khi có ý kiến của HĐDT, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo (số 426/BC-CP ngày 04/10/2018);
(5) Nghị quyết số 574/NQ-UBTVQH14 ngày 13/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn DTTS, MN giai đoạn 2012 - 2018”;
(6) Hội đồng dân tộc khóa XIV, Báo cáo Số 718 /BC-HĐDT14, TL đã dẫn, trang 2.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016;
2. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013;
3. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014;
4. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2014;
5. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015;
6. Phan Hữu Dật (Chủ biên): Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001;
7. Di sản lịch sử về vấn đề dân tộc xem thêm Phan Hữu Dật, Lâm Bá Nam: Chính sách dân tộc của các chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam (X-XIX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001;
8. Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa X: Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước về dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005;
9. Hội đồng dân tộc của Quốc hội: Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Hội đồng dân tộc khóa XII, XIII;
10. Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội: Hiến pháp và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Báo Nhân dân điện tử, truy cập lần cuối ngày 10/12/2017 tại địa chỉ: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/tuyentruyenhienphap/item/22196802-hien-phap-va-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-cua-dang-va-nha-nuoc.html;
11. Http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=418775, Lấy sự phát triển của cộng đồng làm trung tâm. Bài trả lời phỏng vấn của TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
12. Nghị quyết số 574/NQ-UBTVQH14 ngày 13/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn DTTS, MN giai đoạn 2012 - 2018”;
13. Hội đồng dân tộc khóa XIV, Báo cáo số 718 /BC-HĐDT14 ngày 18/10/2018 về Thẩm tra kết quả 03 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN (giai đoạn 2016 - 2018);
14. Báo cáo số 426/BC-CP ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN (Giai đoạn 2016 - 2018).