Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống người dân và điều kiện sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022 Bộ này đã tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát; củng cố thị trường tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, điều hành giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá (xăng dầu, điện, dịch vụ giáo dục, y tế...); đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống người dân, đảm bảo điều kiện sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Đối với mặt hàng xăng dầu, để giảm áp lực tăng giá bán trong nước, Bộ Tài chính đã trình cấp thẩm quyền điều chỉnh giảm về mức sàn đối với thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng, dầu, giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá, điều chỉnh chi phí hợp lý đối với các kinh doanh đầu mối; qua đó quản lý giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành chứng khoán và công ty đại chúng; kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Tiếp tục nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC).
Cũng theo Bộ Tài chính, trước sai phạm của một số doanh nghiệp khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.
Cùng với đó, Bộ cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đa dạng trên các kênh truyền thông, thông cáo báo chí khuyến nghị đối với các nhà đầu tư, nhằm ổn định thị trường, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để hoàn thiện về thể chế, giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, an toàn cho thị trường trong trung và dài hạn.
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Thúc đẩy sự phát triển minh bạch, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm
Bộ Tài chính đánh giá thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì xu hướng phát triển tích cực: tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm ước tăng 15,1% so với cùng kỳ; tổng tài sản tăng 14,5%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,6%. Và để góp phần hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2023; dự thảo nghị định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; quyết định về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; ban hành các thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền.
Cũng trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, công khai tài chính - ngân sách; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đối với quản lý sử dụng tài sản công, Bộ này đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; về nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương thực hiện rà soát, đánh giá chế độ quản lý các loại tài sản kết cấu hạ tầng khác (hạ tầng chợ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục,...); trình Chính phủ sửa Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 154 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Lũy kế đến nay, đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.632 cơ sở nhà, đất thuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Về công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tính đến ngày 15/12/2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc (các Tổng cục Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước,...) đã thực hiên trên 87,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 781 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; làm tốt vai trò của Ban chỉ đạo 389 điều tra chống buôn lâu; đã bắt giữ, xử lý trên 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Đặc biệt đã bắt giữ 268 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, bắt giữ 233 đối tượng.
Tổng số đã kiến nghị xử lý tài chính là 72,9 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nôp ngân sách nhà nước (NSNN) 21,77 nghìn tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ, xử lý vi phạm hành chính và xử lý tài chính khác 51,1 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt công tác công khai NSNN và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định của Luật NSNN.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP), điểm số công khai minh bạch ngân sách (OBS) của Việt Nam năm 2021 tiếp tục được cải thiện, tăng 9 bậc so 2019 và 23 bậc so năm 2017, lên xếp hạng thứ 68/120 nước, đạt mức 44/100 điểm đối với trụ cột Minh bạch ngân sách, 17/100 điểm đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng, 80/100 điểm đối với trụ cột Giám sát ngân sách, các trụ cột đều tăng 6 điểm so với năm 2019./.