Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh:

Nhiều sai phạm liên quan đến Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 21/04/2023 10:27
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vừa có Thông báo kết luận thanh tra về việc tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp và công tác quản lý, sử dụng tài chính của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).

Quản lý và sử dụng tài chính sai mục đích

Theo Kết luận thanh tra, từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm chi hỗ trợ cho 5 cá nhân thuộc Sở LĐTB&XH trong công tác phối hợp giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Quy chế Chi tiêu nội bộ, nhưng chưa đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Thông tư số 20/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính: "Chỉ hỗ trợ cơ quan LĐTB&XH, cơ quan có liên quan trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp".

Đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thu hồi 198,2 triệu đồng/278,1 triệu đồng (không bao gồm số thuế thu nhập cá nhân do đã nộp cho cơ quan thuế). Trung tâm đã điều chỉnh Quy chế Chi tiêu nội bộ và đang tiếp tục việc thu hồi khoản chi nêu trên đối với 3 cá nhân với tổng số tiền gần 80 triệu đồng.

Qua thanh tra còn phát hiện, Trung tâm Dịch vụ việc làm chi một số nội dung cho các đơn vị, cá nhân không phải là cán bộ, nhân viên, người lao động từ Quỹ Phúc lợi trong năm 2019, năm 2020 với tổng số tiền hơn 115 triệu đồng chưa phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Quy chế Chi tiêu nội bộ của Trung tâm. Thanh tra TP.HCM nêu, trách nhiệm các vi phạm nêu trên thuộc về Giám đốc Trung tâm theo thời kỳ phát sinh vụ việc, Kế toán trưởng Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.

Ngoài ra, theo kết luận của thanh tra, đối với về việc quản lý, sử dụng tài chính, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã không gửi báo cáo kế hoạch mua sắm tài sản năm 2019, năm 2020 cho Sở LĐTB&XH để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện theo quy định tại điểm a khoản Điều 5 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện gói thầu mua xe ô tô đã qua sử dụng với giá trị 99,5 triệu đồng theo hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo Luật Đấu thầu năm 2013 và văn bản hướng dẫn thi hành.

Thanh tra chỉ ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm không thực hiện mở thẻ tài sản cố định theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính đối với 29 xe ô tô dạy lái xe hạng B2 thuộc sở hữu của đơn vị. Các biên bản kiểm kê tài sản cuối năm không ghi thời điểm kiểm kê. Một số tài sản cố định, công cụ dụng cụ đã hư hỏng không còn sử dụng (như bàn ghế, tủ đựng hồ sơ, bộ máy vi tính...) nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm chưa thực hiện xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Trung tâm Dịch vụ việc làm không gửi Quy chế Chi tiêu nội bộ năm 2019, năm 2020 cho Sở LĐTB&XH là không đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

leftcenterrightdel
Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM (Ảnh: ĐT) 

Không đảm bảo các điều kiện về Chương trình và Giáo trình để tổ chức đào tạo nghề

Đối với việc chấp hành quy định pháp luật về tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp, theo Thanh tra, tính đến thời điểm cuối năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP không đảm bảo các điều kiện về Chương trình và Giáo trình đào tạo nghề nên không đủ điều kiện để thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên theo quy định của Thông tư số 29/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24/10/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề.

Trong quá trình tổ chức đào tạo nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP cũng có nhiều thiếu sót trong mẫu phôi chứng chỉ sơ cấp; địa điểm đào tạo; thời gian đào tạo; hồ sơ, sổ sách trong đào tạo; kiểm tra và cấp phát chứng chỉ theo quy định tại Điều 32 của Thông tư 42 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo…

Qua kiểm tra có một số lớp dạy nghề Trung tâm chỉ tổ chức lớp học 01 buổi là không tổ chức giảng dạy đủ thời gian theo Chương trình đào tạo; một số lớp dạy nghề có nhiều dấu hiệu thể hiện việc Trung tâm không tổ chức giảng dạy trên thực tế hoặc tổ chức gộp nhiều lớp thành một lớp hoặc lớp học có học viên không đi học nhưng vẫn làm thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề tại Bảo hiểm xã hội Thành phố (thuộc chế độ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 42 Luật Việc làm năm 2013), là có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp, cần được chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm chính thuộc về Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP được phân công phụ trách và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, qua thanh tra việc các đơn vị cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuê, mượn một phần trụ sở để làm Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp và tổ chức các lớp dạy nghề cho thấy, Trường Cao đẳng Thủ Thiêm (trực thuộc UBND TP.HCM), Trường Trung cấp Lê Thị Riêng (trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các quận: 4, 6 Tân Bình cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuê một phần trụ sở để làm Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp khi chưa có Đề án Sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là chưa đảm bảo nguyên tắc việc quản lý sử dụng tài sản công.

Tổng số tiền các đơn vị nêu trên đã nhận từ việc cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuê một phần trụ sở để làm Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2019 và 2020 là 684 triệu đồng… Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Giám đốc các Trường, Trung tâm và các cá nhân khác có liên quan theo từng thời kỳ.

Chuyển Cơ quan Công an điều tra vụ việc tổ chức các lớp dạy nghề trái quy định

Từ những sai phạm nêu trên, Thanh tra TP.HCM kiến nghị xử lý và đã được Chủ tịch UBND thành phố đồng ý, cụ thể: Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm, đề ra hướng khắc phục về các vi phạm, thiếu sót đối với các tập thể và cá nhân có liên quan đã nêu tại Kết luận thanh tra và trong công tác điều hành hoạt động của đơn vị.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý về các vi phạm, thiếu sót đã nêu tại Kết luận thanh tra.

Cùng với đó, phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố thực hiện thanh tra chuyên đề về hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp; xây dựng quy chế, quy trình phối hợp trong thanh toán kinh phí hỗ trợ học nghề cho đối tượng là lao động thất nghiệp nhằm đảm bảo việc chi hỗ trợ được chặt chẽ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Rà soát việc cấp giấy chứng nhân đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tham mưu Ủy ban nhân thành phố tổ chức lại Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố nhằm đảm bảo hoạt động phù hợp với quy định của pháp luật.

UBND TP.HCM cũng thống nhất đề xuất của Thanh tra thành phố (tại Kết luận thanh tra số 15/KL-TTTP-P3 ngày 7/11/2022) và ý kiến của các thành viên giao Công an thành phố tiếp nhận từ Thanh tra thành phố hồ sơ của các lớp dạy nghề do Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức giảng dạy để điều tra, làm rõ một số nội dung và xử lý theo quy định pháp luật.

Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Thanh tra thành phố chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các sai phạm trong việc tổ chức các lớp dạy nghề của Trung tâm dịch vụ việc làm đến Công an thành phố.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra