1. Những tiếp cận chung
Trách nhiệm giải trình là một thuật ngữ chính trị pháp lý, được du nhập vào Việt Nam trong quá trình hội nhập. Đây là một chế định mang tính phổ quát trong quản trị của các quốc gia phát triển và được coi là một trong những trụ cột nhằm phòng, chống tham nhũng hiệu quả(1). Trách nhiệm giải trình bản thân nó không chỉ là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm trong thực thi công vụ, mà hơn hết còn là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức công vụ của người thực thi quyền lực nhà nước. Cho đến nay, về mặt học thuật và pháp lý ở Việt Nam, vẫn chưa có sự ghi nhận thống nhất khái niệm này với những nội hàm và ý nghĩa đầy đủ của nó. Tại văn bản pháp luật đầu tiên quy định trực tiếp về vấn đề này là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ đã không đưa ra định nghĩa đầy đủ về trách nhiệm giải trình mà chỉ đưa ra khái niệm về giải trình với nghĩa là việc “cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó”. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã đưa ra quan niệm về trách nhiệm giải trình, theo đó: “Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”. Mặc dù đã đưa ra giải thích cả cụm khái niệm nhưng vẫn chủ yếu giải thích nội dung của “giải trình”. Nội dung “trách nhiệm” chỉ được đề cập là “việc” mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện mà thôi. Trong một số các công trình nghiên cứu, khái niệm “trách nhiệm giải trình” đã có những tiếp cận sâu hơn, đề cập đến tính chủ động công khai thông tin và chịu trách nhiệm của người đứng đầu đối với các kết quả thực thi công vụ của mình và của các nhân viên dưới quyền trong cơ quan mình quản lý, phụ trách.
Giải trình trong nền công vụ thường được nhìn nhận ở nhiều góc độ. Có giải trình ở khía cạnh chính trị - giải trình của các chính khách trước người dân về trách nhiệm của mình đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực mình quản lý; có giải trình ở khía cạnh pháp lý đó là giải trình của công chức, viên chức khi để xảy ra các sự việc ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Tuy vậy, về bản chất, nội dung của “giải trình” không thay đổi. Điều này cũng đúng với giải trình trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, chỉ khi gắn với cụm từ “trách nhiệm”, trạng thái của giải trình mới được nhấn mạnh, thiên về tính chính trị, pháp lý và đạo đức của cá nhân người giải trình. “Trách nhiệm” ở đây được hiểu là việc phải làm, mang tính tự thân của chủ thể và cũng là “trách nhiệm” theo quy định buộc phải thực hiện giải thích, trình bày, làm rõ các nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện và xác định rõ đã thực hiện được đến đâu, vì sao. Bên cạnh đó còn thể hiện trách nhiệm pháp lý - phải chịu hậu quả và tinh thần sẵn sàng chịu hậu quả về các hành vi của mình.
Khi nghiên cứu khái niệm, chúng ta dễ dàng thống nhất về nội dung giải trình gồm: (i) Giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (ii) Trách nhiệm của chủ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Tuy nhiên, điều cần làm rõ ở đây là tính trách nhiệm của việc thực hiện giải trình. Theo cách tiếp cận ở trên, chủ thể thực hiện giải trình bởi chính ý thức đạo đức của họ thôi thúc, buộc phải thực hiện, vì trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, trước cả việc thực hiện do yêu cầu của pháp luật. Điều này cho thấy tính trách nhiệm, tính tự giác của người thực hiện trách nhiệm giải trình trên cơ sở văn hoá cá nhân, văn hoá công vụ và truyền thống của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, vẫn luôn cần dựa trên quy định của pháp luật, trong đó xác định những trường hợp phải giải trình, thời gian, hình thức và nội dung giải trình. Thực hiện trách nhiệm giải trình làm tăng ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và hạn chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện giải trình giúp công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo cơ sở cho xã hội, người dân tiếp cận các thông tin để giám sát, phản biện đối với hoạt động cơ quan nhà nước, của các cán bộ, công chức, viên chức. Trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch được xác định là những trụ cột chống tham nhũng hiệu quả. Tổ chức phát triển Liên hợp quốc đưa ra công thức: Tham nhũng (C) = {Sự chuyên quyền (M) + sự tùy tiện (D)} – {trách nhiệm giải trình (A) + sự liêm chính (I) + tính minh bạch (T)}(2). Qua thực hiện trách nhiệm giải trình, người dân, xã hội có thêm niềm tin về tính trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, của các chính trị gia đang lãnh đạo đất nước.
Cấu thành của khái niệm trách nhiệm giải trình có một số yếu tố cần làm rõ, bao gồm chủ thể thực hiện trách nhiệm giải trình, căn cứ thực hiện trách nhiệm giải trình và nội dung của việc giải trình.
Chủ thể thực hiện trách nhiệm giải trình theo hướng tiếp cận chung nhất bao gồm cả cơ quan nhà nước (pháp nhân) và cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận trên về trách nhiệm giải trình, cần xác lập chủ thể thực hiện trách nhiệm giải trình là các cá nhân - cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm giải trình đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước (pháp nhân) là một thứ trách nhiệm chung, chúng chỉ được xác lập đối với các cơ quan làm việc theo cơ chế tập thể (ủy ban, hội đồng). Khi thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, các cơ quan chỉ còn là “cái bóng”, hiện hữu chính là các cá nhân với những hành vi (hành động hoặc không hành động) của mình nhằm thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao.
Căn cứ thực hiện trách nhiệm giải trình về hình thức có thể thấy gồm cả chủ động thực hiện và giải trình khi có yêu cầu (trực tiếp hoặc bằng văn bản). Với cách tiếp cận như ở trên, thì có thể thấy giải trình hoàn toàn là do yêu cầu - yếu tố bên ngoài tác động vào. Việc có văn bản hay yêu cầu giải trình trực tiếp chỉ là các giai đoạn khác nhau của quá trình thực hiện trách nhiệm giải trình mà thôi. Trước hết, người có trách nhiệm giải trình thực hiện giải trình vì các quy phạm đạo đức, quy phạm pháp luật “yêu cầu”. Bản thân các yêu cầu đó luôn tồn tại, nó là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Nếu người có trách nhiệm không thực hiện, sẽ dẫn đến người dân, xã hội (báo chí, các tổ chức, nghiệp đoàn,…) yêu cầu - bằng văn bản, trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện truyền thông,... Việc yêu cầu này như là giai đoạn cưỡng chế, buộc phải giải trình. Lúc này, “việc thực hiện giải trình đã là một chế tài!”.
Nội dung giải trình bao gồm giải trình về việc gì và giải trình như thế nào. Để giải trình là một công cụ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, thì “giải trình về việc gì” cần được rộng khắp, trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của các cơ quan nhà nước. Điều này chỉ bị giới hạn đối với các nội dung bí mật được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, tất cả các hoạt động của cơ quan nhà nước đều là đối tượng của yêu cầu giải trình. Việc giải trình cần đưa ra và làm rõ các thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trong đó bao gồm thông tin về cơ sở ra các quyết định và thực hiện các hành vi, thông tin về quá trình thực hiện, thông tin về quyền hạn, trách nhiệm của người thực hiện và những người có liên quan. Việc giải thích, làm rõ này được dựa trên những căn cứ xác thực và người giải trình phải chịu trách nhiệm về việc giải trình của mình.
Mỗi cá nhân cần có trách nhiệm giải trình đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao
2. Khát quát quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ là những văn bản pháp luật đầu tiên đưa ra khái niệm về giải trình với nghĩa là việc “cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó”. Đến Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quan niệm về trách nhiệm giải trình được hiểu: “Là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về trách nhiệm giải trình với ý nghĩa và mong muốn là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Theo đó, Luật đã quy định trường hợp giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và theo yêu cầu trả lời được đăng tải trên báo chí. Người thực hiện giải trình được xác định là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Luật cũng đã quy định một cách gián tiếp về việc giải trình trong hoạt động giám sát và trong một số các hoạt động khác(3). Việc giải trình trong các trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành của Luật Phòng, chống tham nhũng đã dành một chương với 12 điều để quy định chi tiết vấn đề này, gồm: (1) Nội dung, điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình, trường hợp từ chối yêu cầu giải trình, nội dung không thuộc phạm vi giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình; (2) Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người thực hiện trách nhiệm giải trình; (3) Trình tự, thủ tục thực hiện trách nhiệm giải trình.
Các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP về trách nhiệm giải trình được kế thừa và phát triển trên cơ sở các quy định về vấn đề này trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Nghị định số 90/2013/NĐ-CP. Trong đó xác định rõ những nội dung không thuộc phạm vi giải trình bao gồm nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật; nội dung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị mà chưa ban hành, chưa thực hiện hoặc nội dung chỉ đạo, điều hành của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới(4). Đây cũng là những nội dung không thực hiện công khai hoặc hạn chế công khai trong những trường hợp nhất định. Thực tiễn tổng kết việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 cho thấy, việc yêu cầu và thực hiện giải trình qua 03 năm thực hiện (từ 2013 đến 2016) không nhiều. Tính đến năm 2016, các cơ quan nhà nước chỉ tiếp nhận và thực hiện giải trình 17/17 yêu cầu của người dân(5). Đây là con số quá ít so với các yêu cầu khác như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Điều này được lý giải bởi sự mới lạ của chế định này và sự quen thuộc trong sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo của người dân.
Mặc dù không được chế định thành những nội dung cụ thể, trực tiếp như trong Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng việc thực hiện trách nhiệm giải trình vẫn được diễn ra trong hoạt động công vụ, với những hình thức đa dạng, trên cơ sở thực hiện quyền giám sát, quyền yêu cầu. Tinh thần này cũng đã được pháp điển hóa tại khoản 2, khoản 3 Điều 15 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Việc giải trình bên cạnh việc thực hiện theo yêu cầu, còn có giải trình trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của cấp dưới với cấp trên, của người thực thi công vụ với người có thẩm quyền giao nhiệm vụ; có giải trình trong quá trình xác minh, làm rõ các vấn đề có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo hay xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; giải trình khi báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao; và giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác… Có thể nói, nếu tiếp cận giải trình trong hoạt động công vụ ở phạm vi rộng, ngoài những quy phạm cụ thể về trách nhiệm giải trình trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì việc giải trình khá đa dạng, được thực hiện ở nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực. Trong đó giải trình trước cử tri trong các phiên họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các kỳ họp hội đồng nhân dân các cấp mang tính phổ biến, đang được thực hiện có hiệu quả, góp phần cung cấp thông tin và làm rõ trách nhiệm về những vấn đề được cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, việc giải trình về các vấn đề được dư luận, báo chí đề cập, phản ánh cũng được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện, mang lại những hiệu quả tích cực trong thời gian gần đây.
2. Khát quát quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện
Tinh thần giải trình trước Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp được thể hiện chủ yếu trong các quy định về chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ các hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân. Chất vấn là một hình thức để thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân nhằm mục đích làm rõ trách nhiệm của các chủ thể (trước hết là trách nhiệm chính trị) về thực hiện các nhiệm vụ của mình (thường là các lời hứa trước cử tri, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý nhà nước…). Chế tài đối với những “giải trình” này là sự tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm của cử tri. Việc chất vấn, giải trình và bỏ phiếu tín nhiệm là công cụ để bảo đảm thực hiện trách nhiệm chính trị đối với các cá nhân có nghĩa vụ giải trình. Quy định về chất vấn và trả lời chất vấn đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân. Theo quy định, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thực hiện quyền chất vấn bằng cách gửi nội dung chất vấn đến người bị chất vấn thông qua Chủ tịch Quốc hội (chủ tịch hội đồng nhân dân) và đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp người bị chất vấn tại phiên họp toàn thể. Các đại biểu là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, có quyền yêu cầu người bị chất vấn phải giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức do người bị chất vấn phụ trách mà đại biểu quan tâm, hoặc theo kiến nghị của cử tri. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời, giải trình tại kỳ họp. Nếu không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì đại biểu có quyền đề nghị Chủ tịch Quốc hội (chủ tịch hội đồng nhân dân) đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể. Khi cần thiết, có thể ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn.
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, đối với người đứng đầu cơ quan tư pháp về những vấn đề cử tri quan tâm. Tiếp tục phát huy hiệu quả từ những cuộc chất vấn, trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội, những cuộc chất vấn, trả lời chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có những tác dụng tích cực, thậm chí đi sâu giải quyết những vấn đề mà ở diễn đàn Quốc hội ít có điều kiện hơn. Việc trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề các đại biểu quan tâm được thực chất, thời lượng đối thoại, tranh luận giữa đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn được nâng lên, tạo không khí tranh luận sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn. Sau chất vấn, giải trình, việc theo dõi thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn, thông báo các nội dung có liên quan sau chất vấn được thực hiện một cách thường xuyên, đảm bảo theo yêu cầu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn. Những kỳ họp gần đây, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng thu hút được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Nhiều vấn đề đã được chất vấn, truy đến cùng trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu các bộ, ngành, nhất là những vấn đề được dư luận quan tâm như an toàn vệ sinh thực phẩm, tình trạng ô nhiễm môi trường, việc vi phạm, gian lận trong thi cử,…“Cơ chế tranh luận không chỉ giúp đại biểu Quốc hội "truy" đến cùng trách nhiệm các thành viên Chính phủ, mà còn tạo điều kiện cho các đại biểu cùng tranh luận với nhau, đôi khi là các ý kiến trái ngược, nhưng đã khiến cho cử tri có thêm những góc nhìn cần thiết”(6). Các nội dung chất vấn và giải trình được xem xét đưa vào nội dung nghị quyết sau mỗi kỳ họp tạo cơ sở quan trọng để ràng buộc trách nhiệm và giám sát việc thực hiện các cam kết của người bị chất vấn trong thực tế. Việc chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình về nội dung chất vấn ngoài việc thực hiện tại các phiên họp còn được thực hiện bằng văn bản. Số lượng các nội dung chất vấn bằng văn bản thường nhiều hơn các nội dung chất vấn tại các phiên họp. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, ngoài việc trả lời chất vấn tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ còn trả lời 22 văn bản chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề như trách nhiệm của Chính phủ chuẩn bị hạn chế rủi ro khi cộng đồng Asean ra đời (đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy); vấn đề sách giáo khoa (đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc); vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng (đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hải)…(7)
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của hội đồng nhân dân các cấp thời gian qua cũng được quan tâm thực hiện, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Về cơ bản, các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm đều có sự chuẩn bị kỹ để trả lời chất vấn, giải trình, xác định trách nhiệm cá nhân đối với những vấn đề cử tri quan tâm. Qua hoạt động chất vấn, nhiều đại biểu và người có trách nhiệm giải trình đã chứng tỏ trình độ, trách nhiệm và bản lĩnh của mình. Điều này làm cho các nội dung chất vấn được làm sáng rõ, qua các giải trình của người bị chất vấn. Tuy nhiên, các hoạt động chất vấn của hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua ở một số địa phương vẫn còn có những hạn chế nhất định, như: Chủ tọa đôi khi né tránh những vấn đề nóng mà đại biểu chất vấn, bên cạnh đó điều hành không khoa học, dân chủ cũng làm cho hoạt động chất vấn, giải trình bị hạn chế; việc dành thời gian cho hoạt động này không nhiều, còn mang tính hình thức, làm cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trước hội đồng nhân dân tại các kỳ họp kém hiệu quả. Có nơi chưa nhiều đại biểu tham gia chất vấn, chưa chất vấn đến cùng, còn ít câu hỏi chất vấn hay, thảo luận không sâu sắc. Thực tế, vẫn còn có sự nể nang, né tránh, ngại va chạm của không ít đại biểu; sự thiếu kinh nghiệm, kỹ năng chất vấn của đại biểu, trả lời chất vấn của lãnh đạo các cơ quan chức năng. Việc trả lời chất vấn của thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị còn dài, né tránh, chung chung, chưa đi thẳng vào câu hỏi, chưa làm rõ nguyên nhân, thực trạng tình hình, còn đổ lỗi cho khách quan, thiếu cam kết trách nhiệm và giải pháp khắc phục cụ thể; chưa phát huy vai trò quyền chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân. Do vậy, cần thiết tăng số lượng, thời gian của các buổi chất vấn, giải trình và công khai các nội dung này trên các phương tiện phát thanh, truyền hình. Tại Thành phố Hà Nội, phiên giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được tổ chức lần đầu năm 2017, đến nay đã tổ chức được 4 phiên, theo hình thức là phiên họp riêng, diễn ra trong một buổi sáng, được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên cả sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội và Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, có phiên mở rộng thêm hình thức trực tuyến tới tận các đại biểu xã, phường, thị trấn. Tổng số đã có 92 lượt đại biểu nêu ý kiến, tranh luận, hàng chục lượt giải trình của lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng các sở, ngành Thành phố; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các quận huyện và một số Ủy ban nhân dân các xã, phường, trị trấn, lãnh đạo đơn vị có liên quan. Phiên giải trình gần đây của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố diễn ra ngày 25/3/2019 vừa qua với chủ đề về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng… Phiên giải trình diễn ra trong không khí sôi nổi, nghiêm túc, cầu thị; nội dung giải trình ngoài báo cáo bằng văn bản gửi đại biểu nghiên cứu còn được phát dưới dạng phóng sự truyền hình tạo trực quan, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm; từng vấn đề, nhất là những hạn chế, tồn tại đã được các đại biểu nêu rõ, gắn với đó là câu hỏi thẳng vào trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; biện pháp khắc phục chỉ rõ lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành(8).
Bên cạnh giải trình tại các kỳ họp Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, việc giải trình của các cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền trên cơ sở các phản ánh, yêu cầu của báo chí, các phương tiện truyền thông cũng được thực hiện trong thời gian gần đây. Việc giải trình cho thấy trách nhiệm của các bên liên quan và tình hình thực tế vụ việc, trên cơ sở đó có sự giám sát từ phía xã hội, người dân. Như vụ cháy kho xưởng của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra tại quận Thanh Xuân, Hà Nội thời gian qua, nhiều thông tin bị che giấu dẫn đến sự hoang mang của người dân. Sau khi xảy ra sự cố, người dân lo lắng về việc thủy ngân bị rò rỉ ra môi trường nhưng phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đưa ra các thông tin không đầy đủ, không nhất quán(9). Việc họp báo công bố thông tin về vụ việc chậm được thực hiện, sau khi vụ việc được nhiều cơ quan báo chí phản ánh, đưa tin. Rõ ràng, nếu các cơ quan nhà nước chủ động sớm họp báo, công bố thông tin về vụ việc và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xử lý, khắc phục việc rò rỉ thủy ngân ra môi trường sẽ tạo sự an tâm cho người dân và cho thấy trách nhiệm đầy đủ của các cơ quan nhà nước. Gần đây, việc lắp camera an ninh tại nhà riêng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng đã được giải trình và khắc phụ hậu quả, xử lý trách nhiệm sau khi được các cơ quan báo chí phản ánh. Việc báo chí đăng tải thông tin về vấn đề này đã tạo áp lực cho cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình vấn đề trước công luận và khắc phục những bất cập của việc triển khai này(10).Tinh thần giải trình và công khai nội dung giải trình khi các cơ quan báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đã bước đầu thực hiện có hiệu quả theo tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018(11).
Đánh giá về hiệu quả thực hiện trách nhiệm giải trình nói chung, theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2020 cho thấy, điểm chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” năm 2020 ở mức thấp, với mức điểm cấp tỉnh chỉ trong khoảng từ 4,4 đến 5,82 trên thang điểm từ 1 đến 10. Khoảng cách về điểm ở chỉ số nội dung này rất nhỏ, cho thấy các tỉnh/thành phố trên toàn quốc không có nhiều khác biệt trong thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân(12). Với các nội dung thành phần của chỉ số bao gồm “mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương”, “giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân” và “tiếp cận dịch vụ tư pháp”, các nhóm nội dung này thể hiện tính chủ động của công dân và chính quyền địa phương trong việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp các cấp chính quyền đánh giá phần nào hiệu quả thực thi Luật Khiếu nại 2011 và Luật Tố cáo 2018 và đánh giá mức độ tin tưởng vào tòa án và cơ quan tư pháp địa phương, việc tiếp cận tòa án địa phương hoặc các cơ chế phi tòa án khi người dân cần giải quyết các tranh chấp dân sự. Với các kết quả đo được cho thấy, các tỉnh/thành phố cần cải thiện hơn nữa trách nhiệm giải trình với người dân ở cả ba khía cạnh mà PAPI đo lường. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, các cấp chính quyền cần thực hiện nhiều các cuộc tiếp xúc không định kỳ để biết và giải quyết sớm những vấn đề bức xúc của người dân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần cởi mở hơn để tiếp nhận các khuyến nghị, khiếu nại, tố cáo cũng như sớm giải đáp thỏa đáng bức xúc từ công dân nhằm cải thiện niềm tin của người dân vào các cơ chế tiếp nhận khiếu nại, tố cáo hiện có(13).
3. Kết luận và đề xuất
Trách nhiệm giải trình đã không còn mới mẻ với các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu nhưng dường như vẫn là thứ trách nhiệm “xa xỉ” trong đời sống công vụ và có vẻ “xa lạ” với người dân khi thực hiện quyền yêu cầu giải trình của mình. Trách nhiệm giải trình không chỉ đơn giản là giải thích và trình bày, mà nó còn thể hiện sự chủ động công khai, chủ động thông tin đến người dân, đến xã hội và chủ động chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do mình thực hiện hay trong lĩnh vực mình quản lý, phụ trách. Thực hiện trách nhiệm giải trình là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, qua đó tạo ra sự chia sẻ, cảm thông và tin tưởng của xã hội vào bộ máy nhà nước, vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Để hình thành và thực hành trách nhiệm giải trình một cách thành thục cần dựa trên một sự phát triển nhất định của nền công vụ, của quản trị nhà nước. Hay nói cách khác, “trách nhiệm giải trình” sẽ khó áp dụng khi các điều kiện về nhận thức, quản lý còn chưa đáp ứng.
Thúc đẩy hoàn thiện cơ sở chính trị-pháp lý cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước có ý nghĩa quan trọng. Thực hiện trách nhiệm giải trình làm cho hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao, giúp phòng ngừa, kiểm soát các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Một số các định hướng về vấn đề này bao gồm:
Thứ nhất, cần phân biệt giải trình chính trị - giải trình của các chính khách với giải trình trong hoạt động công vụ - giải trình của các cán bộ, công chức với người dân. Trách nhiệm giải trình của các chính khách bên trong bộ máy hay trước Nhân dân là giải trình chính trị và chịu trách nhiệm chính trị là chủ yếu. Ở đây thực hiện giải trình nhằm xác lập uy tín của bộ máy, của cá nhân người giải trình một cách chủ động, không bằng bất kỳ yêu cầu hành chính, pháp lý nào. Hậu quả của việc thực hiện trách nhiệm giải trình này thường không được quy định và áp dụng bởi các chủ thể có thẩm quyền, mà do người giải trình tự nguyện áp dụng. Thông thường là xin từ chức, miễn nhiệm chức vụ, công việc do mình đang đảm trách. Đối với giải trình trong hoạt động công vụ sẽ dễ tiếp cận và quy định hơn, như quy định hiện nay tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Việc phân biệt này giúp dễ quy định và thực hiện trách nhiệm giải trình trong những lĩnh vực cụ thể.
Thứ hai, phát huy vai trò của xã hội, người dân trong việc thúc đẩy thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc giải trình trong khuôn khổ hoạt động của Quốc hội đã có những khởi sắc, được cử tri ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên cũng cần tiếp tục được duy trì và nâng cao hơn nữa. Việc giải trình của hội đồng nhân dân chưa có một thống kê, đánh giá đầy đủ, chính xác nhưng vẫn có những hạn chế nhất định. Giải trình theo yêu cầu trong khuôn khổ quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định hướng dẫn thi hành chưa được quan tâm thực hiện. Đây có lẽ là điểm hạn chế nhất của chế định này, khi chúng ta muốn luật hóa với những trình tự, thủ tục chặt chẽ của việc yêu cầu và thực hiện giải trình trong hoạt động công vụ. Để thúc đẩy thực hiện giải trình trong thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các tổ chức xã hội, của người dân về quyền yêu cầu giải trình của mình, về trách nhiệm thực hiện giải trình của các cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền. Người dân cũng thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri để đề nghị đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thực hiện các chất vấn, yêu cầu Chính phủ, ủy ban nhân dân, những người có trách nhiệm giải trình làm rõ những vấn đề mà cử tri quan tâm, đề nghị.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm giải trình trong hoạt động của nhà nước. Xác lập rõ những nguyên tắc, yêu cầu, nội dung của việc giải trình trước Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp và thúc đẩy thực hiện, hình thành văn hóa giải trình trong đời sống chính trị của đất nước. Việc giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan tư pháp trước Quốc hội, hội đồng nhân dân cũng chính là giải trình đối với Nhân dân, đối với xã hội. Vì đây chính là các cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, người dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan này. Bên cạnh đó, hoàn thiện hơn các quy định về trách nhiệm giải trình trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP về các nội dung như quy định cụ thể hơn về trách nhiệm thực hiện giải trình của các chủ thể, có trường hợp là người đứng đầu nhưng có trường hợp là người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ, công vụ mà có yêu cầu giải trình; xác định rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có trách nhiệm giải trình; quy định cụ thể trách nhiệm chính trị, pháp lý đối với người có nghĩa vụ giải trình trong trường hợp chậm giải trình, thực hiện không đúng, không đầy đủ các trách nhiệm của mình trong giải trình như không xem xét bình xét thi đua, không giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, hoặc kỷ luật về mặt hành chính,...; quy định trách nhiệm phối hợp trong việc giải trình các nội dung liên quan đến nhiều cơ quan; quy định về giám sát đối với việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;...
TS. Trần Văn Long
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Chú thích:
(1) Kaufmann, D. (2004): “Governance and Corruption”, World Bank, pp89
(2) United Nations Office on Drugs and Crime (UNODC) UN Guide for Anti-Corruption Policies, November 2003, pp89.
(3) Khoản 3 Điều 15 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
(4) Điều 6 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP
(5) Chính phủ, 2016, Báo cáo số 419/BC-CP ngày 17/10/2016 của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016
(6) https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/38131402-%C3%B0oi-moi-trong-chat-van-va-giai-trinh.html
(7)http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban/traloichatvan/chitiet?categoryId=100003470&articleId=10057089
(8) http://dbndhanoi.gov.vn/portal/pages/2019-4-9/Giai-phap-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-chat-van-gia5zh1ieta9jxb.aspx
(9) https://tuoitre.vn/hau-vu-chay-cong-ty-rang-dong-qua-nhieu-thong-tin-bat-nhat-20190909221613505.htm
(10) https://tuoitre.vn/soc-trang-huy-quyet-dinh-lap-camera-tai-nha-rieng-12-lanh-dao-tinh-uy-20190930195226418.htm
(11) Khoản 2 Điều 15 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.
(12) Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2020