|
|
Bàn về quy định ủy quyền khiếu nại trong khiếu nại hành chính |
Trong những năm qua Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp đã được tập trung giải quyết dứt điểm. Điển hình là khiếu nại của 55 hộ dân nam Cầu Bến Thủy, các hộ dân khiếu nại đòi bồi thường đất mở rộng Quốc lộ 1A giai đoạn 1992 - 1994, vụ việc của ông Hồ Sỹ Chững, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ. Các vụ việc mới phát sinh cũng đã được các cấp chính quyền tập trung xử lý, giải quyết ngay từ cơ sở nên đơn thư vượt cấp đã hạn chế so với trước. Thanh tra Hà Tĩnh với chủ trương bám, nắm cơ sở để cho ý kiến giải quyết các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh nên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát huy hiệu quả, công dân đã có lòng tin hơn với các cấp chính quyền cơ sở.
Có được kết quả trên là do Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC để quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, lắng nghe nguyện vọng của người dân và tích cực giải thích, giải quyết các vụ việc thấu tình, đạt lý.
Tuy vậy, quá trình giải quyết khiếu nại còn gặp một số khó khăn, do một số đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại để kích động công dân khiếu nại gay gắt, kéo dài. Một số vụ việc mặc dù đã giải quyết hết thẩm quyền (đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2) và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính nhưng các đối tượng quá khích vẫn kích động công dân gửi đơn và đến các cấp chính quyền để khiếu nại chứ không khởi kiện vụ án hành chính. Ngoài việc kích động công dân, một số đối tượng không phải là luật sư (thậm chí chưa học hết chương trình phổ thông) lợi dụng quy định về ủy quyền trong khiếu nại hành chính để thực hiện hành vi “kiện thuê” gửi đơn đến các cơ quan nhà nước khiếu nại và có nhiều hành vi trái pháp luật trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc.
Từ một số vấn đề nêu trên, trong bài viết này xin bàn về quy định ủy quyền trong khiếu nại hành chính. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12 Luật Khiếu nại 2011: “Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại; Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại”. Theo quy định này thì ngoài các trường hợp “....người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất...” được ủy quyền khiếu nại, còn có một trường hợp nữa cũng được ủy quyền khiếu nại đó là: “...vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại....”. Trong khi đó “lý do khách quan khác” là những lý do gì thì không được xác định trong các văn bản hướng dẫn dưới luật, do vậy các cơ quan thực thi không có căn cứ để từ chối bất kỳ một trường hợp ủy quyền nào, trừ trường hợp người được ủy quyền dưới 18 tuổi hoặc thủ tục ủy quyền không hợp pháp.
Để việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đúng quy định pháp luật, quy định ủy quyền trong khiếu nại hành chính là hết sức cần thiết để những người ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì một số lý do chính đáng khác được thực hiện quyền khiếu nại của công dân. Đồng thời hạn chế đối với các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại và ủy quyền trong khiếu nại hành chính để “kiện thuê” kích động công dân ủy quyền khiếu nại cho mình làm mất an ninh trật tự xã hội, Luật Khiếu nại sửa đổi cần quy định cụ thể các trường hợp “vì lý do khách quan khác” trong Luật hoặc có văn bản hướng dẫn về nội dung này để bảo đảm tính chặt chẽ, nghiêm minh của pháp luật./.