Một số kết quả đã đạt được của thành phố Hải Phòng
Năm 2015 toàn thành phố có 1.008 đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch của thành phố, đến hết năm 2021 đã sắp xếp giảm 105 đơn vị, còn 903 đơn vị. Thực hiện Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 11/3/2022 của UBND thành phố về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, đến thời điểm 31/12/2022 đã sắp xếp giảm tiếp 70 đơn vị. Số đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay còn 833 đơn vị, gồm: 163 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố, trực thuộc Sở, ngành (11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố; 152 đơn vị trực thuộc sở, ngành, đơn vị khác), trong đó: 13 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; chiếm 7,98%; 20 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, chiếm 12,27%; 68 đơn vị tự đảm bảo 1 phần chi thường xuyên, chiếm 41,72 %; 62 đơn vị ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, chiếm 38,03%. Bên cạnh đó, có 670 đơn vị sự nghiệp công lập khối quận, huyện, trong đó: 03 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm 0,45%; 34 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, chiếm 5,07%; 633 đơn vị ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, chiếm 94,48%.
Về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập Thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
- Xây dựng phương án tự chủ và xây dựng danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Một số đơn vị đã xây dựng đơn giá định mức làm căn cứ để thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
- 100% các đơn vị sự nghiệp công lập đã xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, qua đó đã hạn chế phát sinh tăng chi phí, đảm bảo việc sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
|
|
Đại diện Sở Tài chính thành phố Hải Phòng tại cuộc làm việc với Tạp chí Thanh tra. Ảnh: Hà Tuấn |
Theo Sở Tài chính Thành phố, về nguồn thu, chi năm 2022, tổng thu từ hoạt động sự nghiệp là 2.666.397 triệu đồng. Tổng chi nguồn ngân sách cấp cho chi hoạt động thường xuyên: 5.453.375 triệu đồng. Về phân phối kết quả tài chính và tăng thu nhập năm 2022: Tổng số trích quỹ là 101.458 triệu đồng. Tổng số chi thu nhập tăng thêm là 108.768 triệu đồng; tăng 18.119 triệu đồng so với năm 2020. Đơn vị có người lao động có thu nhập tăng thêm cao nhất là 12 triệu đồng/tháng; đơn vị có người lao động có thu nhập tăng thêm thấp nhất là 0,1 triệu đồng/tháng.
Khó khăn, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, địa phương cũng còn nhiều vướng mắc, hạn chế như việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, giữa trung ương và địa phương, còn nhiều đơn vị sự nghiệp công lập trong cùng lĩnh vực, trên cùng địa bàn, có những nhiệm vụ còn chồng chéo gây lãng phí trong sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực và kinh phí. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập chưa gắn liền với đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính, nguồn thu từ dịch vụ sự nghiệp ít và tăng trưởng chậm, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.
Với số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý lớn (833 đơn vị), hàng năm ngân sách nhà nước cấp kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách 82 thường xuyên của thành phố. Một số đơn vị hoạt động chưa hiệu quả, trông chờ vào nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách. Một số đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, do vậy khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chưa quyết tâm, việc thực hiện tự chủ của một số đơn vị vẫn mang tính hình thức nên chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh của từng đơn vị để thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho người lao động.
Cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước về cơ bản vẫn thực hiện theo yếu tố đầu vào và biên chế được duyệt, chưa gắn với chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các yếu tố đầu ra khác. Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vẫn thực hiện cấp phát theo dự toán, chưa chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công; thiếu tiêu chí đánh giá chất lượng hiệu quả, chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công.
Các sở, ban ngành, lĩnh vực đã được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng đơn giá dịch vụ sự nghiệp công chưa được các Bộ chủ quản ban hành dẫn đến khó khăn khi thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc chuyển đổi cơ chế tự chủ tại thành phố Hải Phòng: về lĩnh vực y tế, văn hóa và thể thao bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn chung trong vấn đề nguồn thu, do đó một số đơn vị phải đề xuất được lùi thời gian thực hiện tự chủ chi thường xuyên theo lộ trình quy định.
Một số kiến nghị, đề xuất
Từ những khó khăn nêu trên, để kịp thời triển khai, thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND Thành phố đề xuất với Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ một số nội dung sau:
Thứ nhất, chỉ đạo các Bộ chủ quản, cơ quan Trung ương:
Sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của từng ngành, lĩnh vực để địa phương làm cơ sở ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí đồng thời làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan trung ương theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Có hướng dẫn cụ thể đối với những nội dung: Chuyển đơn vị sự nghiệp công lập ra ngoài công lập đối với các trường mầm non, trường trung học phổ thông; việc sắp xếp lại các trường mầm non, phổ thông để hình thành trường phổ thông nhiều cấp học theo hướng liên cấp, liên xã; việc sắp xếp các cơ sở dạy nghề, các trung tâm bảo trợ; mô hình tổ chức, hoạt động của các trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện; hướng dẫn thực hiện mô hình quản lý như doanh nghiệp.
Thứ hai, báo cáo, đề xuất với Quốc hội xem xét nghiên cứu, ban hành:
Luật Đơn vị sự nghiệp công lập để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ về đơn vị sự nghiệp công. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành các nghị định về cơ chế tự chủ đối với lĩnh vực quản lý nhà nước đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và quy hoạch tổng thể về mạng lưới cơ sở đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảm thống nhất trong cả nước, có sự liên kết vùng, địa phương, tránh phân tán, chồng chéo nhiệm vụ.
Luật Cung ứng dịch vụ công, trong đó xác định sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và Nhà nước tham gia theo hướng những lĩnh vực mà tư nhân không hoặc thể tham gia thì Nhà nước phải đóng vai trò cung cấp.