Ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập “Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19” bao gồm lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các vụ/cục liên quan của Bộ Y tế; các nhà khoa học - những chuyên gia hàng đầu trong nước về các lĩnh vực tiêm chủng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, huyết học, tim mạch, thần kinh…
Trong đó, các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức sàng lọc, theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin Covid-19 để kịp thời hỗ trợ các địa phương xử trí mọi tình huống xảy ra của tiêm chủng với mục tiêu đặt ra là tổ chức “tiêm phòng đến đâu an toàn đến đó”.
Công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở Việt Nam được nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế Thế giới. (Ảnh: Bộ Y tế)
Riêng về điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, các nhà khoa học nhận định cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Hiện tại, Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đã xây dựng xong phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin Covid-19” trình Bộ Y tế ban hành.
Đáng chú ý, phác đồ được xây dựng theo hướng rất chi tiết, dễ theo dõi và thực hiện, nhằm giúp các cơ sở tiêm chủng sẵn sàng xử trí hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 để xử trí kịp thời ngay tại cộng đồng và y tế cơ sở. Đồng thời, hướng dẫn người tiêm vắc xin phát hiện sớm dấu hiệu sau khi tiêm để tới các cơ sở y tế điều trị kịp thời.
1.500 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa sẵn sàng hỗ trợ qua Telehealth
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc mới diễn ra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm chủng vắc xin Covid-19 với ngành Y tế của 63 tỉnh, thành phố, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.
Cụ thể, các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm. Mặt khác, các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đối với diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước. Thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về công tác an toàn tiêm chủng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì Hôi nghị trực tuyến. (Ảnh: Bộ Y tế)
Hiện nay, chúng ta có mạng lưới 1.500 đểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thường trực ở mạng lưới này sẽ tập trung giúp tất cả các địa phương trên toàn quốc khi cần qua hệ thống Telehealth. Do đó, các điểm tiêm chủng ở y tế cơ sở sẽ luôn được hỗ trợ kịp thời về chuyên môn trong xử trí các phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó” và đảm bảo an toàn ở mức độ rất cao, thậm chí cao hơn so với yêu cầu, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo đó có những trường hợp phản ứng không đến mức nặng nhưng vẫn được xử lý như phản ứng nặng sau tiêm…
Theo Bộ Y tế, tuy nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng không vì lý do đó mà triển khai tiêm chủng chậm do thời hạn sử dụng vắc xin Covid-19 của COVAX chỉ đến 31/5/2021. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai tiêm nhanh, không để vắc xin hết hạn mà không tiêm…/.
Hoàng Minh