Việt Nam tiếp nhận 811.200 liều vắc xin phòng Covid-19 từ COVAX Facility

Thứ sáu, 02/04/2021 14:02
(ThanhtraVietNam) – Chiều ngày 01/4, Việt Nam đã tiếp nhận 811.200 liều vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên từ COVAX Facility, với sự hỗ trợ của UNICEF, WHO, GAVI và CEPI. Tiếp theo, dự kiến 3.364.800 liều sẽ được cung ứng vào tháng 5, sau đó vắc xin sẽ tiếp tục được phân bổ và cung ứng cho Việt Nam vào cuối năm 2021.

Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng đại diện của COVAX Facility, UNICEF, WHO, GAVI và CEPI và một số quốc gia khác.

Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, đặc biệt là với sự lây lan của các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới. Bên cạnh mục tiêu chính và kỳ vọng mở cửa và phát triển kinh tế trở lại, đây là thời điểm lịch sử quan trọng mà một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, phức tạp nhất, chưa từng có đang được tiến hành trên toàn cầu. Hơn 32 triệu liều vắc xin do COVAX cung cấp đã được chuyển đến 63 quốc gia chỉ trong vòng một tháng.

leftcenterrightdel
 Việt Nam tiếp nhận 3.364.800 liều vắc xin phòng Covid-19 từ COVAX Facility. (Ảnh: Đức Minh)

Đây là sáng kiến toàn cầu duy nhất cùng chung tay hợp tác với các chính phủ và các nhà sản xuất nhằm đảm bảo vắc xin Covid-19 được cung cấp cho cả những quốc gia có thu nhập cao và những quốc gia thu nhập thấp.

Đợt vắc xin đầu tiên do COVAX Facility hỗ trợ đến Việt Nam là một tin tốt lành, tuy nhiên cần có thời gian để tiến hành tiêm chủng cho phần lớn dân số. Vì vậy, trong lúc này điều quan trọng nhất là mọi người phải tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để giảm thiểu rủi ro lây lan vi rút.

Phát biểu tại Lễ tiếp nhận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cảm ơn sự nỗ lực của tất cả các tổ chức ở Việt nam và trên thế giới trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Đồng thời, ông cũng gửi cảm ơn đến Nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế trong thời gian qua đã ở Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam trong phòng, chống dịch.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ tiếp nhận. (Ảnh: Đức Minh)

Phó Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc xin để cùng cộng đồng quốc tế chống lại đại dịch này. “Đại dịch đem lại cho chúng ta nhiều tổn thất về người và của nhưng cũng mang lại cho chúng ta nhiều giá trị để tiếp tục hướng đến tương lai. Việt Nam chắc chắc cùng bạn bè quốc tế sẽ sử dụng tốt nguồn vắc xin này một cách bình đẳng, cẩn trọng”, ông nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 (Ảnh: Hoàng Minh)
leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói chuyện, trao đổi với bạn bè quốc tế bên ngoài Lễ tiếp nhận. (Ảnh: Hoàng Minh)

Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu: “Tất cả chúng ta tại đây cũng như bạn bè năm châu đều trân trọng và tán dương sự thành công của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Trong khi các quốc gia khác vật lộn, hành động chậm chạp hoặc thậm chí không có hành động, Việt Nam đã phản ứng dứt khoát và kết quả là cuộc sống của người dân Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, hệ thống y tế không sụp đổ và người dân không phải sống trong quá nhiều lo âu sợ hãi”.

leftcenterrightdel
Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Đức Minh) 

Bên cạnh đó, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam dành lời cảm ơn sâu sắc đến những người hùng trong ngành Y tế, các cán bộ chống dịch tuyến đầu, các đơn vị thực hiện công tác truy vết, người dân Việt Nam cũng như một số công dân nước ngoài đã tham gia vào hoạt động chống dịch vì những cố gắng và cống hiến để đất nước Việt Nam được an toàn. Người dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam đã tuân thủ những hướng dẫn mà Chính phủ Việt Nam truyền thông và nghiêm túc thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, từ đó đóng góp công lao trong nỗ lực chung. 

Tuy nhiên ông Kamal Malhotra lưu ý, việc thời hạn sử dụng của vắc xin ngừa Covid-19 tính từ ngày sản xuất chỉ là 6 tháng cũng là một thách thức đối với chúng ta. Sau khi được chuyển đến các quốc gia, thời hạn sử dụng của vắc xin sẽ không còn nhiều. Do đó, các nước cần xây dựng kế hoạch về đối tượng được tiêm vắc xin, đảm bảo mỗi người dân được tiêm 2 mũi, cách nhau từ 2-3 tháng. WHO và UNICEF sẽ sát cánh cùng các quốc gia để đảm bảo đưa vắc xin đến những đối tượng ưu tiên một cách hiệu quả nhất có thể, với ưu tiên hàng đầu là tính an toàn…/.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra