Thứ sáu, 23/02/2018 - 08:11 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Quán triệt quan điểm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở Việt Nam,các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau. Ngoài việc thực hiện chức năng giai cấp, các cơ quan quyền lực Nhà nước cũng thường xuyên đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động nhằm thực hiện chức năng quản lý xã hội, hướng đến đem lại hiệu quả cao nhất cho mọi người dân và cho xã hội.
Theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, để nâng cao hơn nữa phương thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước, bài viết xin đề xuất một vài gợi ý sau:
Thứ nhất, đối với cơ quan lập pháp
Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, cơ quan lập pháp được thiết lập theo hình thức đơn viện, đó là Quốc hội. Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, là cơ quan đại biểu cho tiếng nói và nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì Quốc hội cần đổi mới cả phương thức tổ chức và cách thức hoạt động theo hướng:
Một là, đổi mới cơ chế hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và phương thức làm luật.
Quốc hội cần đổi mới theo cách: (1) Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, hướng đến xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp với những đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp, có thể họp bất cứ lúc nào, có thể trình dự luật, thẩm tra dự luật do các cơ quan khác trình lên và thông qua luật bất cứ khi nào; (2) Tăng thẩm quyền và trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội theo cách thành lập văn phòng của từng đại biểu Quốc hội để nhân dân có thể gặp gỡ, trao đổi, trình bày nguyện vọng của mình trước đại biểu do mình bầu ra. Trên cơ sở đó,đại biểu Quốc hội sẽ chuyển ý kiến của nhân dân đến Quốc hội, trong một khoảng thời gian quy định nào đó theo luật, Quốc hội phải có ý kiến giải trình, sau đó đại biểu Quốc hội sẽ báo cáo lại cho nhân dân. Cách làm này cũng nhằm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân tốt hơn thông qua việc giám sát hoạt động của từng đại biểu Quốc hội. Theo đó, cách làm này sẽ khắc phục được việc tiếp xúc cử tri mang tính hình thức hiện nay và đồng thời, chuyển tư cách đại biểu Quốc hội từ hoạt động theo đoàn (nơi dấu ấn cá nhân mờ nhạt) sang hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm trước cử tri và công luận.
Nếu tổ chức được như trên thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban, hội đồng khác của Quốc hội sẽ hoạt động thường xuyên hơn, đúng với chức trách là cơ quan thường trực của Quốc hội, có chức năng thẩm định về mặt chuyên môn các dự luật chứ không phải là một cấp thừa hành của Quốc hội như hiện nay. Từ đây sẽ làm tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, giúp cho việc làm luật được dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, chuẩn xác hơn và phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân.
Hai là, đổi mới cơ chế giám sát của Quốc hội theo hướng: (1) mở rộng và thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan hành pháp và tư pháp để uốn nắn kịp thời những lệch lạc, đảm bảo cho luật được thực thi một cách đúng đắn và hiệu quả. Quốc hội có thể kiểm tra đột xuất, đại biểu Quốc hội cũng có thể kiểm tra đột xuất với tư cách cá nhân chứ không cần thành lập đoàn và báo cáo trước như hiện nay;(2) Đối với nhân sự trong bộ máy Nhà nước do Quốc hội bầu ra thì Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật, việc thực thi nhiệm vụ được giao, giám sát đạo đức công vụ và cả lối sống. Nếu vi phạm thì Quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm và cách chức;(3) Đối với phiên chất vấn các thành viên Chính phủ thì Quốc hội cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của người trả lời chất vấn thông qua giám sát, kiểm tra việc triển khai những cam kết, lộ trình thực hiện cam kết đã hứa, thậm chí cho phép đại biểu Quốc hội hoặc các ủy ban “truy đến cùng” những vấn đề chưa thỏa đáng. Nếu cam kết mà không thực hiện được thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân bằng nhiều hình thức, thậm chí bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc từ chức vì không thực hiện cam kết và lời hứa trước cử tri;(4)Hiến pháp năm 2013 quy định: Quốc hội có thẩm quyền quyết định chính sách tài chính, tiền tệ; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế. Khách quan mà nói thì với quy định như vậy, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chi tiêu công của Quốc hội là rất nặng nề. Nhưng nếu không vững chuyên môn và không có đội ngũ giúp việc đủ trình độ thì Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng sẽ rất “nhẹ nhàng” với việc “nhắm mắt” bấm nút thông qua; hoặc sẽ rất lúng túng trong việc giám sát vấn đề tài chính. Vì vậy, Quốc hội ngoài việc tăng cường bộ máy giúp việc có chuyên môn, tăng thẩm quyền và tính độc lập của Kiểm toán nhà nước, còn cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho từng đại biểu Quốc hội thực hiện việc tự giám sát đối với những chi tiêu mà đại biểu và nhân dân quan tâm. Qua đó, giúp phát hiện những sai trái và đề xuất với Quốc hội biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế sự lãng phí nguồn lực quốc gia, tránh việc chi tiêu tràn lan, sai mục đích và thiếu hiệu quả.
Ảnh minh họa
Thứ hai, đối với cơ quan hành pháp
Hiến pháp nước ta năm 2013quy định quyền hành pháp là một trong ba nhánh quyền lực của bộ máy Nhà nước. Trong cơ cấu bộ máy Nhà nước ta thì cơ quan hành pháp được giao cho Chính phủ - với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Chính phủ cần đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng:
Một là, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ; chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, công chức; chấn chỉnh lề lối làm việc theo hướng phân công rạch ròi nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng để mỗi đơn vị làm đúng quyền hạn được giao, tránh sự dựa dẫm, ỷ lại, tránh lạm quyền, nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần sửa đổi tư duy và lối làm việc. Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ cần phải năng động trong quản lý, điều hành, cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước hoạt động theo luật, xóa bỏ hoàn toàn tư duy bao cấp, quản lý bằng mệnh lệnh, làm việc theo cơ chế “xin - cho” từng tồn tại dai dẳng trước đây và chưa được xóa hết hiện nay để thay bằng tư duy phục vụ với chức năng hành chính công của Chính phủ; điều hành, quản lý bằng chính sách vĩ mô, dựa trên cơ sở là luật pháp. Đây là khía cạnh kiến tạo tư duy phát triển, dẫn dắt quá trình kiến tạo thực tiễn mà Chính phủ đã cam kết thực hiện thời gian qua.
Hai là, thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn và đề cao chế độ thủ trưởng. Chính phủ cần đẩy mạnh việc phân cấp trong quản lý, phân định và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ tướng và các bộ trưởng, thực hiện chế độ thủ trưởng một cách triệt để. Điều này không thể nói chung chung mà phải luật hóa để xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng đến đâu, quyền hạn và trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ và cơ quan ngang Bộ đến đâu để Chính phủ dễ điều hành, quản lý, tránh chồng chéo; để Quốc hội và nhân dân dễ giám sát.
Ba là,Chính phủ cần thực hiện quyền “đặc quyền hành động” một cách chân chính.
Trong thực tế, dù không quy định bằng văn bản nhưng cơ quan hành pháp ở quốc gia nào cũng được giao cho quyền “đặc quyền hành động” để quản lý, điều hành đất nước. Với nước ta, đặc quyền hành động được Chính phủ và các Bộ, ngành sử dụng ra sao?
Đến nay, Quốc hội nước ta chỉ mới ban hành trên 200 luật, nhưng luật do Quốc hội ban ra thì thường là chưa thực hiện ngay được mà phải giao cho Chính phủ chi tiết hóa thành những Nghị định, rồi Bộ ra Thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định của Chính phủ. Thực tế cuộc sống luôn sinh động và phức tạp, chỉ trên 200 điều luật thôi thì quả là chưa đủ sức điều chỉnh toàn xã hội. Bên cạnh đó, nếu vì một lý do gì đó mà luật chậm được triển khai trên thực tế hoặc tầm ảnh hưởng của nó chưa bao quát mọi hoạt động sống thì lúc này Chính phủ cần thực hiện quyền “đặc quyền hành động” để xử lý nhanh chóng những vấn đề nảy sinh mà chưa có quy định trong luật. Vì nếu chờ luật thì không biết đến bao giờ, mà không xử lý kịp thời đôi khi để lại hậu quả khôn lường.
Thực tế cho thấy, đặc quyền hành động mang lại cho Chính phủ quyền hạn rất lớn. Thời gian qua, việc điều hành vĩ mô nền kinh tế, ứng phó với những biến động của tình hình trong nước và thế giới của Chính phủ và các Bộ, ngành đã mang lại nhiều kết quả nhất định nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh. Ở đây, rất khó định lượng kết quả mang lại cho xã hội, cho nhân dân mà chỉ có thể định tính. Tiêu chuẩn xác định tính chân chính hay không chân chính của đặc quyền hành động thể hiện qua dư luận xã hội; qua niềm tin vào chính quyền; qua chất lượng cuộc sống của nhân dân; qua sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, chính trị, xã hội; qua thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế... Để xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì Chính phủ cần dựa vào các tiêu chí này để thực hiện đặc quyền hành động chân chính của mình. Nhân dân sẽ là người phán xét cuối cùng.
Hướng đến xây dựng một nền hành chính công, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính thì việc đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành pháp đóng vai trò thiết yếu. Tuy nhiên, những vướng mắc về cơ chế cần phải được tháo gỡ, còn những vấn đề cần vận dụng linh hoạt thì Chính phủ và các Bộ, ngành phải chủ động để làm tốt vai trò chỉ huy đầu não của mình, xứng đáng với vị trí, trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao.
Thứ ba, đối với cơ quan tư pháp
Tư pháp là một trong ba nhánh quyền lực Nhà nước. Thông thường ở các nước, cơ quan tư pháp chỉ thực hiện công việc xét xử và nhiệm vụ này được giao cho Tòa án. Hiến pháp 1946 của nước ta cũng quy định như vậy. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và cả Hiến pháp năm 2013 bên cạnh việc quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử còn quy định quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân như là một thiết chế quyền lực tồn tại song song với Tòa án.
Trước những đòi hỏi cấp thiết của việc xác lập và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp là yêu cần khách quan và cần kíp. Bài viết không đi sâu vào tất cả các cơ quan trong hệ thống cơ quan tư pháp mà chỉ tập trung trọng tâm vào việc đề xuất những biện pháp nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo hướng “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Khoản 1 Điều 102Hiến pháp năm 2013).
Cụ thể hóa Khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định”, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định Tòa án của nước ta được tổ chức theo 4 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện. Với cách tổ chức theo 4 cấp như vậy thì hoạt động của Tòa án có khác hơn so với khi thực hiện Hiến pháp 1992 nhưng cũng chưa thoát ly khỏi đơn vị hành chính, còn chịu sự tác động, chi phối của chính quyền địa phương và cấp ủy Đảng tương đương, làm hạn chế không nhỏ tínhđộc lập trong xét xử của Tòa án.
Thẩm phán, với những tố chất cần thiết về năng lực và đạo đức, như: Độc lập trong suy nghĩ, liêm chính, thẳng thắn, khách quan, công tâm, không vụ lợi... là yếu tố quan trọng nhất và là nền tảng để hoạt động xét xử của Tòa án được độc lập. Để tạo ra người thẩm phán như vậy thiết nghĩ, cơ quan nào bổ nhiệm không quan trọng mà quan trọng là tiêu chuẩn bổ nhiệm phải đảm bảo. Theo đó, việc bổ nhiệm trước hết phải căn cứ vào giá trị, căn cứ vào tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất của người thẩm phán chứ không phải là những thiên kiến chủ quan của người có thẩm quyền bổ nhiệm. Sau khi bổ nhiệm thẩm phán thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán không được can dự vào công việc xét xử của thẩm phán. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, người có thẩm quyền bổ nhiệm không được cách chức thẩm phán vì bất cứ một lý do chủ quan nào khi chưa hết nhiệm kỳ, trừ trường hợp thẩm phán vi phạm pháp luật hoặc đạo đức. Ngoài ra, thẩm phán cũng cần phải được trả một mức lương tương xứng và tương đối cao so với mặt bằng chung của xã hội để họ khỏi bị mua chuộc và phải được đảm bảo về an ninh để yên tâm công tác.
Tóm lại, để tăng tính độc lập và hiệu quả xét xử của Tòa án cần chú ý yếu tố con người và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho toàn bộ hoạt động tư pháp. Cụ thể là cần thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 một cách triệt để và hợp lý hơn, để Tòa án nhân dân hoạt động hiệu quả hơn, khắc phục những hạn chế cố hữu mắc phải bấy lâu nay.
Việc đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của các cơ quan quyền lực Nhà nước là một công việc phức tạp và lâu dài, đòi hỏi một quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Mục đích của việc đổi mới này không gì khác hơn là phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quyền lực Nhà nước, làm cho các cơ quan quyền lực Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, phục vụ cho công dân và xã hội ngày càng tốt hơn. Đây cũng là cơ sở và là điều kiện tiên quyết nhằm củng cố và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta hiện nay./.
Ths. Ngô Khắc Sơn
Khoa Chính trị học, Học viện chính trị khu vực III
Từ khóa:
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Kim Dung - Dương Nguyễn
Tin đọc nhiều
(ThanhtraVietNam) - Đổi mới hoạt động, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngành Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Khánh Nghi
(ThanhtraVietNam) - Khi ứng dụng công nghệ số được nghiên cứu kỹ càng và nghiêm túc, hoạt động bồi dưỡng của nhà trường sẽ có những phát triển chưa từng có trong tiền lệ, thay đổi cả về lượng và về chất.
Th.s Nguyễn Mai Anh
(ThanhtraVietNam) - Khi ứng dụng công nghệ số được nghiên cứu kỹ càng và nghiêm túc, hoạt động bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra sẽ có những phát triển chưa từng có trong tiền lệ, thay đổi cả về lượng và về chất.
Th.s Nguyễn Mai Anh
(ThanhtraVietNam) - Khi ứng dụng công nghệ số được nghiên cứu kỹ càng và nghiêm túc, hoạt động bồi dưỡng của nhà trường sẽ có những phát triển chưa từng có trong tiền lệ, thay đổi cả về lượng và về chất.
Th.s Nguyễn Mai Anh
(ThanhtraVietNam) - Ngày 14/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh. (TP.HCM), Báo Pháp Luật TPHCM tổ chức hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế”.
Hữu Anh - Thanh Thủy
(ThanhtraVietNam) - Mô hình tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp phối hợp cùng trực tuyến đã đưa Trường Cán bộ Thanh tra trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong việc đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, việc áp dụng mô hình dạy học hiện đại trong tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng sẽ khắc phục được những điểm hạn chế trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngành thanh tra.
Thạc sĩ Đặng Thuỳ Trâm Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Trường Cán bộ Thanh tra
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những nguyên tắc trong việc kiểm tra, xử lý văn bản được quy định tại Nghị định số 79/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
M. Phương (TH)
(ThanhtraVietNam) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 334 triển khai thực hiện Quy định số 131 ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Khanh Nghi
(ThanhtraVietNam) - Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang lấy kiến của các cơ quan Trung ương và địa phương về dự thảo Luật Thanh tra (viết tắt là dự thảo Luật) thay thế Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022. Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật, tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:
Đỗ Văn Nhân Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
(ThanhtraVietNam) - Dự thảo Luật Thanh tra năm 2025 đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, với nhiều thay đổi quan trọng. Những sửa đổi này tập trung vào việc kiện toàn tổ chức thanh tra, cải tiến quy trình hoạt động và nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan, nhằm khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành.
Dương Nguyễn
(ThanhtraVietNam) - Việc ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác này. Chương trình được kỳ vọng là bước đi quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy hành chính liêm chính, kiến tạo và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
BS
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Thành phố Hà Nội chỉ ra nhiều thiếu sót trong thủ tục quy hoạch, đất đai của dự án Công viên cây xanh kết hợp công trình phụ trợ phục vụ giải đua xe Công thức 1, đặc biệt là việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khi chưa đủ thời gian lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo quy định.
BS