Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thiếu niên nhi đồng một cách toàn diện về tri thức, đạo đức, sức khỏe để khi trưởng thành có thể góp sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tháng 9/1945, Bác viết thư gửi cho các học sinh nhân ngày khai trường động viên các em học sinh bước vào năm học đầu tiên sau ngày độc lập. Thư Bác viết trong những ngày bộn bề công việc với vai trò của người đứng đầu đất nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp từng kể lại: Bác đã về Hà Nội, sau trận ốm nặng ở Tân Trào vừa qua, Bác vẫn chưa lại sức. Thế mà bây giờ nào hội họp, nào đi công tác, nào tiếp khách và còn chồng chất rất nhiều công việc khác nữa. Buổi sáng, Bác thường bận đến mười hai giờ hoặc một giờ trưa. Lúc xuống ăn, Bác ăn theo một chế độ như hết thảy các anh em làm việc ở Phủ Bắc Bộ bấy giờ, cơm với thức ăn đã nguội lạnh cả. Ăn xong, Bác lên lầu dựa ghế, chợp mắt một lát rồi đứng lên, đi hội ý với Thường vụ của Trung ương, đi lo giải quyết công việc, cứ dồn dập như thế cho tới chiều tối, tới nửa đêm. Vì sao khi đất nước đang trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như thế, một vị lãnh tụ vẫn dành thời gian và những lời nói gần gũi, ân tình như thế cho các em học sinh? Có lẽ vì trong bất cứ lúc nào, với bất cứ đối tượng nào, Người vẫn không quên mình là một con người bình dị giữa những con người “Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc”. Phải sống sâu sắc và từng trải lắm mới đạt được sự hài hòa kỳ diệu ấy, sự hài hòa giữa cái cao cả và cái bình dị. Người nhớ đến các em học sinh vì ai yêu thiếu niên nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh và sâu xa hơn, đó là tâm huyết và sự kỳ vọng của Người vào các em - thế hệ tương lai của đất nước. Trong thư, Bác gửi gắm tất cả tình yêu thương, sự nâng niu hết mực và tin tưởng hết mực. Thư không phải lời của vị Chủ tịch nước mà là “lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang”, là lời khuyên bảo “các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”. Cuối thư, Bác nhắc lại: “Tôi đã thành thật khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ” (2). Cách viết trìu mến, đầy tình cảm của Người thể hiện sự trân trọng những nhân cách con trẻ đang được hình thành rõ nét từng ngày nhờ giáo dục. Với Người, thế hệ măng non của đất nước là một thực thể đáng tôn trọng, chứ không phải chỉ để yêu mến.
Bác nhắc phải lấy cái gốc là tình thương yêu để gần gũi và hướng con trẻ theo điều hay lẽ phải. Đối với các cháu học sinh miền Nam chưa ngoan, Bác căn dặn những đồng chí thay mặt cho cha mẹ các cháu phải đặc biệt quan tâm, chăm sóc, giáo dục các cháu ngày càng tiến bộ vì bản chất các cháu rất tốt, các cháu đều là mầm non của đất nước. Việc dạy dỗ, nuôi dưỡng đòi hỏi phải có lòng thật sự yêu thương các cháu. Bác không nói trẻ em hư, không nói con người hỏng, mà nhận xét có một số chậm tiến, có một số cụ thể có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời. Lần đến thăm các cháu trại Kim Đồng, ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào giăng dây thép gai, Bác không vui. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: “Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này?”. Nghe báo cáo: “Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ!”, Bác lắc đầu: “Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay…” Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không?” Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Một đồng chí mạnh dạn nói: “Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ”. Bác Hồ mỉm cười: “Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu mồ côi, điều lớn nhất là phải bù đắp tình thương”
(3). Người dành tình thương bao la cho tất thảy nhưng đối với những em nhỏ kém may mắn, thiếu thốn tình yêu thương và sự chăm sóc của người thân, có lẽ tình thương ấy còn mang nặng niềm trăn trở. Ngày 1/6/1969, trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng báo Nhân dân, Bác nhắc nhở: “Thiếu niên nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ. Trong thời gian tới và trong dịp hè này, cần phải đẩy mạnh công tác thiếu niên nhi đồng đạt nhiều kết quả tốt và thiết thực”.
Bác luôn mong muốn dành những điều kiện tốt nhất cho các cháu học hành và vui chơi. Kháng chiến chống Pháp thành công, trở về Hà Nội, Người từ chối ở Phủ toàn quyền mà đề nghị: “Ngôi nhà đẹp đấy! Các chú hãy quét dọn sạch sẽ, sửa sang lại làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi” (4). Đồng chí Vũ Kỳ kể lại, Phủ toàn quyền trước kia khi đi qua đấy, ít ai dám đứng nhìn, thế mà bây giờ các cháu thiếu nhi lại được vào đây vui chơi và gặp Bác. Khi thiết kế ngôi nhà sàn gỗ tại Phủ Chủ tịch, Bác có ý kiến: “Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy các chú thiết kế cho Bác một bệ xi măng bao quanh” (5). Sau này, mỗi lần các cháu đến đều quây quần bên Bác ở đây và được Bác chia bánh kẹo. Chẳng những yêu thương các cháu mà Người cũng rất hiểu niềm vui của trẻ thơ. Sợ các cháu chơi với người già lâu sẽ buồn, Bác nói với đồng chí giúp việc: “Chú xem, khách “tí hon” của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một cái bể về nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu” (6). Bác dặn cuộn chiếc rễ đa bị mưa bão đánh rớt xuống và giâm cho nó mọc tiếp. Sau này, đoàn thiếu nhi nào vào thăm vườn Bác cũng thích chui qua chui lại chiếc rễ đa mọc thành hình tròn ấy.
Dù bận nhiều công việc, Bác vẫn dành thời gian cho thiếu niên nhi đồng. Bác đến thăm các trường học nhưng không vào nơi chuẩn bị đón tiếp mà thường đi thẳng xuống khu nhà ăn, nhà bếp, khu vệ sinh công cộng để xem chỗ ăn, ở có được sạch sẽ, ngăn nắp hay không. Trong lần đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, sau khi xuống nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không, Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, chợt nhận ra có một cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn xo, Bác gọi lại hỏi: “Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?” Biết cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác, Bác cười bảo cháu đi rửa tay rồi vào Bác chia kẹo cho, sau đó Bác dạy: “Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý” (7). Đối với các cháu, Bác luôn ân cần, trìu mến, nâng niu như thế. Nói về tình cảm thương yêu của Bác dành cho các em, nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài “Theo chân Bác”:
“Và các em, có hiểu vì sao
Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào
Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ?
Biển thường yêu vậy sóng xôn xao”
Ở bên thiếu niên, nhi đồng, Người quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi. Những hình ảnh Người đút cháo cho cháu bé ở chiến khu, Người bước xuống cầu thang dang tay đón đàn cháu ngây thơ, Người vui chơi với các cháu trong vườn Phủ Chủ tịch hay hiền hậu chia kẹo cho các cháu nhiều năm sau vẫn để lại niềm xúc động cho Nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Để ghi nhớ tình cảm đặc biệt ấy, tổ chức của thiếu nhi đã được vinh dự mang tên Người - Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Thế hệ thiếu niên, nhi đồng hôm nay chỉ còn được nghe về Bác trong chuyện kể nhưng các cháu vẫn luôn cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là cháu Bác Hồ Chí Minh./.
Minh Anh
Chú thích:
(1) Lời bài hát “Nhớ ơn Bác”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu;
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 4, tr 32-33;
(3) Website Bảo tàng Hồ Chí Minh, https://baotanghochiminh.vn/bac-ho-den-voi-cac-chau-mo-coi-o-trai-kim-dong.htm;
(4), (5), (6) Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Mỗi câu chuyện nhỏ, một bài học lớn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr 170; tr 176; tr 176;
(7) Website Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/1300-cac-cau-chuy-n-v-bac-h-v-i-thi-u-nien-nhi.