Người dặn Đảng và Nhà nước: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (1).
Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ với đội ngũ cán bộ y tế rằng: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào… Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn” (2). Thực hiện di huấn này, ngành Y tế lấy ngày 27/2 hằng năm làm ngày truyền thống của mình và luôn tâm niệm lời dạy “lương y như từ mẫu” của Bác. Ngoài ra, Bác còn dặn người thầy thuốc phải thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”; cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề”…
Đối với Nhân dân, Người dặn: Phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh, phòng bệnh hơn trị bệnh, mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ. “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt. Mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe” (3).
Với từng đối tượng cụ thể như thiếu nhi, Người trìu mến dặn rằng: không những Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm; mà còn phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”.
Với người già, Bác khen đó là “những đội “bạch đầu quân” trồng cây, gây rừng, đôn đốc phong trào bình dân học vụ và vận động vệ sinh phòng bệnh” (4).
Với những người giàu có, Người rất biện chứng khi khuyên rằng: “Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống” (5).
Những chỉ huấn lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, Chính phủ và ngành Y tế trong công tác chăm lo sức khỏe cho Nhân dân có giá trị rất lớn về mặt tư tưởng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta thời gian qua và cả sau này. Bởi dễ dàng nhận thấy là từ đầu cuộc chiến chống COVID-19 đến nay, Đảng, Chính phủ và ngành Y tế nước ta đã nhận được sự hoan nghênh và hưởng ứng của Nhân dân cả trong và ngoài nước nhờ đề ra kịp thời những quyết sách hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch.
Với tư cách là cơ quan chuyên môn, ngay từ đầu, ngành Y tế đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, trách nhiệm nặng nề trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước về mặt chính sách trong phòng, chống dịch; trực tiếp hướng dẫn Nhân dân phòng tránh, tìm kiếm phát hiện, cách ly, cứu chữa bệnh nhân và thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác trong phòng, chống dịch COVID-19…
Trong thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực vượt bậc để phòng, chống dịch COVID-19 với những thành tựu nổi bật sau:
Tư vấn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành kịp thời những chủ trương, chính sách lớn đối phó với dịch, như: hạn chế tập trung đông người; dừng tổ chức lễ hội, kể cả các lễ hội đã khai mạc; quyết định cho học sinh nghỉ học dài ngày; quyết định điều trị miễn phí bệnh nhân nhiễm COVID-19; cách ly phòng, chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh (đến và đi từ vùng dịch) trong vòng 14 ngày; thực hiện cách ly 4 vòng và lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế đối với các trường hợp nghi nhiễm virus corona; cách ly 2 xã (Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và Hạ Lôi, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) và 1 bệnh viện (Bạch Mai, Hà Nội) do có nhiều người nhiễm virus; cách ly các khu dân cư, chung cư có người nhiễm virus mà chưa xác định được nguồn lây nhiễm; thành lập và đưa bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện dã chiến; chuẩn bị “phương án thời chiến” để đối phó nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp…
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19 cho Nhân dân để nâng cao ý thức, sự tự giác và tâm lý yên tâm. Nhờ đó, Nhân dân rất tự giác phòng bệnh và không hoang mang trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch. Đa số người dân tin tưởng và chấp hành những chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành Y tế. Đến nay, ngành Y tế nước ta đã chữa khỏi đa số các trường hợp mắc bệnh, chưa có người chết do COVID-19, được WHO và nhiều quốc gia có nền y tế tiên tiến đánh giá là một quốc gia điển hình thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, chúng ta đủ nguồn lực và tự tin đảm bảo cung cấp vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tìm ra cách phát hiện nhanh virus corona mới trong vòng 70 phút với độ chính xác 100% (được WHO công nhận), sản xuất được 2 bộ kit để dùng trong nước và xuất khẩu ra thế giới (2 loại kit này trang bị từ cơ quan y tế tuyến trung ương đến tận tuyến huyện, một loại xét nghiệm nhanh (xét nghiệm kháng thể) không cần dùng máy và một loại sử dụng hệ thống máy xét nghiệm ELISA (xét nghiệm kháng nguyên - PCR)).
Đến nay, chúng ta đã phát triển thành công vaccine dự tuyển, bước đầu cho kết quả tích cực khi thử nghiệm trên động vật, tiến đến thử nghiệm trên người để phát triển thành vaccine hoàn chỉnh. So với nhiều nước trên thế giới thì đây là thành tích vượt bậc và rất đáng ghi nhận của ngành Y tế nước ta trong điều kiện còn khó khăn, hạn hẹp về nhiều mặt.
Tuy nhiên, ngành Y tế không đơn độc trong công tác này, đồng hành cùng họ là sự hỗ trợ tối đa của Đảng, Nhà nước, sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình và có trách nhiệm từ Nhân dân.
Về chỉ đạo, thì ngay từ khi mới xuất hiện ca bệnh đầu tiên (23/01), Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020; 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Công văn chỉ đạo số 79-CV/TW ngày 30/01/2020. Khi dịch bệnh bước vào giai đoạn 2 với ca nhiễm bệnh thứ 17 (ngày 06/3), Trung ương Đảng và Chính phủ đã có những chỉ đạo và chính sách quyết liệt hơn, như Thông báo số 172-TB/TW ngày 21/3/2020 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước tình hình dịch bệnh có biểu hiện diễn biến phức tạp, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước và các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 31/3/2020 Thủ tướng ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Đây là những Quyết định mạnh mẽ và quyết liệt nhất của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ, góp phần chỉ đạo kịp thời công tác chống dịch trên cả nước.
Về quan điểm chỉ đạo, ở Trung ương, ngay từ đầu, Đảng và Chính phủ đã khẳng định quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng là đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, có thể hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của Nhân dân. Thông điệp đó đã khơi dậy tinh thần dân tộc của người Việt, tạo cho Nhân dân sự tin tưởng và đoàn kết, quyết tâm cùng Đảng và Nhà nước chống dịch. Ở địa phương, người đứng đầu cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân và Nhân dân trong công tác chống dịch nên đã góp phần giảm thiểu tối đa số ca mắc.
Về chính sách, ngay từ đầu, Thủ tướng đã quyết định lập ra một ban chuyên trách theo dõi, chỉ đạo tình hình dịch ở cấp quốc gia. Theo đó, các tỉnh và cấp huyện, xã cũng thành lập các ban tương ứng. Song song đó, Chính phủ và ngành Y tế đã triển khai chiến dịch truyền thông nhằm khuyến cáo người dân về những gì họ nên làm để tự bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch bệnh. Bộ Y tế đã minh bạch và chủ động thông tin về tình hình dịch để tránh tin giả của các thế lực phản động và tránh hoang mang trong Nhân dân. Bên cạnh đó, ngay từ đầu, Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát chặt biên giới với Trung Quốc, Lào và Camphuchia; đưa những người đến và đi từ vùng dịch trong vòng 14 ngày đi cách ly, đồng thời đóng cửa các trường học, hạn chế hoạt động du lịch, áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ…
Qua giai đoạn 1 của đại dịch, có thể thấy rằng: chúng ta đã chủ động ngay từ đầu và phản ứng nhanh hơn hầu hết các nước châu Á khác từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc. Nhờ thế đã tạo nên thành công bước đầu khi chúng ta đã kiểm soát được tình hình, khống chế bệnh ở 16 ca và đã chữa lành.
Bước sang giai đoạn 2 và 3, tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn nhưng nhờ sự ưu việt của chế độ qua công tác lãnh đạo kịp thời, sát sao của Trung ương Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ với sự đồng hành của Quốc hội và các địa phương trong cả nước, đặc biệt là sự hỗ trợ của ngành Y tế thông qua việc áp dụng các biện pháp y tế công cộng và đưa bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào xét nghiệm phát hiện, sàng lọc sớm để điều trị, cách ly kịp thời đã góp phần vào thành công chung đó.
Tuy nhiên, nhân tố rất quan trọng quyết định thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam thời gian qua đó chính là Nhân dân. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; cộng với các chính sách của Đảng, Nhà nước và khuyến cáo của ngành Y tế, người dân Việt Nam rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh, tuân thủ các khuyến nghị của Đảng, Nhà nước và ngành Y tế; nghiêm túc thực hiện chính sách giãn cách xã hội để kìm chế dịch; đoàn kết, thống nhất với Nhà nước, nỗ lực giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn với những việc làm rất thiết thực, nhân văn, góp phần cùng với Nhà nước thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thế nhưng, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các mạng xã hội, các trang web phản động tiếng Việt để xuyên tạc, bóp méo sự thật về những nỗ lực chống dịch COVID-19 của Đảng, Chính phủ, ngành Y tế và Nhân dân Việt Nam. Những tin giả, tin đồn thiếu suy nghĩ, không đúng về dịch COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội chỉ là để giật gân, câu view, câu like của một số đối tượng, ít làm người dân lo sợ và đã bị các cơ quan chức năng xử lý triệt để. Những cá nhân vô đạo đức, thiếu lương tâm khi lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá một số mặt hàng phòng dịch đã bị Nhân dân lên án và các cơ quan chức năng đã xử lý. Đây là những trường hợp thiểu số, không làm cản trở nỗ lực chống dịch của Đảng, Nhà nước, ngành Y tế và Nhân dân ta.
Đến nay, dù tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực ngày càng tiến bộ vượt bậc của ngành Y tế Việt Nam, với sự tích cực của Nhân dân Việt Nam khi thực hiện những chỉ huấn mang tính dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tinh thần “Đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích… ” (6), thì có thể khẳng định, chúng ta đã đạt được những thành công bước đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, để chiến thắng đại dịch thì những kết quả trên là một nền tảng quan trọng, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu giúp chúng ta có thể đối phó với một quá trình phức tạp phía trước mà nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác thì dịch bệnh có thể tái bùng phát và phá hủy tất cả những thành quả đã đạt được, đưa cả nước vào trạng thái nguy hiểm.
TS. Ngô Khắc Sơn
Khoa Chính trị học và quan hệ quốc tế
Học viện Chính trị khu vực III
Chú thích:
(1), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.518, tr. 343;
(2), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, t.5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.476, tr.114;
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, t.11, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.212, tr.224.