Nghệ An:

Đời sống đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên nhờ các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước

Thứ hai, 06/09/2021 11:03
(ThanhtraVietNam) - Vùng miền Tây Nghệ An luôn được Đảng, Nhà nước xác định có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là một trong những vùng “phên dậu” phía Tây của Tổ quốc, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho cả vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Đây cũng là vùng có đông đảo các đồng bào dân tộc sinh sống, tín ngưỡng tôn giáo đa dạng nên luôn được tỉnh này quan tâm, ưu tiên trong chính sách đầu tư và phát triển.

Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020 theo Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An đã xác định: Vùng miền Tây Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững, như: nằm trên cửa ngõ thông thương với các tỉnh Trung và Bắc Lào; có nhiều cửa khẩu với Lào, tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng và phong phú, có nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiếu số.

Thời gian qua, công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tiếp tục được củng cố và tăng cường. Quyết tâm không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để gây chia rẽ, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân. Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, vì vậy chất lượng cán bộ ở vùng dân tộc thiểu số được nâng cao.

Cùng với đó, các cấp ngành tỉnh Nghệ An đã chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về mọi mặt cho đồng bào các dân tộc thiểu số về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; kiến thức về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn hoá mới, giữ gìn bản sắc dân tộc, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.

Nhiều chương trình, chính sách, dự án lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện có hiệu quả đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch & Đầu tư Nghệ An, giai đoạn 2013 - 2019, chương trình 135 đã đầu tư 1.145 tỷ đồng, ngoài ra trên địa bàn còn được hưởng các chính sách: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về đất ở, nước sinh hoạt, Chính sách đặc thù hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới theo Quyết định 160/QĐ-TTg, Chính sách với người có uy tín theo Quyết định 18/QĐ-TTg, Nghị quyết 30a, Dự án bảo tồn và phát triển hộ tộc người Ơ Đu…

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đặc biệt là quản lý hoạt động của đạo Tin Lành trên địa bàn được triển khai có hiệu quả hơn. Nhận thức các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo trong hệ thống chính trị và nhân dân được nâng lên; đồng bào theo đạo sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật và chăm lo xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

leftcenterrightdel
 Đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An luôn được chính quyền chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần. Ảnh: Internet

Phát huy nội lực của miền Tây Nghệ An bằng việc ưu tiên đầu tư phát triển thông qua các chính sách đặc thù

Đặc biệt, Nghệ An luôn chú trọng phát huy cao độ nội lực của miền Tây Nghệ An bằng việc ưu tiên đầu tư phát triển và có chính sách đặc thù khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, đất đai; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao phát triển sản xuất; Chủ động và tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết với các địa phương.

Cùng đó, phát huy yếu tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao; có cơ chế khuyến khích phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là đội ngũ công chức, đội ngũ doanh nhân và người lao động; chăm lo sức khỏe, đảm bảo mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh; giữ gìn và phát các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số...

Tỉnh Nghệ An đánh giá, sau 7 năm thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg, đến nay miền Tây Nghệ An đã có được một diện mạo, vai trò, vị thế mới đối với tỉnh Nghệ An. Quy mô và tiềm lực kinh tế có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2019 trên địa bàn miền Tây Nghệ An đạt 7,3 %.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (công nghiệp xây dựng tăng 9,4%; nông nghiệp tăng 5,8%; dịch vụ tăng 7,3%); tốc độ tăng thu bình quân giai đoạn 2013 - 2019 đạt 20% (trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 19,7%).

Tổng thu ngân sách hàng năm trên địa bàn các huyện miền Tây chiếm khoảng 10 - 12% so với tổng thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; tỷ lệ giảm nghèo đạt mức 3,2%/năm; khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của nhân dân vùng miền Tây Nghệ An so với bình quân chung cả tỉnh từng bước được thu hẹp.

Quản lý về hoạt động dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tiếp tục được củng cố và tăng cường; tình trạng di cư tự do vào các tỉnh Tây Nguyên và sang nước bạn Lào dần được khắc phục. Tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy trên địa bàn từng bước được ngăn chặn, giảm thiểu./.

Trường An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra