Thêm một doanh nghiệp bỏ cọc thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: A.D
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Hà Nội), trước đó đã thắng đấu giá lô đất 3-9 sau 140 lượt gọi giá, vượt qua 13 doanh nghiệp khác, với giá trúng đấu giá lô đất là 5.026 tỉ đồng, gấp 6,9 lần so với mức giá khởi điểm.
Cần nhớ rằng, vụ bỏ cọc trước đó của Tân Hoàng Minh đã bị dư luận gọi là trò đùa: Đùa với sự nghiêm túc đưa quỹ đất ra đấu giá để có kinh phí đầu tư hồi phục kinh tế tại TPHCM sau những tháng dài bị tổn thất nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19.
Để chọn ra 4 lô đất đấu giá, một số ban ngành phải làm việc nghiêm túc, qua bao thủ tục nhằm tuân thủ các quy trình pháp lý bắt buộc cũng như đề cao tính minh bạch và đúng pháp luật.
Thế nhưng đến thời điểm này, những tâm huyết đó không đạt được mục tiêu thu về số tiền như kết quả đấu giá.
“Trò đùa” thứ hai, Công ty Bình Minh bỏ cọc, đã được xác nhận thông tin vào chiều ngày 8.2, khiến số lô đất thắng đấu giá bị bỏ cọc đã lên tới 50%.
Muốn đưa các lô đất ra đấu giá lại phải bắt đầu lại từ đầu nếu các doanh nghiệp xếp kế tiếp về mức giá đưa ra không muốn nhận mua. Nhưng liệu mức giá đấu giá trong tương lai có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi 2 sự bỏ cọc của Tân Hoàng Minh và Bình Minh hay không? Hoàn toàn có thể.
Trong ngày 8.2, sau khi thông tin 3 doanh nghiệp thắng đấu giá đất tại Thủ Thiêm quá hạn đợt 1 vẫn chưa nộp tiền, hiệu ứng tâm lý trên thị trường chứng khoán đã lập tức diễn ra. Theo đó, các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc như CII, NBB, DIG giảm sàn; nhiều mã lớn khác như VIC, VHM, PDR cũng giảm mạnh.
“Trò đùa” thứ nhất vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc cách đây khoảng 1 tháng đã khiến thị trường chứng khoán dậy sóng với các mã cổ phiếu ngành bất động sản lao dốc không phanh trên sàn HoSE, ảnh hưởng tới điểm số chung của VN-Index có những phiên giảm sâu nhất trong tháng 1.2022.
“Trò đùa” thứ hai với cái tên Bình Minh bỏ cọc và 2 doanh nghiệp còn lại quá hạn đợt 1 chưa nộp tiền thêm một lần nữa lại kéo giá cổ phiếu nhóm ngành bất động sản lao đáy.
Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với những thông tin như thế. Và vô hình trung, việc bỏ cọc của một doanh nghiệp bất động sản lại bắt nhiều doanh nghiệp khác phải gánh chịu hệ lụy/hậu quả.
Tình trạng “quýt làm, cam chịu” này trong khuôn khổ luật pháp hiện hành dường như chưa thể chế tài. Đó chính là vấn đề mà các cơ quan quản lý cần tính đến để điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, để có mức chế tài mạnh hơn, sát sao trong thời gian tới.
Vấn đề không chỉ đơn giản bỏ cọc là xong. Mà cần nhìn từ góc độ là TPHCM đang khát vốn đầu tư trong lúc này để đẩy mạnh khôi phục kinh tế sau những tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội do dịch COVID-19 gây ra. Từ đó, những “trò đùa” trong lúc này còn là vấn đề đạo đức kinh doanh.
Bởi mục tiêu của thành phố là thu về ngân sách số tiền doanh nghiệp thắng đấu giá mua 4 lô đất Thủ Thiêm chứ không phải là khoản cọc 20% mức giá khởi điểm.
Theo Laodong.vn