Bình Dương:

Đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu

Thứ sáu, 17/02/2023 09:32
(ThanhtraVietNam) - Đây là yêu cầu của ​​UBND tỉnh Bình Dương đối với các sở, ban ngành; UBND huyện, thị xã và các chủ đầu tư trong thực hiện Luật Đấu thầu; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động đấu thầu.

Theo đó, các đơn vị thường xuyên cập nhật, nghiên cứu kỹ lưỡng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu; thực hiện nghiêm quy định về quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện các bước công việc trong quá trình tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu hoặc lập tổ chuyên gia đấu thầu đảm bảo đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm theo quy định hiện hành. Hợp đồng giữa chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu phải quy định rõ trách nhiệm của tư vấn đấu thầu, các điều kiện ràng buộc khi tư vấn đầu thầu vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư, bên mời thầu phải chịu trách nhiệm nếu lựa chọn tư vấn đấu thầu không đáp ứng yêu cầu dẫn đến xảy ra sai sót từ phía tư vấn hoặc tư vấn có các hành vi vi phạm. Đặc biệt là các vi phạm liên quan đến việc dàn xếp, cố tình gây ra sai sót trong lập, thẩm định hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mặt khác, khi phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý; không được chia những công việc của dự án thành các gói thầu quá nhỏ, làm giảm sự thống nhất, đồng bộ về kỹ thuật và công nghệ.

Nghiêm cấm việc chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật Đấu thầu. Chỉ được phép tổ chức lựa chọn nhà thầu khi đã có Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (kể cả các gói thầu tư vấn); lập, thẩm định, phê duyệt HSMT/HSYC, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm,… đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế.

Người có thẩm quyền, chủ đầu tư/bên mời thầu có trách nhiệm kịp thời giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời gian quy định; không được giao đơn vị tư vấn đấu thầu thay mặt chủ đầu tư giải quyết, trả lời kiến nghị của nhà thầu; không để phát sinh trường hợp xử lý kiến nghị, phản ánh chậm trễ hoặc xử lý không thấu đáo, tránh để xảy ra tình trạng khiếu nại, kiến nghị kéo dài, vượt cấp; công khai xử lý vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và đồng gửi quyết định xử lý vi phạm đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp nâng cao tỷ lệ tiết kiệm trong công tác đấu thầu trên tất cả các hình thức lựa chọn nhà thầu, trong đó chú trọng khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu, giá gói thầu.

Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm quản lý trong hoạt động đấu thầu, trong thời gian tới, trong quá trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình UBND tỉnh phê duyệt; yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu xác định rõ trường hợp cần có nội dung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu và đề xuất cử cá nhân hoặc đơn vị thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu theo đúng quy định./.

Trần Quốc Quý
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra