|
|
Lập biên bản hành vi cản trở, trốn tránh cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại |
Thanh tra Chính phủ mới đây đã có Báo cáo số 376/BC-TTCP về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV Kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng có nêu: Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại: Người khiếu nại có nghĩa vụ trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó.
Theo đó, người khiếu nại có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để trình bày, cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc khiếu nại (đây là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định trong quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại nhằm đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công bằng và kịp thời được quy định tại Điều 4 của Luật Khiếu nại). Thực tế quá trình giải quyết nhiều vụ việc, phát sinh trường hợp người khiếu nại từ chối làm việc hoặc không cung cấp các tài liệu, thông tin cho cơ quan chức năng; không nhận giấy mời, từ chối ký vào biên bản làm việc, ... dẫn đến, cơ quan có thẩm quyền không đủ cơ sở để giải quyết khiếu nại đảm bảo khách quan, toàn diện. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về xử lý khiếu nại trong trường hợp nêu trên, nên quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại gặp nhiều khó khăn, thiếu thống nhất. Cử tri đề nghị quy định rõ trường hợp người khiếu nại không hợp tác, gây khó khăn trong quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại.
Theo Thanh tra Chính phủ, trường hợp khiếu nại đã được thụ lý giải quyết nhưng người khiếu nại cố tình không hợp tác hoặc có hành vi cản trở, trốn tránh cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xác minh thì người giải quyết khiếu nại lập biên bản về hành vi của người khiếu nại và tiếp tục quá trình giải quyết theo quy định của pháp luật trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan.
Ngoài nội dung nêu trên, Thanh tra Chính phủ ghi nhận những khó khăn, bất cập trong việc giải quyết khiếu nại nêu trên để thời gian tới tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành, làm cơ sở kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Khiếu nại.
Ngoài ra sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV Cử tri tỉnh Bắc Kạn cũng đề nghị tham mưu cho Chính phủ trình sửa đổi quy định về nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn lên 5 năm để Ban có kinh nghiệm hoạt động, giảm chi phí cho công tác kiện toàn tổ chức.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang chủ trì xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 05/2022. Cùng thời gian này, Bộ Nội vụ được Chính phủ phân công xây dựng Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tại phiên họp cho ý kiến vào các dự thảo Luật do Chính phủ trình trước khi gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, tập thể Chính phủ nhất trí với phương án đưa nội dung quy định Thanh tra nhân dân từ dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sang quy định tại dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cho phù hợp với đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật này. Vấn đề cử tri nêu, Thanh tra Chính phủ xin ghi nhận để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trước và sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến.