Trong thực tiễn quản lý và đời sống xã hội, trách nhiệm có thể được tiếp cận từ nhiều khía cạnh. Trong đó, tiếp cận từ phương diện quản lý, người ta chủ yếu đề cập đến các chế độ trách nhiệm khác nhau:
Một là, trách nhiệm của thủ trưởng hay trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu là xác định vai trò, vị trí của người lãnh đạo, quản lý trong tổ chức với tư cách người đứng đầu, người chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước pháp luật.
Hai là, trách nhiệm của tập thể. Chế độ tập thể lãnh đạo, trách nhiệm của tập thể, xác lập vai trò của tập thể trong việc ra quyết định. Chế độ trách nhiệm tập thể thể hiện sự thống nhất trong ý chí, quyết định sau khi thảo luận, bàn bạc chung trước những vấn đề thuộc về chủ trương, đường lối, nguyên tắc hoặc những vấn đề cụ thể quan trọng.
Tuy nhiên, dù chế độ lãnh đạo, quản lý nào cũng cần xác lập vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp trong lãnh đạo, quản lý. Bởi thế, việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu là yếu tố quan trọng, quyết định đối với nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý.
Về trách nhiệm công vụ và đánh giá trách nhiệm người đứng đầu
Hoạt động quản lý Nhà nước là hoạt động nhân danh quyền lực Nhà nước, liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó bao gồm cả các yếu tố về quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật quy định, là phần việc, phận sự phải thực hiện, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả nhất định.
Pháp luật có những quy định cụ thể về chế độ quản lý và chế độ trách nhiệm đối với mỗi chủ thể quản lý được Nhà nước trao quyền. Trong đó có chế độ tập thể và trách nhiệm tập thể; chế độ người đứng đầu và trách nhiệm của người đứng đầu.
Trách nhiệm công vụ là một phạm trù có tính pháp lý và chính trị. Đánh giá việc thực hiện trách nhiệm công vụ phải thông qua công tác thanh tra, kiểm tra của cấp có thẩm quyền. Việc thực thi nhiệm vụ và chống tiêu cực, phiền hà trong thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố trách nhiệm người đứng đầu có vai trò quan trọng, quyết định.
Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu là một phương thức để nâng cao nhận thức và làm thay đổi ý thức, thái độ, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý.
Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm là việc cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhằm xem xét, đánh giá, kết luận những vấn đề về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và vai trò lãnh đạo, quản lý của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì công bố quyết định thanh tra nhiều nội dung được dư luận quan tâm, liên quan đến công tác quản lý Nhà nước của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 06/9/2019.
Về chế độ trách nhiệm người đứng đầu
Chế độ trách nhiệm người đứng đầu, được quy định trong nhiều loại hình văn bản pháp luật, bao gồm 10 điểm chính như sau:
1. Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý.
2. Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
3. Ban hành hoặc trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp pháp của văn bản (Bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt, chỉ đạo, điều hành, quy chế, điều lệ, quy định áp dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý).
4. Căn cứ các quy định về phân công, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn được giao, ban hành văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp phó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấu thành hoặc từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; không để tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ hoặc trách nhiệm không rõ ràng; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và đúng pháp luật.
5. Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, cử dự thi nâng ngạch, quyết định nâng ngạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ chế độ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
6. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản công được giao; phòng, chống cháy nổ và bảo đảm an toàn lao động tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khi sử dụng các nguồn tài chính, các tài sản, trang thiết bị phải thực hiện đúng chế độ, chính sách và đúng quy định của pháp luật; quản lý, kiểm tra thường xuyên, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, mất mát, thất thoát.
7. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về văn hóa công sở; không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý có thái độ hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
8. Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
9. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; về phát ngôn, khai thác, quản lý và sử dụng mạng Internet trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
10. Các chế độ trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.(1)
Để bảo đảm cho người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ công vụ, pháp luật quy định trách nhiệm của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc phân công nhiệm vụ cho người đứng đầu như sau:
1. Cấp có thẩm quyền khi quyết định bổ nhiệm hoặc phân công nhiệm vụ cho người đứng đầu phải quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của người được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu theo nguyên tắc:
a) Quyền hạn của người đứng đầu phải tương xứng với chức trách và nhiệm vụ được giao;
b) Quyền hạn, chức trách và nhiệm vụ giao cho người đứng đầu phải rõ ràng, cụ thể.
2. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc phân công nhiệm vụ cho người đứng đầu phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị, thời gian cho người đứng đầu để thực hiện chức trách, quyền hạn và nhiệm vụ được giao.(2)
Thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu
Từ các quy định của pháp luật về chế độ trách nhiệm và phân cấp trong quản lý của các cơ quan, tổ chức, xác định thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của cấp trên đối với cấp dưới, của các cơ quan quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Cụ thể:
Một là, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong chấp hành pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được giao đối với cấp dưới, các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình.
Hai là, cơ quan chuyên môn cùng cấp tham mưu, giúp thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước.
Ba là, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước theo thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong quản lý.
Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi là thủ trưởng) là người được cơ quan có thẩm quyền giao cho trách nhiệm (thường thông qua hình thức bổ nhiệm) đứng đầu một cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ được pháp luật xác định trong các văn bản pháp luật. Người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo điều hành cơ quan đó nhằm thực hiện chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị này.
Trên cơ sở nguyên tắc chung, mỗi cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý trong phạm vi hành chính hoặc ngành, lĩnh vực nhất định. Phạm vi quản lý phụ thuộc vào cấp độ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị (trung ương hay địa phương; ngành hay lĩnh vực).
Cụ thể, Bộ là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Bộ quản lý theo chế độ thủ trưởng, Bộ trưởng là người đứng đầu, người chịu trách nhiệm pháp lý và đề cao trách nhiệm chính trị đối với quản lý ngành, lĩnh vực.
Đối với một lĩnh vực cụ thể, nhạy cảm và được toàn xã hội quan tâm sâu sắc như phòng, chống tham nhũng, Chính phủ ta xác định: Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân.(3)
Công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ phức tạp, nhạy cảm, cam go đòi hỏi sự nỗ lực và trách nhiệm cao của cơ quan, tổ chức và xã hội. Trong đó, đặc biệt đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu cơ quan Nhà nước chính là người chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong phạm vi cơ quan tổ, chức, đơn vị mình.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp và của người đứng đầu cơ quan Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng.
Thứ nhất, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, Điều 4 của Luật này quy định như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm:
a) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
b) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng;
c) Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng;
d) Kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng.
2. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức;
b) Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.(4)
Thứ hai, về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, tại Điều 55 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
1. Người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
2. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.(5)
Thứ ba, về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Điều 56, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc đơn vị trực thuộc kiểm tra người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
3. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.(6)
Thứ tư, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, Điều 70, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
1. Chỉ đạo việc thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này.
2. Gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh.
3. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo quy định tại Điều 72 và Điều 73 của Luật này.(7)
Thứ năm, về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, Điều 72, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.
2. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới.(8)
Thứ sáu, về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, Điều 73, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cụ thể như sau:
1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng quy định tại Điều 72 của Luật này thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này thì bị xử lý kỷ luật.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng trách nhiệm pháp lý trong các trường hợp sau đây:
a) Được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng;
b) Được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc đã chủ động, kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật;
c) Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng mà không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng hoặc không kịp thời báo cáo, xử lý tham nhũng theo quy định của pháp luật.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình ngoài việc bị xử lý theo quy định của Điều này còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.(9)
Để nâng cao chất lượng thực thi công vụ thông qua đánh giá trách nhiệm người đứng đầu, thiết nghĩ, trước hết cần phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể, rành mạch theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý. Đặc biệt, phân định cho rõ phạm vi, giới hạn quản lý, quyết định của tập thể, cá nhân. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể chức trách, nhiệm vụ của từng vị trí trong quản lý, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; hoàn thiện chế độ pháp lý và cơ chế thích hợp cho việc “Chấm điểm” “đánh giá” và “miễn nhiệm, bãi nhiệm”, “từ chức” của người đứng đầu khi không làm tròn trách nhiệm./.
Ths. Giảng viên Đào Minh Tuấn
Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải
Chú thích:
(1) Chính phủ, Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, Điều 7;
(2) Chính phủ, Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan,tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, Điều 8;
(3) Chính phủ, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020;
(4) Điều 4, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
(5) Điều 55, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
(6) Điều 56, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
(7) Điều 70, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
(8) Điều 72, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;
(9) Điều 73, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.