Tình nguyện viên tiêm vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Lệ Hà
Vaccine COVID-19 sẽ đảm bảo như vaccine trong chương trình tiêm chủng
PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) - cho biết: Về cơ bản việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ tiến tới Nhà nước đảm bảo người dân được tiêm miễn phí giống như tiêm chủng các vaccine phòng chống dịch bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh đó vẫn có một phần nhỏ là vaccine dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả. Đây là sự kiện đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, qua đó mở ra cơ hội "phủ sóng" vaccine ngừa COVID-19 trong toàn dân.
Đến thời điểm này, việc phân phối, tiêm vaccine COVID-19 thực hiện theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về ưu tiên những đối tượng cần tiêm và đối tượng miễn phí. Ngoài đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP, việc tiêm sẽ thực hiện với các địa bàn ưu tiên. Cụ thể là ưu tiên các tỉnh, thành phố có dịch bệnh và trong tỉnh, thành phố sẽ ưu tiên vùng có dịch bệnh. Theo đó, sắp tới tỉnh Hải Dương sẽ là một trong những địa phương ưu tiên trước được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Cũng theo PGS-TS Trần Đắc Phu, vaccine COVID-19 là vaccine đầu tiên thực hiện tiêm có sự chỉ đạo của Chính phủ. Việc này nhằm đảm bảo việc tiêm vaccine được kiểm soát, điều hành đúng hướng. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện đang có 117.600 liều vaccine COVID-19, số lượng tương đối ít. Đến cuối tháng 4, tiếp tục có lô mới về nhiều hơn với hàng triệu liều, Bộ Y tế sẽ triển khai tiếp tục tiêm.
Ngoài ra, còn mấy triệu liều vaccine theo chương trình COVAX Facility, nên có vaccine đến đâu, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm đến đó.
"Trước hết, việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên, bên cạnh đó nghị quyết cũng có nội dung khuyến khích tổ chức, cá nhân có điều kiện tiêm tự nguyện nếu có nhu cầu. Theo đó, khi đủ vaccine sẽ mở rộng đối tượng tiêm vaccine khi có nhu cầu" - Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.
Có vaccine vẫn không chủ quan
PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, về nhu cầu của người dân về vaccine COVID-19 còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước mắt, việc nhập khẩu vaccine COVID-19 chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi, dịch còn diễn biến phức tạp nên việc sản xuất vaccine trong nước vô cùng cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, nguyên tắc là dù vaccine nội hay ngoại, chúng ta đều phải có kế hoạch triển khai từng bước, chứ không phải có vaccine là chúng ta sẽ tiến hành tiêm đại trà ngay.
Trước mắt và quan trọng là chúng ta phải tiêm cho những đối tượng ưu tiên như: Nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, người có nguy cơ cao, người trong khu cách ly, công an, tiếp đến là người già, người có bệnh nền... Sau đó, có đủ vaccine mới có thể tiêm đại trà. Với vaccine nhập khẩu, chúng ta cũng phải làm đúng các thủ tục, làm sao để an toàn, hiệu quả và có các kế hoạch triển khai cụ thể.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dù Việt Nam sắp tới có vaccine nhưng các đơn vị, địa phương vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch. Người dân không nên ỷ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Người dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) do Bộ Y tế khuyến cáo.
Theo Lao động