Đồng chí Hồ Tùng Mậu - Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên và những đóng góp to lớn cho công tác tổ chức cán bộ

Thứ ba, 15/06/2021 07:54
(ThanhtraVietNam) - Cuộc đời đầy oanh liệt của đồng chí Hồ Tùng Mậu với hơn 31 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam bắt đầu từ cuối tháng 4/1920 khi đồng chí cùng Lê Văn Phan (Lê Hồng Sơn), Ngô Quốc Chính xuất dương tìm đường cứu nước đến ngày 23/7/1951, đồng chí bị máy bay địch phát hiện, đuổi bắn và hy sinh khi đang trên đường vào Liên khu IV công tác. Đồng chí là một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, là tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng. Đồng chí là học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cống hiến trọn đời cho Nhân dân, cho Tổ quốc, cho Đảng, cho cách mạng. Trên những cương vị hoạt động cách mạng, đồng chí đã có đóng góp quan trọng vào công tác tổ chức cán bộ của Đảng và Chính phủ.

1. Đồng chí Hồ Tùng Mậu tham gia thành lập tổ chức Tâm Tâm xã và vận động thanh niên tham gia huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu

Đồng chí Hồ Tùng Mậu (tên khai sinh là Hồ Bá Cự) sinh ngày 15/6/1896, mất ngày 23/7/1951 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đồng chí lớn lên trong cảnh đất nước đang lầm than, nô lệ như người đi trong đêm tối không thấy đường ra. Năm 1916, đồng chí Hồ Tùng Mậu thoát ly gia đình, dạy học ở hai huyện Thanh Chương và Anh Sơn (Nghệ An) mong tìm được bạn cùng chí hướng.

Mùa xuân năm 1923, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng với 6 thanh niên yêu nước khác lập ra tổ chức Tân Việt thanh niên đoàn, tức là Tâm Tâm xã. Tôn chỉ mục đích của tổ chức là “Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam” (1). Sau đó, Tâm Tâm xã phái đồng chí Hồ Tùng Mậu về nước gây dựng cơ sở cách mạng và vận động thanh niên yêu nước xuất dương tìm đường cứu nước. Đồng chí qua Xiêm về nước, trên đường đi có gặp đoàn thanh niên gồm 16 người, trong đó có Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái. Cuộc gặp này là điều kiện thuận lợi cho các thanh niên yêu nước sang Quảng Châu hoạt động và kết nạp vào Tâm Tâm xã. Sau đó, đồng chí Hồ Tùng Mậu tiếp tục về Nghệ An, rồi ra Hà Nội, đi qua Móng Cái sang Quảng Châu hoạt động.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hồ Tùng Mậu. Ảnh tư liệu. Nguồn: Internet
Cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô tới Quảng Châu hoạt động. Tại đây, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã gặp tổ chức Tâm Tâm xã, trao đổi thường xuyên với đồng chí Hồ Tùng Mậu; sau đó, Người chọn cử ra 9 đồng chí để lập nhóm hạt nhân bí mật. Tháng 6/1925, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời để tập hợp những thanh niên yêu nước Việt Nam. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã hoạt động tích cực và có những đóng góp quan trọng trong kế hoạch huấn luyện chính trị cho lớp cán bộ đầu tiên của Việt Nam, lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng, chuẩn bị toàn diện, mọi mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được ghi nhận “là quả trứng, mà từ đó, nở ra con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản)” (2). Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một trong số học viên khóa đầu tiên được huấn luyện chủ nghĩa Mác - Lênin, giúp cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, quản lý lớp học, phiên dịch cho giảng viên người nước ngoài khi lên lớp, thu xếp việc ăn, ở và sinh hoạt cho các học viên từ trong nước đến Quảng Châu. Sau khóa học, đồng chí Hồ Tùng Mậu trở thành một cán bộ xuất sắc, được kết nạp vào đảng viên cộng sản dự bị và được tham gia vào việc tổ chức, hướng dẫn, phụ giảng cho các khóa huấn luyện tiếp theo. Đồng chí Hồ Tùng Mậu được đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử về nước với nhiệm vụ tổ chức đường dây liên lạc trong nước với cơ quan của Tổng bộ ở Quảng Châu; lựa chọn thanh niên tiến bộ đưa sang Quảng Châu để huấn luyện chính trị. Tháng 11/1925, đồng chí Hồ Tùng Mậu đến Phòng Thành, Đông Hưng, gặp nhiều người Việt Nam từ trong nước sang, đưa thanh niên về Quảng Châu dự lớp huấn luyện. Tháng 3/1926, đồng chí Hồ Tùng Mậu được giới thiệu và kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, từ tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xuất bản báo Thanh niên (bằng tiếng Việt) là cơ quan tuyên truyền đường lối cách mạng, giác ngộ thanh niên yêu nước và phê phán những tồn tại của các tổ chức cách mạng khác như Việt Nam Quốc dân Đảng. Đến tháng 3/1927, có hàng trăm thanh niên yêu nước được chọn cử xuất dương nhưng khó khăn nên không đến được Quảng Châu; đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Lê Hồng Sơn về tận biên giới để tổ chức một lớp huấn luyện riêng cho số học viên này. Từ năm 1925 đến năm 1927, cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tổ chức được 10 khóa huấn luyện với trên 200 học viên (3). Cuối năm 1927, đầu năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát triển mạnh mẽ, các kỳ bộ lần lượt ra đời, sau đó thành tỉnh bộ, thành bộ và cuối cùng là huyện bộ. Số lượng hội viên lên tới 1.700 người và có cơ sở trong Việt kiều ở Xiêm. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân chống thực dân Pháp.

Như vậy, đồng chí Hồ Tùng Mậu xuất phát từ lòng yêu nước, thương nòi mà đã tự nguyện dấn thân theo con đường cách mạng, được giác ngộ và đi theo lý tưởng của cách mạng vô sản do Nguyễn Ái Quốc huấn luyện, hoạt động không ngừng nghỉ trong các tổ chức yêu nước, tuyên truyền vận động thanh niên tham gia huấn luyện để trở thành một trong những cán bộ cốt cán của cách mạng Việt Nam.

2. Đồng chí Hồ Tùng Mậu tham gia sáng lập Đảng và trở thành tấm gương cán bộ tổ chức giàu kinh nghiệm, có bản lĩnh và đạo đức trong sáng

Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch phản bội lại đường lối của Tôn Dật Tiên và thẳng tay đàn áp cộng sản. Tại Quảng Châu, cơ quan của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị quân Tưởng khám xét và bao vây. Hồ Tùng Mậu và một số người khác bị bắt. Sau 5 tháng bị giam giữ, cơ quan mật vụ của Tưởng Giới Thạch biết Hồ Tùng Mậu là người yêu nước Việt Nam có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên họ tìm mọi cách thủ tiêu. Nhưng được Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn nên đồng chí Hồ Tùng Mậu và các đồng chí khác kiên quyết đấu tranh, buộc nhà cầm quyền Tưởng phải trả lại tự do. Vừa ra khỏi nhà tù, đồng chí Hồ Tùng Mậu đi ngay đến Quảng Tây để đón đoàn cán bộ từ trong nước sang. Đến Nam Kinh, đồng chí lại bị bắt. Vì không có chứng cớ, nên được tha ngay. Trở về Quảng Châu, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị theo chương trình của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã giảng dạy trước đó. Ngày 12/12/1927, Quảng Châu Công xã bùng nổ. Trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị đập phá. Đồng chí Hồ Tùng Mậu và một số người của cơ quan Tổng bộ bị bắt. Nhờ tinh thần đấu tranh kiên quyết của Hồ Tùng Mậu và các đồng chí khác, nhà chức trách buộc phải thả đồng chí và nhiều người khác. Đến tháng 7/1928, đồng chí Hồ Tùng Mậu lại bị bọn Tưởng bắt lần thứ tư, bị chúng giam giữ cho tới cuối tháng 7/1929 mới trả tự do và bị chúng trục xuất ra khỏi Quảng Đông. Sau đó, đồng chí sang Ma Cao, rồi đến Hồng Kông tìm bắt liên lạc với các đồng chí còn lại trong Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để hoạt động.

Trước tình hình ở Việt Nam cùng một lúc có ba tổ chức cộng sản đang hoạt động là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Hồ Tùng Mậu đã cùng với nhiều đồng chí khác tích cực vận động để thống nhất phong trào cộng sản Việt Nam. Tháng 2/1929, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Hương Cảng để giải quyết sự bất đồng và thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Đồng chí Hồ Tùng Mậu vui mừng được gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí đã tích cực giúp đỡ Người trong công việc và góp phần vào thành công của hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam tổ chức từ ngày 6/1 đến 7/2/1930 tại Cửu Long, Hương Cảng (nay là Hồng Kông), Trung Quốc. Tham dự Hội nghị có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh, hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu; Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vì mới thành lập, không kịp cử đại biểu đến dự. Ngoài ra, còn có hai đại biểu là đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn làm nhiệm vụ giúp việc. Thành công của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Hồ Tùng Mậu.

Đầu năm 1930, sau khi Đảng được thành lập, đồng chí Hồ Tùng Mậu rời Hồng Kông lên Hàng Châu gặp Nguyễn Thượng Hiền và đi Nam Kinh ở nhà Hồ Sĩ Lan; đi qua Thượng Hải, rồi trở lại Hồng Kông gặp đồng chíNguyễn Ái Quốc và đồng chí Trần Phú. Tháng 6/1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Anh bắt tại Hương Cảng, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã cùng Trương Vân Lĩnh liên hệ với Hội Quốc tế Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động luật sư Loseby bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc. Ngày 30/6/1931, khi thuyền vừa cập bến Thượng Hải, đồng chí Hồ Tùng Mậu bị mật thám Pháp bắt và giải về Việt Nam xét xử. Đồng chí bị kết án tù chung thân, bị giam giữ qua các nhà tù ở Hỏa Lò, Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột và Trà Khê. Suốt 14 năm tù đày, là một chiến sĩ cộng sản dũng cảm, kiên trung, đồng chí Hồ Tùng Mậu vẫn hoạt động tranh đấu chống bọn chúa ngục, chế độ lao tù hà khắc, giữ vững khí tiết cách mạng, sáng tác thơ văn động viên, khích lệ bạn tù tin ở tương lai, tiền đồ xán lạn của cách mạng khi có Đảng lãnh đạo, dẫn đường chỉ lối. Trải qua các nhà tù, đồng chí luôn vận động, tập hợp, đoàn kết bạn tù, chú trọng công tác học tập nâng cao trình độ hiểu biết về chính trị và văn hóa cho bạn tù. Đồng chí đã chịu đựng nhiều gian lao, cực khổ, nhưng vẫn bền bỉ, kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng.

Tháng 3/1945, đồng chí Hồ Tùng Mậu được trả tự do, về hoạt động ở Trung Bộ, tham gia việc chuẩn bị tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - Hành chính Liên khu IV, đồng chí đã lãnh đạo, củng cố tổ chức đảng và công tác cán bộ. Từ đó, Liên khu nhanh chóng hình thành tổ chức và xây dựng Đảng trong Liên khu bộ, trong các chi hội của 6 tỉnh, hình thành hệ thống công tác chính trị - tư tưởng của lực lượng vũ trang liên khu. Các tổ chức chính quyền, Mặt trận Việt Minh cũng được củng cố. Công tác quân sự cách mạng được diễn ra thuận lợi, các lực lượng dân quân tự vệ được thành lập và phát triển. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đặc biệt quan tâm công tác đào tạo cán bộ hành chính các cấp và cán bộ quân sự chính trị cấp cơ sở cho Liên khu IV.

Năm 1948, Đảng và Chính phủ củng cố ngành thanh tra của Nhà nước, đồng chí Hồ Tùng Mậu được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ tín nhiệm cử làm Tổng Thanh tra của Chính phủ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hồ Tùng Mậu, công tác thanh tra Nhà nước được tiến hành thường xuyên trong những năm 1949 - 1951. Ban Thanh tra Chính phủ đã cử nhiều đoàn cán bộ liên tục đến các địa bàn thuộc Liên khu Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV,… Các đoàn thanh tra luôn chú trọng thanh tra việc chấp hành sắc lệnh tổng động viên, việc thực hiện chính sách ruộng đất, chuẩn bị các chiến dịch quân sự lớn; thanh tra tình hình chi tiêu tài chính, quản lý ngân sách, thanh tra chấn chỉnh biên chế; tình hình quan hệ giữa quân đội với các cơ quan chính quyền;… Cùng với đó, lãnh đạo Ban Thanh tra phối hợp với Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra các bộ làm rõ một số vụ tham ô lớn trong và ngoài quân đội.

Trên cương vị công tác, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thanh tra Nhà nước và công tác Đảng, thể hiện là người có phẩm chất đạo đức, thanh liêm, trung thành, trung thực, sâu sát, cụ thể. Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã nêu cao tinh thần dũng cảm, không sợ va chạm, vượt khó, lăn lộn trong Nhân dân, trong Đảng, đề cao trách nhiệm phát hiện những vi phạm, sai phạm trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước để kiến nghị xử lý đúng. Đồng chí Hồ Tùng Mậu nêu vấn đề trong công tác thanh tra, kiểm tra là không chỉ xử lý, mà cái quan trọng phải có biện pháp ngăn chặn. Đồng chí Hồ Tùng Mậu cho rằng, nước sông sạch là nhờ nước suối trong, muốn cho địa phương, cơ sở trở nên tốt, trước hết người làm công tác Đảng, công tác chính quyền phải rất trong sạch. Vì vậy, đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn luôn tự mình rèn luyện, giữ liêm khiết tuyệt đối, không bao giờ bỏ túi cái kim, sợi chỉ của Nhà nước, của Nhân dân.

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí Hồ Tùng Mậu được bầu là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các chức vụ cũ của đồng chí vẫn giữ nguyên. Chiều ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác qua thị trấn Còng (Thanh Hóa), đoàn cán bộ của đồng chí Hồ Tùng Mậu bị máy bay giặc Pháp phát hiện và đuổi bắn. Người lãnh đạo ngành Thanh tra Chính phủ đã hy sinh giữa lúc còn tràn đầy năng lực cống hiến. Thi hài đồng chí Hồ Tùng Mậu đã được đưa về quê hương an táng trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí.

Tóm lại, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã trọn cuộc đời hiến dâng cho cách mạng, trưởng thành từ một chí sĩ yêu nước đến một chiến sĩ cộng sản. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn thể hiện là một cán bộ cương trực, trung hậu, sẵn sàng làm nhiệm vụ với trách nhiệm cao, làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị, khảng khái, có uy tín lớn trong Nhân dân. Đồng chí đã có đóng góp quan trọng vào việc huấn luyện, tổ chức cán bộ Đảng, Chính phủ, các cấp cơ sở cho cách mạng và cho quân đội Nhân dân. Cho đến phút cuối đời, đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn xứng đáng với lòng tin của Nhân dân, của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm.

TS. Lê Trung Kiên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Các tổ chức tiền thân của Đảng, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, HN, 1977, tr. 319;

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011, t. 3, tr. 14;

(3) Lê Hồng Phong - Người Cộng sản kiên cường, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2002, tr. 87.

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra