Theo UBND thành phố, việc phát triển các Văn phòng Thừa phát lại theo một mạng lưới gắn kết với địa bàn dân cư trên toàn TP, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp, đồng thời góp phần giúp giảm tải lượng việc của các cơ quan như Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự.
Đề án cũng nhằm mục tiêu đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển các Văn phòng Thừa phát lại phải đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Về số lượng Văn phòng Thừa phát lại, TP. Hồ Chí Minh hiện nay có 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức. Trong giai đoạn thí điểm chế định Thừa phát lại, TP. Hồ Chí Minh có 11 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động (Quận 1, 5, 8, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn). Như vậy, hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh còn 11 quận, huyện chưa thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, TP. Hồ Chí Minh được phép thành lập thêm 28 Văn phòng Thừa phát lại tại 16 quận, huyện và TP. Thủ Đức (cho phép thành lập tối đa số lượng văn phòng).
Như vậy sau khi thành lập thêm 28 Văn phòng Thừa phát lại, TP. Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo số lượng Văn phòng Thừa phát lại theo quy định, cụ thể: Tại mỗi quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú, TP. Thủ Đức có 2 Văn phòng Thừa phát lại; tại mỗi huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi có 1 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên được Trung ương tin tưởng giao thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Trong giai đoạn thí điểm, TP. Hồ Chí Minh có 11 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập và hoạt động. Các Văn phòng Thừa phát lại đã phục vụ tốt cho việc thực hiện thí điểm, tạo điều kiện cho người dân trong việc tiếp cận, quen dần với chế định Thừa phát lại và hỗ trợ tích cực công tác tống đạt văn bản của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự.
Từ thực tiễn triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy sự tham gia của chế định Thừa phát lại đã không làm cho hoạt động tư pháp bị xáo trộn mà thông qua kết quả đạt được đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử và công tác thi hành án dân sự trên địa bàn TP.
Do đó, ngày 26/11/2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc chính thức áp dụng chế định Thừa phát lại trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/01/2016.
Với các quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại đã ban hành, cơ sở thực tiễn khi chế định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại được áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước, cùng với việc tăng cường tuyên truyền phổ biến về hoạt động thừa phát lại thì dự báo nhu cầu của người dân sử dụng dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp tăng. Do đó yêu cầu phát triển Văn phòng Thừa phát lại đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Thừa phát lại và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này./.