Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động Đoàn thanh tra tại địa phương

Thứ sáu, 10/05/2024 18:08
(ThanhtraVietNam) - Tổ chức hoạt động Đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục cuộc thanh tra nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thanh tra. Qua đó, bảo đảm hoạt động của Đoàn thanh tra được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu nguyên tắc hoạt động thanh tra. Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định để hoạt động thanh tra từng bước chuyên nghiệp; trình tự thủ tục cuộc thanh tra được quy định ngay trong Luật để đảm bảo việc tiến hành thanh tra tuân thủ đúng quy định, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

Những năm qua, Thanh tra thành phố Hải Phòng luôn bám sát chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện các cuộc thanh tra được giao đảm bảo đúng tiến độ; có trọng tâm, trọng điểm; đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật và đảm bảo đúng theo nội dung, yêu cầu, định hướng thanh tra và đã có sự đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và kiến nghị khắc phục, hoàn thiện; đã tích cực, chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, thực hiện tốt các Chủ đề năm của thành phố.

Bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn trên để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra hành chính hiện nay, công tác tổ chức hoạt động Đoàn thanh tra có vị trí, vai trò hết sức quan trọng.

Thứ nhất, xây dựng chương trình kế hoạch công tác thanh tra hàng năm bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

 Trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch các cuộc thanh tra trên các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong quản lý kinh tế như kê khai nộp thuế, quản lý tài chính, ngân sách, đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ bản, đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế… Trong tổ chức thực hiện kế hoạch công tác thanh tra hàng năm đã sắp xếp, cân đối thời gian, bố trí cán bộ hợp lý để kiểm tra những nội dung trọng tâm, nổi cộm của mỗi cuộc thanh tra đảm bảo nhanh chóng, kịp thời hiệu quả cả về kinh tế và đảm bảo tính kỷ cương, răn đe. Đồng thời, có thể thực hiện tốt đối với các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên.

Thứ hai, thực hiện tốt quy trình tiến hành thanh tra của Đoàn Thanh tra

Về công tác chuẩn bị thanh tra: Thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để quyết định thanh tra, giúp cho việc quyết định thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, rút ngắn được thời gian thanh tra. Để thực hiện tốt công tác này trước khi quyết định thanh tra cần phải chọn người được giao nắm tình hình là người có năng lực nghiên cứu và dự kiến sẽ là thành phần chủ yếu, trụ cột của Đoàn thanh tra sau này. Sau khi nắm tình hình phải báo cáo khái quát tình hình của đối tượng thanh tra, xây dựng những nội dung cần phải thanh tra làm rõ, kiến nghị đề xuất thời gian, nội dung thanh tra, thành phần Đoàn thanh tra, biện pháp tổ chức cuộc thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra.

Về tiến hành thanh tra trực tiếp: Trong quá trình thanh tra phải thực hiện đúng thẩm quyền; các quyền đưa ra phải đúng lúc, đúng chỗ, nội dung phải phục vụ đúng mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra. Khi thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra thực hiện nhiệm vụ quyền hạn đảm bảo đầy đủ thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật, nhất là đối với việc niêm phong tài liệu, kiểm kê tài sản; trưng cầu giám định; quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm, tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép được cấp phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra.

leftcenterrightdel
Hoạt động thanh tra của Thanh tra thành phố Hải Phòng. Ảnh: HT 

Quá trình thanh tra, cán bộ thanh tra phải luôn luôn ý thức và thường trực trong suy nghĩ và việc làm phải tuân theo pháp luật, thể hiện: Việc lập biên bản phải chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý; sai phạm đến đâu, nhận xét, đánh giá đúng mức đến đó, không áp đặt ý chí chủ quan. Mọi đánh giá, kết luận về đối tượng thanh tra đều phải có căn cứ pháp luật, có chứng cứ rõ ràng nhằm làm rõ được tính chất, mức độ, nguyên nhân sai phạm, trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân đối với các hành vi vi phạm.

Báo cáo Kết luận thanh tra phải phản ánh đúng sự thật khách quan, thể hiện đầy đủ các nội dung đã thanh tra và kết quả thu thập được. Nội dung phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, bám sát tinh thần quyết định và kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra; cần có sự chủ động cập nhật dần số liệu, tình hình để dự thảo báo cáo, không chờ đến khi kết thúc thanh tra. Kết luận thanh tra phải rõ từng nội dung một cách khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Kết luận phải nêu bật được những ưu điểm, khuyết điểm, các nội dung còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Kiến nghị phải cụ thể, rõ từng nội dung, vấn đề sai phạm và trách nhiệm thực hiện của từng cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thứ ba, Đảng ủy, lãnh đạo Thanh tra thành phố Hải Phòng thường xuyên chỉ đạo sâu sát các Phòng Nghiệp vụ thuộc Thanh tra thành phố triển khai các cuộc thanh tra kinh tế xã hội theo đúng nội dung, chương trình kế hoạch đã được phê duyệt. Hàng tuần, các Đoàn Thanh tra họp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện, định hướng nội dung thanh tra đạt hiệu quả, giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện của Đoàn Thanh tra để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Thứ tư, các Kết luận thanh tra do Thanh tra thành phố ban hành đều được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện. Sau khi có văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố tổ chức theo dõi, ban hành văn bản đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện Kết luận thanh tra và báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân thành phố. Ngoài ra, hàng năm Thanh tra thành phố thành lập 01 Đoàn Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các Kết luận thanh tra.

Những khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật về thanh tra còn nhiều bất cập, đôi khi chưa tương thích, chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến sự chồng chéo thẩm quyền, trách nhiệm, công cụ, chế tài xử lý và hoạt động ở một số lĩnh vực gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Thứ hai, quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Các cơ quan thanh tra chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị cho nên tính hiệu lực không cao.

Thứ ba, mô hình tổ chức hoạt động thanh tra theo quy định Luật Thanh tra năm 2022 là quản lý ngành và địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Mối quan hệ giữa Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện là chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động Đoàn thanh tra

Trong hoạt động thực tiễn, chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra hành chính suy cho cùng là góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Nhà nước ngày càng có hiệu quả, hiệu lực, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Do vậy, với góc nhìn từ thực tiễn hoạt động thanh tra tại địa phương, cần nghiên cứu, triển khai một số giải pháp chủ yếu, như sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt các quy trình, nghiệp vụ từ công tác chuẩn bị thanh tra đến giai đoạn kết thúc thanh tra, công tác sau thanh tra.

Áp dụng biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung kiến nghị xử lý.

Thứ hai, tăng cường công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra hành chính như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Phần mềm quản lý kế hoạch thanh tra; Phần mềm hỗ trợ hoạt động Đoàn thanh tra.

Thứ ba, nâng cao khả năng tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành và trình độ chuyên môn, phương pháp làm việc khoa học của Trưởng đoàn thanh tra.

Lựa chọn Trưởng đoàn thanh tra hành chính: Người được lựa chọn làm Trưởng đoàn thanh tra trước hết cần đáp ứng được các yêu cầu sau: Có năng lực tổ chức, triển khai nhiệm vụ của Đoàn thanh tra; Am hiểu về pháp luật; Có trình độ chuyên môn thuộc lĩnh vực phù hợp với nội dung cuộc thanh tra và có kỹ năng, nghiệp vụ về thanh tra hành chính; Có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động thanh tra hành chính luôn là tấm gương sáng về trình độ chuyên môn cũng như tư cách đạo đức, biết lắng nghe và chia sẻ với các thành viên Đoàn. Thực hiện công việc công khai, minh bạch, trao đổi thẳng thắn, cởi mở để tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nội bộ Đoàn Thanh tra.

Thứ tư, thực hiện công khai, minh bạch kết luận, quyết định xử lý về thanh tra và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Xây dựng hệ thống dữ liệu, quy trình công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; tổng kết hoạt động Đoàn thanh tra.

Xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giám sát, cung cấp thông tin việc thực hiện Kết luận thanh tra đối với các tổ chức, đơn vị được thanh tra với 03 trụ cột chính của sự “bảo đảm”, đó là: Bảo đảm về nhận thức; Bảo đảm về pháp lý; Bảo đảm về sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thực tiễn cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu quan tâm, coi trọng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác xử lý sau khi có Kết luận thanh tra, thì ở đó nội bộ đoàn kết thống nhất; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững, cán bộ, đảng viên ít vi phạm; thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt.

Thứ năm, đối với lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra cần tập trung một số nội dung sau:

Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ thanh tra về đạo đức nghề nghiệp, giúp nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò trách nhiệm của mình, thực sự là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra có phương pháp tư duy biện chứng, nghệ thuật giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống khi tiến hành thanh tra; tăng cường rèn luyện thử thách qua hoạt động thực tiễn.

Nâng cao trình độ lý luận chính trị, hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn lý thuyết với thực hành thông qua việc tổ chức tọa đàm mời các chuyên gia của Thanh tra Chính phủ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Xây dựng Phần mềm quản lý cán bộ ngành Thanh tra và quy trình đánh giá cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao, làm cơ sở để đánh giá, bình xét thi đua hàng năm; động viên kịp thời về lợi ích vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức thanh tra viên.

Kiến nghị, đề xuất với Thanh tra Chính phủ

Ban hành các Quy trình nghiệp vụ về trình tự, thủ tục thanh tra theo chuyên đề diện rộng, bao gồm: Danh mục, hệ thống biểu mẫu, hồ sơ thanh tra quy định cụ thể theo chuyên đề.

Hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục (các mẫu văn bản), thời hạn thực hiện thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra; điều kiện, tiêu chuẩn của cá nhân, đơn vị được giao thực hiện việc thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra; những trường hợp không được tham gia thẩm định.

 Hướng dẫn những hành vi vi phạm hành chính nào thì Chánh Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử phạt; thời gian thanh tra trực tiếp sau 15 ngày tính kể từ ngày công bố quyết định thanh tra hay trong thời gian 15 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra./.

TS. Đoàn Văn Tạo
Trưởng phòng giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra
Thanh tra thành phố Hải Phòng

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra