Cần có hướng dẫn cụ thể, làm rõ một số điểm tại Luật Tố cáo

Thứ tư, 24/08/2022 11:47
(ThanhtraVietNam) – Sau khi rà soát các nội dung quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương còn thiếu, chưa rõ ràng gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực Thanh tra, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cụ thể, làm rõ một số điểm tại Luật Tố cáo.

Theo đánh giá từ Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết tố cáo như về thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, trên thực tế, một số người tố cáo vẫn chưa thực hiện nghiêm nghĩa vụ của mình như trình bày không trung thực về nội dung tố cáo; không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; thiếu sự hợp tác với người xác minh nội dung tố cáo; cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền, gây rối an ninh, trật tự, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác…, nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể để xử lý đối với các hành vi này.

Đối với việc thực hiện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ: thẩm quyền giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, Thanh tra tỉnh chỉ ra tại điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo quy định: “Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây: …b) người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật…”. Quy định này là không phù hợp, vì theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Tố cáo thì “người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo”, như vậy cá nhân phải tự thực hiện việc tố cáo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo của mình.

leftcenterrightdel
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cụ thể, làm rõ một số điểm tại Luật Tố cáo 

Khác với khiếu nại, đối với tố cáo thì bất cứ cá nhân nào cũng có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Như vậy, đối với trường hợp cá nhân không đủ năng lực hành vi dân sự thì không có quyền tố cáo, mà cá nhân khác cũng có thể thực hiện việc tố cáo. Do đó, quy định “Trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật” là không phù hợp.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh cho biết tại điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo quy định: “Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây: …d) nội dung tố cáo có cơ sở xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật…”. Tuy nhiên, quá trình xác minh điều kiện thụ lý trên thực tế còn gặp khó khăn do chưa hướng dẫn cụ thể, làm rõ như thế nào là “nội dung tố cáo có cơ sở xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật”.

Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo nêu trên, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị các nội dung như hiện nay, chưa có các quy định cụ thể về việc xử lý đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giải quyết tố cáo. Để có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giải quyết tố cáo.

Tại điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo quy định: “Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây: …b) người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật…” là không phù hợp. Do đó, để nghị bỏ cụm từ “Trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật” tại điểm này.

Tại điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo quy định: “Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây: …d) nội dung tố cáo có cơ sở xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật…”. Quá trình xác minh điều kiện thụ lý trên thực tế còn gặp khó khăn. Do đó, kiến nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cụ thể, làm rõ như thế nào là “nội dung tố cáo có cơ sở xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật”.
H.T
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra