Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu hồ An Dương, phường Yên Phụ:

Hà Nội chậm thực hiện kiến nghị giám sát của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Thứ năm, 20/01/2022 10:10
(ThanhtraVietNam) - Năm 2019, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam gửi kiến nghị sau giám sát đến UBND TP. Hà Nội để chỉ đạo các sở, ngành xem xét, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty IDC) dự án trong suốt hơn 20 năm qua. Thế nhưng, thêm 3 năm nữa, những khó khăn vướng mắc này tiếp tục chưa được giải quyết.

Vụ việc khiếu nại kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm

Ngày 16/8/2019, Đoàn Giám sát của Trung ương MTTQ Việt Nam có Báo cáo số 01/ĐGS-MTTQ, trong đó nêu rõ, vào những năm 1990, khi mới bước sang cơ chế thị trường, nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn, nhà nước không có vốn đầu tư nên đã kêu gọi đầu tư trong nhân dân theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Dự án này được bắt đầu năm 1989 khi Hội VACVINA ký hợp đồng san lấp với UBND phường Yên Phụ và đã san lấp được 4.000m2. Khi Hội VACVINA bị phá sản, năm 1990, Tổ tiên tiến Dị Nậu đã mua lại dự án và ký hợp đồng nguyên tắc số 165/HĐ với phòng xây dựng quận Ba Đình, thực hiện san lấp được 12.000m2, sau đó Tổ tiên tiến Dị Nậu phá sản, dự án được giao cho Công ty IDC.

Năm 1991, Công ty IDC đã đầu tư 1,7 tỷ đồng thực hiện hạng mục san lấp cho hợp đồng nguyên tắc số 10/HĐ và ngày 26/01/1992 ký hợp đồng cụ thể số 124/HĐ với UBND quận Ba Đình để thực hiện hạng mục san lấp 8.400m đất hồ An Dương theo giấy phép sử dụng đất số 2705 và hồ sơ mốc địa giới ngày 22/2/1992.

Do sai phạm của UBND quận Ba Đình, hạng mục san lấp bị đình chỉ theo Kết luận thanh tra số 21/TTHN của Thanh tra TP Hà Nội và Công văn số 1629 của cơ quan Cảnh sát điều tra, trong đó ghi nhận vốn góp của 77 cổ đông và số tiền Công ty đã đầu tư tại thời điểm đó là 1,270 tỷ đồng…

Kết quả giám sát cho thấy, đây là vụ việc khiếu nại kéo dài, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, liên quan tham mưu các biện pháp giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và nhà đầu tư. Do đó, cần sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, tạo ổn định tình hình tại địa phương.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các nội dung theo sự chỉ đạo của Thành phố của một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa giải quyết được những vấn đề cốt yếu của vụ việc, người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục có đơn thư.

leftcenterrightdel
Ý tưởng ban đầu của Dự án - Ảnh: Internet

Chưa quyết liệt, chưa kịp thời giải quyết những vướng mắc mới phát sinh

Vụ việc bị kéo dài có nguyên nhân từ sự vào cuộc chưa quyết liệt trong giai đoạn đầu, chưa kịp thời giải quyết những vướng mắc mới phát sinh. Bên cạnh đó, hiệu quả công tác chỉ đạo trong giải quyết vụ việc chưa cao. Những thay đổi về chính sách ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như quyền lợi của người dân chưa được chính quyền địa phương tổng hợp, báo cáo kịp thời, xin ý kiến cấp có thẩm quyền giải quyết - Ban Thường trực, Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá.

Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND thành phố Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành do 01 lãnh đạo UBND Thành phố chủ trì, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành và địa phương nhằm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những tồn đọng của dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng hợp pháp của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với Công ty IDC thực hiện các nội dung tại Thông báo số 04/TB-VP ngày 06/01/2016 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội về ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát toàn bộ hồ sơ, thủ tục còn vướng mắc trong quá trình Công ty IDC triển khai thực hiện Dự án; chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn Công ty hoàn tất thủ tục hoàn tất khoản kinh phí san lấp hồ An Dương đối với với phần diện tích mà Công ty đã san lấp nhưng không được bàn giao thực hiện Dự án. Cùng với đó, chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội tiếp tục chủ trì phối hợp với các ngành liên quan giúp đỡ Công ty trong việc giải quyết khoản nợ thuế và mở lại mã số thuế để tiếp tục thực hiện Dự án.

Mặt khác, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam còn kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo UBND quận Tây Hồ, phường Yên Phụ rà soát lại toàn bộ hiện trạng đất đai thuộc Dự án theo các quy định của pháp luật; xem xét, giải quyết về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD đất) cho các hộ dân đủ điều kiện khu vực Dự án nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Đối với diện tích đất do các hộ gia đình đã lấn chiếm hồ An Dương (sau khi san lấp), UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định của Luật đất đai.

leftcenterrightdel
Thực trạng Dự án sau hơn 20 năm không thể triển khai - Ảnh: Internet

Xem xét giải quyết với những vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm  quyền

Liên tục trong thời gian vừa qua, ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty IDC đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan Trung ương kiến nghị giải quyết dứt điểm, triệt để, toàn diện dự án hồ An Dương. Thanh tra Chính phủ cũng đã nhiều lần chuyển đơn của công dân đến UBND thành phố Hà Nội để xem xét, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng làm ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu hồ An Dương, phường Yên Phụ.

Mới đây, tại Văn bản 3450/MTTW-BTT ngày 31/12/2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, trên cơ sở các kiến nghị của cơ quan này về vụ việc, ngày 21/01/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 575/VPCP-QHĐP thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tuy vậy, sau gần 2 năm, cơ quan này vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả giải quyết vụ việc. 

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện các nội dung kiến nghị giám sát và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có văn bản thông báo kết quả trước ngày 28/01/2022, Văn bản 3450/MTTW-BTT nêu rõ.

Theo ông Lê Quốc Khánh, Giám đốc Công ty IDC, đến nay Dự án Khu đô thị An Dương chưa thể tái triển khai vì nhiều lý do như việc chính quyền thu hồi dự án 2 lần và bàn giao dự án 3 lần, đất được giao nằm trong phạm vi đê điều không thể thực hiện dự án, công dân không được tái định cư quay về chiếm dụng lại đất cũ, mốc giới diện tích tích 962,19m2 đất được giao trùng với mốc giới kiểm đếm năm 2019, dự án bị đình chỉ liên tục do sự thay đổi cơ chế, chính sách…

Cũng theo ông Khánh, chính quyền chưa xem xét, nghiên cứu, xử lý và kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư. Về việc này, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã có rất nhiều văn bản chuyển đơn đến UBND Thành phố Hà Nội để chỉ đạo xem xét, nghiên cứu, xử lý, giải quyết và trả lời công dân theo quy định. Tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn chưa có kết quả giải quyết.

Tin rằng, với Văn bản 3450/MTTW-BTT mới đây, các nội dung của vụ việc sẽ được UBND Thành phố xem xét, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, vào năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ đã tiếp dân định kỳ ông Nguyễn Hải Đường và một số công dân trú tại khu An Dương, phường Yên Phụ khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất của 63 hộ dân giao cho Công ty TNHH IDC thực hiện dự án xây nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Tổng Thanh tra Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công ty IDC tiếp tục triển khai thực hiện dự án trên diện tích 7.900m2 đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đối với diện tích 6.028m2, bố trí tái định cư cho các hộ dân, tiến hành cấp Giấy CNQSD đất đối với các hộ đủ điều kiện; giao Ban Tiếp công dân Trung ương, Cục I - Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc UBND thành phố Hà Nội thực hiện; giao UBND thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết vụ việc, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2016./. 


Hồng Dân

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra