Nỗi lo từ thiếu hụt ngân sách
Thứ ba, 28/08/2018 07:50 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Việc thiếu hụt ngân sách đang tác động xấu đến những nỗ lực của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) trong việc giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Đây là cảnh báo mới của cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon (Ban Ki Mun). Ông hiện là Chủ tịch Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, một đối tác của GCF.
GCF được thành lập năm 2010 khi LHQ thảo luận về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm thúc đẩy sử dụng hiệu quả số tiền 100 tỷ USD/năm mà các quốc gia giàu có đã cam kết ủng hộ các nước đang phát triển từ thời điểm đó đến năm 2020 để hạn chế lượng khí thải carbon, cũng như giảm thiệu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cựu Tổng Thư ký Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ khiến mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD/năm đến năm 2020 khó đạt được. Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã cam kết đóng góp 3 tỷ USD, song mới chỉ có 1 tỷ USD được chuyển cho GCF. Trong số 10 tỷ USD được ủng hộ vào quỹ, GCF đã cấp 3,5 tỷ USD cho các dự án tại 78 nước nhằm giảm bớt khí thải, ứng phó tốt hơn với tình trạng nước biển dâng và thời tiết cực đoan.
Tại cuộc họp vào tháng 7 vừa qua, tranh cãi về chính sách và quản lý đã dẫn đến việc không có dự án mới nào được thông qua. Ông Ban Ki-moon nhận định kết quả này là rất đáng tiếc. GCF hiện đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn về việc hoạt động trở lại trước khi các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu tại Ba Lan diễn ra vào tháng 12 tới nhằm thúc đẩy đàm phán về quy định thực thi Hiệp định Paris.
Theo GCF, hiện có 31 dự án trị giá 1,4 tỷ USD đang được triển khai, bao trùm nhiều lĩnh vực, từ cung cấp dịch vụ thông tin khí hậu đến hạn chế rủi ro thiên tai tại Vanuatu, cũng như sản xuất dầu argan bền vững tại Maroc. Phó Giám đốc GCF Javier Manzanares (Ha-vi-ê Man-da-nê-rết) đánh giá cao các số liệu này, đồng thời thừa nhận kết quả cuộc họp vừa qua là một bước thụt lùi. Ông Manzanares bày tỏ hy vọng rằng tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 10 tới, các dự án trị giá 1,3 tỷ USD sẽ được thông qua với sự tham gia của 15 cơ quan phụ trách điều phối. Ông cũng kêu gọi nhanh chóng bù đắp thiếu hụt ngân sách cho GCF bởi nhu cầu đang ngày một lớn. Nếu đúng như kế hoạch, một hội nghị của các nhà tài trợ sẽ diễn ra vào cuối năm tới, dù chưa rõ liệu có quyên góp được số tiền như mục tiêu đặt ra hay không.
Trong khi đó, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh Hội nghị khí hậu do Tổng Thư ký LHQ đương nhiệm Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-tê-rết) chủ trì vào tháng 9/2019 sẽ là thời điểm quan trọng để các chính phủ phác thảo các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD/năm./.
Dương Thái
(Theo Reuters)