Tiếp tục tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Thứ ba, 02/03/2021 09:49
(ThanhtraVietNam) – Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản trả lời cử tri thành phố Hà Nội về kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản thu nhập cá nhân, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đem lại niềm tin cho nhân dân.

Cụ thể, tại Văn bản 124/TTCP-KHTH, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: Các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước… Bên cạnh đó, đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra vào một số nội dung được dư luận xã hội quan tâm. Cụ thể như việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong đó chú trọng thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà giai đoạn 2011-2017; thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó tập trung công tác quản lý nhà nước về quản lý sử dụng vốn đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng và tập trung thanh tra thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; thanh tra công tác quản lý và thực hiện các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dung đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất tại khu vực đô thị…

leftcenterrightdel
Những công trình đầu tư, xây dựng cơ bản nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ được thanh tra, kiểm tra. Ảnh: PV&BT 

Sang đến năm 2021, ngành Thanh tra tiếp tục tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng: Quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai; xây dựng; cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; đầu tư, mua sắm tài sản công; khai thác tài nguyên, khoáng sản; thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Về cơ chế giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản thu nhập cá nhân, Thanh tra Chính phủ cho rằng, để đảm bảo việc kê khai tài sản, thu nhập được chính xác và xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không trung thực, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể 04 phương thức kê khai tài sản, thu nhập (kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hàng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ); bổ sung một số căn cứ xác minh như khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên. Việc quy định xác minh theo kế hoạch là nhằm tăng cường ý thức tuân thủ trong kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Bên cạnh đó, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hàng năm.

Thực tế, Chính phủ cũng định hướng chương trình thanh tra năm 2021 và yêu cầu các cấp, các ngành:

“Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng; thực hiện tốt việc khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.

Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức;...”.

Liên quan tới việc xử lý đối với người có nghĩa vụ kê khai kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực, Thanh tra Chính phủ nêu rõ bằng các hình thức như: người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người đã được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm.

Đáng chú ý, nếu người có nghĩa vụ kê khai khác mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xử lý kỷ luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý từ cảnh cáo trở lên là đủ để đảm bảo tính răn đe; nếu được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp họ chủ động xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể được xem xét không kỷ luật…/.

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra