Mỗi quốc gia có những cơ chế với tên gọi khác nhau, trong đó quy định cụ thể phạm vi, đối tượng được phép phản ứng với quy mô rộng hẹp khác nhau và các hình thức, phương pháp khác nhau để tổ chức, cá nhân tiến hành phản ứng và cơ quan nhà nước giải quyết. Ở Việt Nam, hiện nay, về cơ bản các cơ chế đó bao gồm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tố giác. Bên cạnh khiếu nại, tố cáo là cơ chế đã được áp dụng từ lâu và đem lại những tác dụng tích cực, thì kiến nghị, phản ánh là cơ chế mới được chính thức hóa trong các văn bản pháp luật và bước đầu triển khai thực hiện.
Khái quát về phản ánh, kiến nghị
Phản ánh, kiến nghị có thể hiểu chung là việc tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, có ý kiến, đề xuất nguyện vọng, giải pháp với cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chính sách, pháp luật và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối tượng của phản ánh, kiến nghị rất rộng, không chỉ các quyết định, hành vi cụ thể mà cả nội dung các văn bản chính sách, pháp luật nói chung, các hiện tượng tiêu cực… Trong khi đó, khiếu nại có đối tượng hẹp hơn bao gồm các hành vi hành chính, các quyết định hành chính nhưng là các quyết định áp dụng pháp luật (cá biệt) và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức và tố cáo chủ yếu hướng đến hành vi vi phạm pháp luật cụ thể của cá nhân, tổ chức.
Phản ánh, kiến nghị có hình thức đa dạng, phong phú nhất, trong đó có việc đơn thuần chỉ nêu thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông hoặc chủ động gửi phản ánh, kiến nghị đến bất kỳ chủ thể nào bằng nhiều cách khác nhau. Tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị tạo ra cơ chế chính thức để người dân kiểm soát trực tiếp quyền lực của cơ quan nhà nước.
Đánh giá cơ chế tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị hiện nay
Hiện nay, các quy định về tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị đã bước đầu được quy định khái quát trong hệ thống các văn bản pháp luật. Qua đó, tạo tiền đề pháp lý ban đầu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện, tiếp nhận, phân loại và giải quyết cho tổ chức, cá nhân. Luật Tiếp công dân năm 2013, Thông tư 06/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 31/10/2014 quy định về quy trình tiếp công dân, Thông tư 07/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 31/10/2014 quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị đã quy định khái quát về thế nào là phản ánh, kiến nghị, quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, quy trình giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị, quyền và nghĩa vụ của người phản ánh, kiến nghị, cơ quan giải quyết phản ánh, kiến nghị. Ngoài ra còn có Nghị định 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/02/2008 (Nghị định 20) về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trong đó quy định rõ về nội dung, hình thức, quy trình tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị riêng về quy định hành chính.
Một số bước trong quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị cho tổ chức, cá nhân được quy định khá chi tiết, cụ thể, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện. Ngoài quy trình chung, cơ quan nhà nước ban hành quy trình riêng về tiếp nhận và xử lý đối với phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. Đặc biệt là quy định về công khai kết quả có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả trong giải quyết, đồng thời tạo ra áp lực đối với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận và giải quyết.
Tuy nhiên, các quy định về vấn đề này hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định của pháp luật về tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, phản ánh còn chưa đồng bộ, thống nhất dẫn tới những lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện:
Quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 về phản ánh, kiến nghị còn chung chung, thiếu rõ ràng trong việc phân định giữa phản ánh và kiến nghị. Trong khi đó Nghị định 20 lại phân định rõ ràng giữa kiến nghị về quy định hành chính và phản ánh về quy định hành chính. Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình phân loại đơn kiến nghị, đơn phản ánh.
Giữa các văn bản pháp luật hiện hành còn có sự mâu thuẫn giữa chủ thể tiến hành kiến nghị phản ánh, nếu Luật Tiếp công dân quy định đó là công dân thì Nghị định 20 lại có chủ thể rộng hơn bao gồm cá nhân và tổ chức trong đó, cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có phản ánh, kiến nghị, tổ chức là doanh nghiệp, hội, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật có phản ánh, kiến nghị.
Đối tượng kiến nghị, phản ánh cũng chưa có sự thống nhất. Đối tượng kiến nghị, phản ánh theo Luật Tiếp công dân bao gồm tất cả những vấn đề trong quá trình thực hiện các văn bản và công tác quản lý mà không bao gồm bản thân nội dung chính sách, pháp luật. Trong khi đó, Nghị định 20 ngoài những đối tượng là một số hành vi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ, văn bản này còn cho phép kiến nghị, phản ánh với bản thân nội dung các văn bản như: Sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế; sự không đồng bộ, không thống nhất của các quy định hành chính; quy định hành chính không hợp pháp; quy định hành chính trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính; phương án xử lý những phản ánh; sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân (Điều 5 Nghị định 20). Như vậy, đối tượng theo Nghị định 20 gồm các nội dung các quy định hành chính và một số hành vi liên quan đến việc thực hiện.
Thứ hai, quy định của pháp luật hầu hết còn mang tính khái quát, thiếu hướng dẫn chi tiết, cụ thể trong một số bước của quy trình, nhất là bước giải quyết dẫn tới việc khó khăn trong triển khai thực hiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền như:
Việc phân loại các hình thức phản ánh, kiến nghị chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, kể cả là phân loại kiến nghị, phản ánh bằng đơn khiến các cơ quan gặp lúng túng trong giải quyết. Bước giải quyết phản ánh, kiến nghị và thông báo kết quả giải quyết cho người dân cũng chưa được các văn bản quy định rõ. Việc thông báo kết quả giải quyết mới chỉ được quy định rõ ràng đối với khiếu nại, tố cáo, còn kiến nghị, phản ánh thì chưa có quy định. Ngoài ra, kết luận giải quyết kiến nghị, phản ánh và giá trị pháp lý của kết luận này vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng để làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát việc thực hiện của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
Thứ ba, một số quy định về tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân còn hạn hẹp, cứng nhắc, thiếu phù hợp với thực tế:
Các quy định về tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị hiện nay mới chỉ phục vụ cho trường hợp tổ chức, cá nhân phản ánh một cách chủ động tới cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà chưa có quy định dành cho trường hợp cá nhân, tổ chức chỉ đơn thuần nêu thông tin phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Các văn bản hiện hành chưa có quy định về phương án khi đó các cơ quan nhà nước sẽ có bộ phận và quy trình như thế nào để xem xét, quyết định và xác minh, xử lý đối với các thông tin này.
Hình thức kiến nghị, phản ánh theo Luật Tiếp công dân năm 2013 chỉ gồm đơn và trực tiếp, còn hình thức phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo Nghị định 20 thì gồm: Văn bản, điện thoại, lấy ý kiến. Như vậy với phương thức linh hoạt như kiến nghị, phản ánh, việc các quy định pháp luật chỉ cho phép kiến nghị, phản ánh qua các hình thức trên là còn cứng nhắc. Việc giới hạn các hình thức nêu trên cũng chưa phù hợp với yêu cầu của thực tế hiện nay khi nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã mở trang tin hoặc cổng thông tin điện tử chuyên tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân.
Các văn bản hiện nay đều yêu cầu tổ chức, cá nhân phải nêu rõ họ tên, địa chỉ khi tiến hành phản ánh, kiến nghị. Yêu cầu này là một ràng buộc nặng nề, thiếu phù hợp với tính chất của kiến nghị, phản ánh, làm giảm đi hiệu quả của việc thu thập thông tin qua con đường phản ánh, kiến nghị do gây nên tâm lý e ngại của người cung cấp.
Chính vì vậy, nhiều phản ánh, kiến nghị thời gian qua chất lượng còn thấp, thiếu cụ thể, rõ ràng, thiếu thông tin và cơ sở xác thực hoặc nội dung phản ánh, kiến nghị không thuộc phạm vi xem xét, giải quyết của cơ quan được gửi nên chưa đủ cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Tỷ lệ giải quyết các vụ việc phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền vẫn chưa cao, một số vụ việc giải quyết không triệt để, dứt điểm, kịp thời, nhiều vụ việc tồn đọng. Chất lượng, hiệu quả giải quyết phản ánh, kiến nghị ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Việc giải quyết chưa thấu đáo, kết luận giải quyết chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, thiếu cụ thể, thiếu phương án hữu hiệu. Còn tình trạng người dân tiếp tục gửi kiến nghị, phản ánh. Kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đôi khi chưa đáp ứng được kỳ vọng của một bộ phận nhân dân nên người dân, doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng để tiếp tục gửi phản ánh, kiến nghị cũng như đóng góp ý kiến về quy định hành chính.
Hoàn thiện một số quy định của pháp luật về phản ánh, kiến nghị
Với những hạn chế trên đây, thời gian tới cơ quan nhà nước cần ban hành văn bản mới dưới hình thức Nghị định hoặc Thông tư quy định thống nhất về tiếp nhận, giải quyết tất cả các đối tượng của phản ánh, kiến nghị. Cùng với đó, sửa đổi các quy định trong các văn bản liên quan như Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành cho đồng bộ.
Nếu trước mắt chưa ban hành một văn bản riêng quy định thống nhất thì cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 07 quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh đảm bảo đầy đủ quy trình giải quyết kiến nghị, phản ánh cho tổ chức, cá nhân và sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Thông tư 06/2014/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân, Nghị định 20 về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính để khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay.
Việc ban hành văn bản mới thống nhất hoặc sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh cần theo hướng sau:
Thứ nhất, quy định rõ ràng khái niệm về phản ánh, kiến nghị đảm bảo bao quát hết tất cả các đối tượng của phản ánh, kiến nghị như sau:
Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, trình bày ý kiến với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính hoặc liên quan đến công tác quản lý, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước.
Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định về phản ánh và đề xuất giải pháp, phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.
Thứ hai, quy định chủ thể của phản ánh, kiến nghị bao gồm tổ chức, cá nhân, sửa đổi quy định về chủ thể của phản ánh, kiến nghị trong các văn bản liên quan để đảm bảo sự thống nhất và cũng là phù hợp với quy định mới của Hiến pháp năm 2013 trong việc mở rộng quyền khiếu nại, tố cáo từ quyền của công dân lên thành quyền con người. Trong đó xác định rõ: Cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài; Tổ chức là doanh nghiệp, hội, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, quy định nội dung phản ánh, kiến nghị gồm:
Phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính gồm: Hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức; Những cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp, trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; Những giải pháp, phương án xử lý phản ánh hoặc sáng kiến ban hành quy định mới về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân.
Những phản ánh, kiến nghị khác liên quan đến công tác quản lý, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước.
Quy định các kiến nghị, phản ánh không được thụ lý giải quyết gồm: Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định.
Thứ tư, bổ sung các hình thức của phản ánh, kiến nghị đảm bảo sự thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và bao quát được hết thực tế các hình thức tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị hiện nay của cơ quan nhà nước. Cụ thể là không chỉ gồm văn bản, phản ánh, kiến nghị trực tiếp, điện thoại, phiếu lấy ý kiến mà cần bổ sung các hình thức: email, cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử.
Thứ năm, về phương thức tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị:
Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân phản ánh, kiến nghị chủ động, trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền: cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận có thể tiếp nhận thông qua bộ phận tiếp công dân hoặc thiết lập bộ phận chuyên tiếp nhận, thiết lập đường dây nóng hoặc bố trí số điện thoại chuyên tiếp nhận, thiết lập email, trang tin điện tử, chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử…
Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân phản ánh, kiến nghị trên báo chí, phương tiện thông tin, truyền thông thì cơ quan nhà nước tiếp nhận thông qua việc thiết lập bộ phận hoặc giao trách nhiệm cho cá nhân chuyên trách chủ động tìm kiếm, ghi nhận các thông tin được nêu, được đăng tải trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… để chủ động xem xét phản ánh, kiến nghị, đề xuất xác minh lên cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định việc xác minh, giải quyết phản ánh, kiến nghị.
Tương ứng với mỗi loại phản ánh, kiến nghị sẽ có quy trình giải quyết phù hợp. Đối với những nội dung mang tính chất sự vụ, cấp thiết, các biện pháp đưa ra để xem xét, giải quyết không nhất thiết phải theo một trình tự thủ tục nhất định, cơ quan, người có thẩm quyền cần căn cứ tính chất, nội dung vụ việc để đưa ra các giải pháp, biện pháp giải quyết tức thì và phù hợp theo thẩm quyền. Đối với những nội dung vụ việc cần phải xác minh, làm rõ để kết luận và trả lời thì cần tiến hành tuần tự theo các bước như tiếp nhận, phân loại, trình đề xuất giải quyết, tiến hành xác minh giải quyết, ra kết luận, thông báo và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị./.
Nguyễn Thị Thu Nga
TTCP