Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phục hồi tăng trưởng

Thứ tư, 10/05/2023 08:57
(ThanhtraVietnam) - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong làm việc với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khu

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ làm việc với tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang để kịp thời nắm tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại địa phương. Qua đó làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm sớm phục hồi tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả nhiệm kỳ, đồng thời nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

Thanh tra Chính phủ cho biết, Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ do đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn, cùng tham gia Đoàn còn có Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ như Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, Ban Tiếp công dân Trung ương, Cục I, Cục IV.

Trong chương trình làm việc của mình, Đoàn công tác sẽ nghe đại diện lãnh đạo UBND tỉnh báo cáo và tiến hành thảo luận, làm rõ, ghi nhận, đánh giá sơ bộ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm 2023: Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và tình hình khác có liên quan. Cũng như nhận định, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong thực hiện các dự án đâu tư, xây dựng; chính sách tín dụng; chính sách thuế, phí, lệ phí; về thị trường; về vấn đề lao động, kỷ cương, kỷ luật hành chính; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Cùng với đó, Đoàn công tác cũng sẽ làm việc về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghe báo cáo kết quả công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra; tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiêu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 4 tháng đầu năm 2023, trong đó, đánh giá những việc đã làm được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiêp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sau khi kết thúc làm việc với các địa phương, trong thời hạn 03 ngày, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung có liên quan.

leftcenterrightdel
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ làm việc tại tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ảnh:  L.A 

Nhiều nội dung quan trọng sẽ được Tổng Thanh tra làm việc với địa phương

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, để đảm bảo hiệu quả chương trình làm việc, Thanh tra Chính phủ đã có đề cương để tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang chuẩn bị nội dung, cụ thể gồm:

Đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn. Trong đó làm rõ tình hình sản xuất, kinh doanh thời gian qua (đánh giá, so sánh, nguyên nhân chủ quan, khách quan), tập trung vào các lĩnh vực có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các động lực tăng trường như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Cũng như tình hình đầu tư công, xây dựng hạ tầng, tập trung và các dự án trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng; tình hình xuất nhập khẩu; tình hình khác có liên quan.

Đặc biệt, cần nêu rõ, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân về thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng như thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai (giao đất, thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa...); thủ tục đầu tư, xây dựng (phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án, thẩm định thiết kế cơ sở...)… Về chính sách tín dụng; về chính sách thuế, phí, lệ phí; về thị trường; về vấn đề lao động; về kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đi cùng với đó là các kiến nghị, đề xuất của địa phương, trong đó đề xuất, kiến nghị phương án xử lý các khó khăn vướng mắc, xác định thẩm quyền giải quyết, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn…

Liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, địa phương sẽ chuẩn bị nội dung về công tác thanh tra gồm: thanh tra hành chính, triển khai thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất; ban hành kết luận thanh tra, kết quả phát hiện, xử lý vi phạm; kết quả thực hiện kết luân thanh tra; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết quả thanh tra trên một số lĩnh vực…

Bên cạnh đó là tình hình khiếu nại, tố cáo, nguyên nhân; kết quả công tác tiếp công dân; kết quả tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, địa phương sẽ chuẩn bị nội dung về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, bao gồm: thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; qua giám sát, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ; qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả rà soát, phát hiện tham nhũng qua các hoạt động khác; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng; kết quả xử lý tài sản tham nhũng; kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu…

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra