Xử lý nhanh chóng, tích cực
Theo TTXVN, tờ Guardian đã viết "một phi công Anh đã trải qua hơn 2 tháng sử dụng máy trợ thở tại Việt Nam sau khi mắc COVID-19 được xuất viện và đã về tới Anh".
Theo đó, ông Cameron, 42 tuổi, là "bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam, được điều trị trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam và từng được tiên lượng khả năng sống chỉ có 10%".
Stephen Cameron là phi công của Vietnam Airlines, đã trải qua 4 tháng điều trị tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 10 tuần liên tục phải dùng máy trợ thở.
Bài viết nhận xét "Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19 bởi đã đối phó, xử lý dịch bệnh một cách nhanh chóng và tích cực".
Bệnh nhân 91 xuất viện, về nước
Hào phóng, tận tụy, chuyên nghiệp
Hôm 11/7, tờ Guardian cũng có 1 bài viết sâu nói về quá trình mắc bệnh và điều trị của bệnh nhân Cameron cũng như đăng lại lời nói cảm ơn của ông trước khi rời Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông nói: "Tôi rất xúc động trước sự hào phóng của nhân dân Việt Nam, sự tận tụy và chuyên nghiệp của các bác sĩ và y tế... tôi chỉ có thể nói lời cảm ơn đến tất cả mọi người ở đây vì những gì mọi người đã làm cho tôi".
Bài viết cũng trích dẫn lời của bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy khi cho biết đội ngũ y bác sĩ đã "rất nỗ lực và vô cùng công phu" trong quá trình điều trị bệnh cho phi công Cameron.
Bệnh nhân số 91 đã trở thành tâm điểm chủ ý của truyền thông Việt Nam do đây là ca bệnh mà các bác sĩ hàng đầu Việt Nam đã tập trung trí tuệ để lựa chọn đưa ra phương pháp điều trị cho người bệnh. Chi phí điều trị cho bệnh nhân 91 lên tới 150.000 USD và bệnh nhân đã đủ sức khỏe xuất viện và lên máy bay trở về Anh với 3 bác sĩ Việt Nam đi theo chăm sóc sức khỏe.
Bài viết cho hay "đến ngày 11/7, Việt Nam ghi nhận 370 ca mắc, không có ca tử vong và có 10.000 trường hợp đang thực hiện cách ly tập trung, và biên giới Việt Nam hiện vẫn đóng cửa".
Việt Nam đã giữ được "tỷ số hoàn hảo"
Cũng trong ngày 12/7, tổ hợp truyền thông BBC cũng đưa tin về bệnh nhân 91, cung cấp kỹ hơn thông tin chi tiết về những bước tiến triển của bệnh nhân trong suốt thời gian điều trị.
Bệnh nhận số 91 đã bày tỏ lòng biết ơn với nhân dân và bác sĩ Việt Nam khi cho rằng "nếu tôi ở một nơi nào đó khác trên thế giới thì tôi đã chết", đồng thời ca ngợi nhiệt huyết và quyết tâm cao của các bác sĩ Việt Nam "đã không chịu bó tay đứng nhìn tôi chết".
Kênh truyền hình Sky News cùng ngày cũng đưa tin về sự kiện bệnh nhận số 91 trở về Anh, cho biết thêm trong gần 3 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và mọi trường hợp nhiễm bệnh gần đây đều nhập cảnh từ nước ngoài. Những người trở về từ nước ngoài cũng đều phải thực hiện cách ly tập trong tại các cơ sở nhà nước.
Tờ Daily Mail hôm 11/7 cũng đưa tin phi công Cameron sẽ về đến London ngày 12/7, ca ngợi Việt Nam là đã giữ được "tỷ số hoàn hảo" khi cho biết bệnh nhân số 91 mắc bệnh COVID-19 rất nặng, nhưng đã được xuất viện sau 65 ngày điều trị.
Bài viết nhấn mạnh "Việt Nam là nước có đường biên giới với Trung Quốc, song đã giữ không có ca COVID-19 tử vong và chỉ có hơn 300 ca mắc từ khi dịch bùng phát điến nay".
Biểu tượng thành công trong cuộc chiến chống đại dịch
Liên quan đến bệnh nhân số 91 Stephen Cameron - phi công người Anh của hãng hàng không Vietnam Airlines trở về nước sau quá trình điều trị, hồi phục và xuất viện tại Việt Nam hôm 11/7, các tập đoàn truyền thông và hãng tin lớn tại Mỹ như Washington Post, USA Today, AP đều đã đưa tin đậm nét.
Phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ cho biết tờ USA Today ngày 11/7 dẫn lời bệnh nhân Stephen Cameron phát biểu khi xuất viện trên xe lăn cùng các bác sĩ ôm hoa đứng bên cạnh, rằng ông "cảm ơn tất cả mọi người tại Việt Nam về những điều đã làm cho ông".
Bài viết đánh giá cao các biện pháp phòng ngừa đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, coi đây là yếu tố giúp Việt Nam duy trì số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là 370 và chưa có trường hợp tử vong.
Cũng theo bài viết, nỗ lực cao độ của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam trong điều trị bệnh nhân số 91 đã trở thành một biểu tượng cho thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
BN91- ngay sau khi bình phục, tôi sẽ trở lại
Tờ Washington Post ngày 11/7 cũng đưa tin phi công Cameron - bệnh nhân COVID-19 nguy kịch nhất tại Việt Nam đã xuất viện, chưa đầy 1 tuần sau khi bác sĩ cho biết bệnh nhân này đã hết virus và đủ sức khỏe để trở về quê nhà ở Scotland.
Theo bài viết, Việt Nam đã nỗ lực hết mình để cứu chữa cho bệnh nhân Cameron kể từ khi ông xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi tháng 3. Bệnh tình của phi công người Anh ngày càng trở nên trầm trọng, song đã bình phục sau 65 ngày chữa trị.
Ông Cameron cho biết mình đã "choáng ngợp" trước sự hào hiệp của người dân Việt Nam, tinh thần tận tụy và tính chuyên nghiệp của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân số 91 cũng cho biết mình trở về nhà với một "trái tim hạnh phúc", dù cảm thấy buồn vì phải tạm biệt nhân dân và bạn bè ở Việt Nam. Ông hứa hẹn: "Ngay sau khi bình phục, tôi sẽ trở lại. Tôi vẫn là một phi công. Giấy phép của tôi đã hết hạn”.
Trong khi đó, hãng tin AP dẫn lời bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ trong cuộc họp giữa đại diện của Bệnh viện Chợ Rẫy, Lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh và hãng hàng không Vietnam Airlines rằng "sự phục hồi của bệnh nhân Stephen Cameron giống như một chuyến bay rất dài. Nhưng anh ấy đã làm được. Tất cả các nhân viên y tế đều tràn ngập niềm vui khi thấy anh ấy hoàn toàn bình phục và xuất viện hôm nay".
Liên quan tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, hãng tin AP cho biết mọi ca bệnh được ghi nhận gần đây đều từ nước ngoài, và họ đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo Baochinhphu.vn