Chuyển đổi số báo chí là vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ

Thứ ba, 22/08/2023 14:57
(ThanhtraVietNam) - Đó là tinh thần, nội dung đáng chú ý từ những nghiên cứu về mô hình tòa soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số trong khu vực báo chí truyền thông của TS. Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí nước ta đã và đang từng bước phát triển để phù hợp với xu thế của công nghệ, thông tin và truyền thông. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ nhiều loại hình, phương tiện và tăng độ bao phủ cả trong nước và quốc tế, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới.

Chuyển đổi số trong báo chí là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, đã đem lại nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng có những thách thức đối với nền báo chí nước nhà. Chính vì vậy, Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định mục tiêu là: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”. 

Năm 2022, cả nước có 815 cơ quan báo chí, gồm 138 báo và 677 tạp chí, trong đó có 29 cơ quan báo chí chỉ thực hiện loại hình điện tử. Bên cạnh đó, cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình với 02 đài truyền hình quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài phát thanh truyền hình địa phương; 01 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng riêng với 79 kênh phát thanh; 198 kênh truyền hình. Về nhân lực, cả nước có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ.

Theo TS. Trần Quang Diệu, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí truyền thông chính là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, là sự thay đổi quan trọng về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời, đây cũng là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chính trị như định hướng thông tin và định hướng dư luận trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam.

Do đó, ông Diệu cho rằng, chuyển đổi số báo chí truyền thông cần tập trung vào bám sát quy hoạch báo chí 2019 và Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, các cơ quan báo chí hoạt động vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Đó chính là việc đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Từ việc xây dựng mô hình hội tụ tại các cơ quan báo chí trọng điểm (Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài truyền hình Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam…), sẽ là nền tảng và tiền đề cho các cơ quan báo chí khác ở cả Trung ương và địa phương học tập, xây dựng mô hình phù hợp với bối cảnh của cơ quan, đơn vị mình.

leftcenterrightdel
TS. Trần Quang Diệu trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Hoàng Minh) 

Tòa soạn số dựa trên hội tụ công nghệ và nội dung

Trên cơ sở tòa soạn số, cần phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện. Do đó, có thể phát triển các sản phẩm báo chí bằng nhiều phương tiện (viết, nghe, nhìn, trực tuyến) và có thể trải nghiệm qua nhiều hình thức trình diễn (nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh) trên một sản phẩm báo chí. Đồng thời, phát triển các dòng sản phẩm báo chí truyền thông dựa trên nền tảng số, công cụ số để hình thành báo chí số.

Tòa soạn số dựa trên hội tụ công nghệ và nội dung. Điều này cho phép các cơ quan báo chí truyền thông đưa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ lên môi trường số nhằm giúp các cơ quan báo chí truyền thông nắm bắt kịp thời thông tin, nhu cầu thông tin của độc giả để xây dựng các tuyến bài; đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số.

leftcenterrightdel
Mô hình tòa soạn hội tụ theo nghiên cứu của TS. Trần Quang Diệu. (Ảnh: TS. Trần Quang Diệu) 

Nghiên cứu của TS. Trần Quang Diệu chỉ ra rằng, ở tòa soạn hội tụ, phóng viên sẽ nhận yêu cầu lấy tin tại hiện trường thông qua các phần mềm quản lý hoặc trực tiếp từ các phòng/ban hay ban biên tập và thư ký tòa soạn. Các thông tin thu thập được của phóng viên sẽ được chuyển về trung tâm tích hợp dữ liệu để các phòng/ban và các phóng viên khác tái sử dụng. Tại hiện trường, phóng viên có thể thực hiện các tin/bài mang tính cập nhật. Ban Biên tập và Thư ký tòa soạn có trách nhiệm kiểm soát thông tin trước khi xuất bản đến báo in hoặc báo mạng tùy theo nhu cầu và khả năng của tòa soạn.

Tuy nhiên, về nội dung này, TS. Trần Quang Diệu nêu rõ: Cần xác định rõ, hội tụ trong trường hợp này là hội tụ nội dung, hội tụ công nghệ và hội tụ phương tiện trong truyền thông. Điều này khác với việc đưa tất cả các đơn vị, phòng ban, phóng viên về cùng một tòa nhà hay cùng một địa điểm.

Để thực thi tốt hoạt động của tòa soạn số, theo TS. Trần Quang Diệu, các cơ quan hữu quan cần quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong các chương trình đào tạo cho sinh viên hệ đại học và các hệ sau đại học. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và đào tạo lại đối với nhà báo theo nhiều hình thức khác, bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra