Việt Nam tiến gần giấc mơ xuất khẩu vaccine COVID-19

Thứ năm, 29/04/2021 08:08
Các loại vaccine COVID-19 của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các chuyên gia hy vọng vào cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam tiến gần hơn với giấc mơ xuất khẩu vaccine COVID-19 như kỳ vọng của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

leftcenterrightdel
Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covivac.Nguồn: Bộ Y tế cung cấp 
Những bước đi thận trọng, chắc chắn

Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Ngô Quang cho hay, các loại vaccine COVID-19 trên thế giới đều được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó với đại dịch đang gây hoang mang, lo ngại trên toàn cầu. Do đó, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine trong tình trạng tương tự, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Ngay từ rất sớm, Bộ Y tế tạo mọi điều kiện thúc đẩy tiến độ song song với tiêu chí đảm bảo an toàn việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian qua, đã có 4 đơn vị của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19. Trong đó, vaccine NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine của Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4.2021.

Ông Quang cho biết, đến nay, các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vaccine này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Có được kết quả bước đầu này trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vaccine uy tín trên thế giới.

Đặc biệt, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 của chúng ta tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.

Đối với vaccine NanoCovax - vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng, kết quả thử nghiệm có nhiều triển vọng.

Theo TS Nguyễn Ngô Quang, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh. Theo kế hoạch, cuối tháng 4.2021 sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vaccine NanoCovax và đang có triển vọng rất lạc quan. Dự kiến đầu tháng 5.2021, vaccine NanoCovax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, tất cả chuyên gia, đại diện Bộ Y tế đều rất lạc quan cho rằng, nếu thuận lợi, thậm chí cuối quý III/2021, vaccine NanoCovax sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến. Trước đó, thời gian thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccine NanoCovax cũng đã rút ngắn thời gian từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Đối với vaccine Covivac, mặc dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng, đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia đánh giá có chất lượng rất tốt. Đặc biệt, giá thành dự kiến của vaccine này rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng ½ giá vaccine hiện có trên thị trường). Rút kinh nghiệm từ vaccine NanoCovax, tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 của vaccine Covivac sẽ nhanh hơn.

Về vaccine của VABIOTECH dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véctơ theo hướng nghiên cứu khác nên có bước chậm hơn nhưng đến nay, các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan và dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào đầu tháng 4.2021. Ưu điểm của vaccine này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Cuối quý III/2021 sẽ có vaccine đầu tiên

Các chuyên gia, nhà khoa học nói rằng, tình hình hiện đã khác so với đánh giá hồi năm 2020. Các nước đã bắt đầu tiêm vaccine, có loại được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép, có loại từng nước cấp phép, có loại thực chất là thử nghiệm giai đoạn 3 trên diện rộng. Vì thế, các nhà khoa học cho biết, WHO đang thảo luận và dự kiến tới đây sẽ có hướng dẫn chính thức về thử nghiệm vaccine trên nguyên tắc so sánh với các vaccine đã được cấp phép để sử dụng chính thức. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 của Việt Nam.

Đại diện Bộ Y tế lý giải thêm, khi chúng ta bắt đầu tiêm vaccine Astrazeneca thì một số nước trên thế giới nghi ngại phản ứng phụ nên đã tạm dừng hoặc làm chậm quá trình tiêm vaccine này. Nhưng Việt Nam ngay từ đầu đã triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn, kết hợp theo dõi thông tin tiêm chủng trên hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đồng thời là bước chuẩn bị cấp “giấy thông hành vaccine”. Vì vậy, việc nghiên cứu, so sánh vaccine của Việt Nam và vaccine Astrazeneca càng thuận lợi hơn.

Các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, chúng ta đã có một bước tiến dài trong nghiên cứu, phát triển vaccine. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tổ chức tốt để thực hiện so sánh với các vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, thì hoàn toàn có lòng tin thời gian tới, chúng ta sẽ có vaccine của Việt Nam.

“Hy vọng vào cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19 do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước” - ông Nguyễn Ngô Quang khẳng định.

Các chuyên gia, các nhà khoa học nói rằng, virus SARS-CoV-2 có thể có những biến đổi, tiếp tục tồn tại một số năm nữa, nhiều khả năng các vaccine phòng COVID-19 đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong. Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam phải bằng các giải pháp để có vaccine cho người Việt Nam, không chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, mà còn chuẩn bị để ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Việc phát triển thành công vaccine trong nước cũng khẳng định năng lực, uy tín, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế Việt Nam.

                                                                                                                  Kỳ vọng Việt Nam có thể xuất khẩu vaccine COVID-19 vào năm 2022

Tại buổi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine phòng COVID-19 Covivac tại Đại học Y Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định: “Nếu Covivac thành công, cùng với Nanocovax và Vabiotech sẽ giúp chúng ta chủ động được nguồn vaccine phòng COVID-19 trong nước. Chúng tôi kỳ vọng, cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có vaccine và hơn nữa là có thể thành công trong xuất khẩu”.

Theo ông Thuấn, Covivac là vaccine thứ 2 của Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người sau Nanocovax. Trong thử nghiệm lần này của Covivac, Việt Nam luôn tôn trọng tối đa nguyên tắc về khoa học, chặt chẽ và an toàn.

“Covivac là vaccine được Bộ Y tế rất kỳ vọng và có niềm tin sẽ thành công bởi vaccine này ra đời từ sự tận tâm, tận lực của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Vaccine này cũng trải qua quá trình nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng tại Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ, bước đầu cho thấy, không chỉ có hiệu quả với những chủng thông thường mà cả chủng đột biến Anh, Nam Phi” - ông Thuấn nhấn mạnh.

* Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau của 3 vaccine do Việt Nam nghiên cứu, phát triển đều cho kết quả tốt, triển vọng.

 

Theo Lao động

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra