Vĩnh Phúc:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 19/08/2022 10:38
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm đã đạt được kết quả tích cực; chất lượng phòng ngừa tham nhũng ngày càng được nâng cao. Các vụ án, vụ việc tham nhũng được xử lý nghiêm minh, đã tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong công tác PCTN. Tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh đang từng bước được kiềm chế và kiểm soát; số vụ việc tham nhũng phát sinh giảm qua từng năm.

Thu hồi hơn 891 triệu đồng tài sản tham nhũng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN của Trung ương, của tỉnh được ban hành kịp thời đã góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân về PCTN, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm. Nhiều quy định, Nghị quyết liên quan công tác PCTN được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa hiệu quả.

Các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh duy trì tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nhiệm vụ PCTN, tiêu cực bằng các hình thức như: niêm yết các văn bản mới, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; lồng ghép trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt đảng… Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Thanh tra tỉnh, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh và một số ngành, đơn vị, xây dựng chương trình, phát sóng 6 chuyên mục, 216 tin, 102 phóng sự, mục, chuyên mục tuyên truyền về công tác PCTN.

UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh đã ban hành 141 văn bản mới liên quan việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực, đảm bảo việc quản lý, điều hành hoạt động được công khai, minh bạch; tạo lập kỷ cương, nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. 100% cơ quan, đơn vị ban hành và thực hiện quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị như: Quy chế làm việc, Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế sử dụng tài sản công... Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, ban hành, công khai và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn áp dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Ngày 28/02/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND về việc kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ năm 2022, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị để triển khai thực hiện. Ngày 01/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 402/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn Kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ năm 2022; Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh đang triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra tại một số địa phương, đơn vị; hiện tại đã có Báo cáo số 73/BC- ĐTTr, ngày 30/5/2022 về công tác kiểm tra đối với các đơn vị: Thành phố Phúc Yên và các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương.

leftcenterrightdel
Các thành viên góp ý kiến cho quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: thanhtra.com.vn 

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đến nay, các sở, ngành, UBND cấp huyện đều có cổng thông tin giao tiếp điện tử; 20 sở, ban, ngành, 9 huyện thành phố và 6 cơ quan, đơn vị khác đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong luân chuyển văn bản đi; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp hòm thư điện tử công vụ riêng. Việc tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về PCTN. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiến hành thanh toán, trả lương qua tài khoản.

Về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tổ chức đơn vị, đã có 73/73 đơn vị thực hiện kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) năm 2021, đạt tỷ lệ 100%; số người đã kê khai TSTN năm 2021 là 2.327 người/2.329 người phải kê khai; đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai; số lượng bản kê khai TSTN lưu giữ phục vụ công tác kiểm soát cấp tỉnh là 2.297 bản (tỷ lệ 98,7%), số Bản kê khai TSTN phục vụ công tác kiểm soát cấp Trung ương là 30 bản (tỷ lệ 1,2%); số bản kê khai đã công khai theo hình thức niêm yết: 793 bản, tỷ lệ 34% so với số bản đã kê khai, số bản kê khai đã công khai theo hình thức công bố tại cuộc họp là 1.534 bản, tỷ lệ 65,9% so với số bản đã kê khai.

Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, án tại cơ quan điều tra là 3 vụ; đã chuyển sang viện kiểm sát nhân dân truy tố 01 vụ với 03 bị can (Vụ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên); tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được trên 14 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi bằng biện pháp tư pháp hơn 891 triệu.

Ngoài ra, công tác giải quyết thủ tục hành chính nói chung và trong khối doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước nói riêng đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt trong các lĩnh vực về quản lý hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, cấp phép lái xe, cấp phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự toán ngân sách, thẩm định dự án, kế hoạch đầu tư công... đã được thực hiện chặt chẽ hơn, thủ tục đơn giản và rút ngắn thời hạn giải quyết, tạo được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Cục thuế đã rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết 825 thủ tục hành chính (TTHC) có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc, như: cắt giảm thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực thi đua khen thưởng từ 25 ngày xuống còn 12 ngày, giảm 13 ngày so với quy định của Trung ương; Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thời gian theo quy định của Trung ương là 15 ngày, Vĩnh Phúc còn 11 ngày; Thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Trung ương quy định là 40 ngày, Vĩnh Phúc còn 36 ngày. 

Tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế,  đẩy lùi, có chiều hướng giảm

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm, công tác PCTN đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo quyết liệt; việc tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hàng năm tại các cơ quan, đơn vị đã đi vào kỷ cương, nề nếp; các vụ việc tham nhũng đã xảy ra trên địa bàn đang trong thời hạn giải quyết tiếp tục được xử lý nghiêm minh; tình hình tham nhũng đang từng bước được kiểm soát, kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng giảm về số vụ việc, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được kiểm soát chặt chẽ hơn; cải cách hành chính và áp dụng công nghệ trong quản lý được ưu tiên đầu tư, đổi mới; tình trạng “nhũng nhiễu” gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính được kiềm chế, đẩy lùi, bước đầu tạo được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình tham nhũng vẫn tiềm ẩn phức tạp; công tác quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực như: Đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH; chấp hành Luật thuế; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu giá tài sản công... còn có những hạn chế nhất định, là yếu tố cơ hội để tham nhũng phát sinh. Dư luận xã hội còn phản ánh về tình trạng “nhũng nhiễu” gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ hiệu quả thấp; kết quả đạt được chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế

Để thực hiện nhiệm vụ và khắc phục những khó khăn vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc nghiên cứu, tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật đề đảm bảo công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả; nhất là xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và thể chế về PCTN.

Thứ hai, tăng cường công tác công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật. Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản...; công khai, minh bạch trong tổ chức, bộ máy, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, tuyển dụng cán bộ, công chức. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, thực hiện nghiêm chế độ chính sách về tổ chức, cán bộ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp tham gia hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, lãng phí; kiện toàn và nâng cao hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN; thực hiện tốt công tác giám định tư pháp, tài chính, giám định chất lượng các công trình đầu tư xây dựng, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng.

Thứ tư, phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với các hoạt động của cơ quan công quyền, việc thực thi công vụ, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra