Theo đó, Sở VHTTDL Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra 07 di tích trên địa bàn 06 huyện, thành phố bao gồm: đình Nội Đông, xã Yên Sơn, đình Vân Trung, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam; đình Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang; chùa Đông Tiến xã Quang Châu, huyện Việt Yên; đình làng Diễn, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế; chùa Thanh Long, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang; đình Mai Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa.
Trong 07 di tích được kiểm tra, có 06 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 01 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Các di tích trên đều được hỗ trợ một phần kinh phí tu bổ theo quyết định số 1279/QĐ- UBND ngày 28/6/2020 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 238/KH-UBND. Tại thời điểm kiểm tra đã có 5/7 di tích đã hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo và đưa vào sử dụng; 02 di tích đang trong giai đoạn hoàn thiện (di tích đình Nội Đông, xã Yên Sơn huyện Lục Nam và chùa Đông Tiến xã Quang Châu, huyện Việt Yên).
Theo Thông báo, cơ bản các địa phương đã chấp hành tốt các quy định về quản lý di tích như ban hành quyết định thành lập Ban quản lý (BQL) di tích với số lượng và thành phần đúng theo quy định tại Quyết định 32/2018/QĐ-UBND ngày 13/12/2018; có phương án bảo quản các tài liệu, hiện vật trong quá trình thi công tu bổ, tôn tạo di tích, đảm bảo các hiện vật được cất giữ, bảo vệ, giữ nguyên giá trị sau thời gian tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, việc thành lập BQL di tích ở một số địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời kiện toàn khi có thay đổi, bổ sung thành viên; chưa phát huy hiệu quả vai trò của BQL di tích; công tác quản lý ở một số di tích được giao cho lãnh đạo thôn hoặc chi hội người cao tuổi, hội bản tự, hội chân quy, thủ nhang thực hiện.
Di tích Đình Vĩnh Ninh, TP. Bắc Giang. Ảnh minh họa: HT
Công tác tiếp nhận hiện vật ở một số di tích còn chưa đảm bảo theo quy định, việc tiếp nhận chủ yếu thực hiện theo ý thức chủ quan của thành viên BQL di tích và người cung tiến, không tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn; một số di tích bài trí hiện vật không phù hợp trong di tích như: đình Vân Trung xã Bảo Sơn huyện Lục Nam; đình Mai Sơn xã Hùng Sơn huyện Hiệp Hòa; đình Vĩnh Ninh phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang; chùa Đông Tiến, xã Quang Châu huyện Việt Yên.
Bên cạnh đó, việc cập nhật các quy định hiện hành về tu bổ, tôn tạo di tích của BQL di tích, chủ đầu tư còn chưa kịp thời, một số chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm do vậy còn nhiều hạn chế như đã nêu tại các Biên bản làm việc giữa Đoàn kiểm tra với UBND xã, phường nơi có di tích được kiểm tra. Cụ thể như: việc lưu giữ hồ sơ tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích còn chưa đầy đủ; một số địa phương lựa chọn đơn vị thi công tu bổ di tích khi chưa có chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định; một số công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã lâu nhưng không làm báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; việc quản lý, giám sát công tác thi công tu bổ tại hiện trường chủ yếu giao cho ban xây dựng và ban giám sát cộng đồng thực hiện….
Qua công tác kiểm tra, Sở VHTTDL yêu cầu UBND, BQL di tích các xã, phường phát huy những ưu điểm, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra đối với công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích. Chỉ đạo các thành viên BQL di tích tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kịp thời và tuyệt đối chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích.
Đối với Phòng văn hóa và Thông tin huyện, thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư (UBND xã, phường) thực hiện đúng quy định về quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích. Nếu phát hiện sai phạm yêu cầu dừng thi công để khắc phục ngay và quyết liệt xử lý đối với những sai phạm đã xảy ra. Quan tâm phối hợp với UBND các xã, phường giải quyết kịp thời vướng mắc của nhân dân trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư, xã hội hóa, nguồn công đức đảm bảo dân chủ, công khai.
Sở VHTTDL Bắc Giang cũng đề nghị Phòng Quản lý Di sản các văn hóa và Bảo tàng tỉnh tăng cường tham mưu cho Giám đốc Sở thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tu bổ, tôn tạo phục hồi di tích; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác quản lý di tích ở cơ sở; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích; kiểm tra, giám sát, kịp thời đình chỉ và kiến nghị xử lý vi phạm đối với các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích không đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành./.
Hà Tuấn