Phát hiện hơn 48 tỷ đồng tiền và tài sản tham nhũng
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có báo cáo kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Về kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong kỳ, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật về PCTN và chỉ đạo của UBND tỉnh.
Về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ quyền hạn, toàn tỉnh tiếp tục triển khai việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Đến nay, đã có 44/44 đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác năm 2023. Kết quả đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối 133 trường hợp thuộc diện phải chuyển đổi theo quy định.
Về kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Thanh tra tỉnh thực hiện xác minh tài sản thu nhập đối với 09 đơn vị (02 đơn vị cấp huyện và 03 đơn vị sở ngành, 03 đơn vị sự nghiệp và 01 Doanh nghiệp nhà nước (44 trường hợp công chức, viên chức được xác minh tài sản, thu nhập) theo kế hoạch đã được phê duyệt. Thanh tra tỉnh đã công bố 09 Kết luận xác minh tài sản, thu nhập năm 2022; hiện nay, các đơn vị, địa phương đang thực hiện theo quy định.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong kỳ, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp thụ lý 29 vụ với 27 bị can; kỳ trước chuyển sang 12 vụ với 04 bị can; khởi tố mới 14 vụ với 22 bị can, phục hồi điều tra 03 vụ với 01 bị can; kết luận điều tra chuyển cơ quan có thẩm quyền truy tố 07 vụ với 09 bị can; đang điều tra 19 vụ với 18 bị can.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý 07 vụ với 09 bị can; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 03 vụ với 03 bị cáo. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện 48.222.699.421 đồng. Kết quả thu hồi 3.111.928.404 đồng và 12.411m2 đã kê biên ngăn chặn giao dịch.
|
|
Trong kỳ, Thanh tra tỉnh đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ tại 9 đơn vị. (Ảnh: ĐT) |
Trong kỳ, UBND tỉnh chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc động viên nhân dân tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phát hiện, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan báo chí có trách nhiệm tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng; hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng; khi đưa tin đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm về nội dung của thông tin đã đưa.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác PCTN có những bước tiến triển tích cực, số lượng các vụ án liên quan đến tham nhũng giảm rõ rệt; hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng; các ngành Tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ vẫn còn xảy ra; công tác giám định còn nhiều vướng mắc về vấn đề thời gian trả kết quả, một số lĩnh vực còn thiếu giám định viên tư pháp như: Xây dựng cơ bản, tài chính ngân hàng, đất đai.
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập chưa phù hợp thực tế trên một số lĩnh vực trọng yếu, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, nhất là về quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, lỏng lẻo; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở một số đơn vị, địa phương chưa đạt yêu cầu, chất lượng kiểm tra, thanh tra chưa sâu; khả năng tự phát hiện tham nhũng trong đơn vị chưa cao.
Việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào thực tế địa phương, nhất là tại xã - phường và các doanh nghiệp, Tổng Công ty có vốn Nhà nước còn lúng túng, mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa rõ nét, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp để đạt hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã khởi tố
Để tiếp tục tăng cường thực hiện, nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng nhằm thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng trong thời gian tới ở địa phương, tỉnh Đồng Nai cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn.
Hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, đã khởi tố theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương nhất là cấp cơ sở; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, "gợi ý", "lót tay", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Từng bước thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thông qua việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập cũng như chủ động hơn nữa trong việc thực hiện xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức trên địa bàn khi có biến động bất thường theo hướng tăng cường tính tự giác, chủ động và có những chế tài nghiêm khắc khi để xảy ra sai phạm.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất việc hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, cụ thể: Hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp phòng, chống tham nhũng đã đề ra, đặc biệt là chế độ chính sách về tiền lương đảm bảo cho cán bộ, công chức đủ sống để không thể tham nhũng và không cần tham nhũng; cụ thể hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Có cơ chế minh bạch tài sản, thu nhập và thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Ngoài ra, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Song song đó, cần sớm ban hành Luật Đất đai mới để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua; đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, dễ xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Kiến nghị các cơ quan Trung ương sớm xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về kê khai tài sản, thu nhập. Kiến nghị Thanh tra Chính phủ và các cơ quan Trung ương sớm ban hành hướng dẫn quy trình tổ chức thực hiện xác minh tài sản, thu nhập hàng năm.