Thế giới với các giải pháp Phòng, chống tham nhũng trong cán bộ

Thứ sáu, 14/09/2018 07:11
(ThanhtraVietNam) - Tham nhũng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: là trở lực lớn đối với quá trình phát triển; gây thiệt hại rất lớn về tài sản của nhà nước, của tập thể và của công dân; xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Bài viết hôm nay sẽ tìm hiểu về tất cả những giải pháp của các quốc gia trên thế giới trong công tác Phòng, chống tham nhũng.

Tham nhũng có thể gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng đây cũng là hành vi khó kiểm soát và đấu tranh nhất, bởi nguyên nhân trực tiếp là lòng tham muốn vật chất gắn với quyền lực. Từ sự khó kiểm soát như vậy, nay tham nhũng đang trở thành vấn nạn có tính toàn cầu mà nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia quan tâm giải quyết.

Để có thể thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng không chỉ có lòng tham muốn vật chất, mà phải có quyền lực. Người có quyền lực dù ít cũng có thể tham nhũng, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ chế xã hội và cộng đồng. Về quan điểm chung, các  nước đều nhận thức rằng: muốn đấu tranh chống tham nhũng có kết quả, thì trước tiên các chính đảng và chính phủ phải có quyết tâm  chính trị và đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp; mặt khác kiên quyết chống tham nhũng nhưng phải giữ vững ổn định chính trị - xã hội cần thiết cho sự phát triển.

Hiện nay, qua các nghiên cứu cho thấy, để hướng tới mục tiêu làm cho cán bộ, công chức, viên chức có quyền lực: Không cần tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng; hầu như các nước trên thế giới đều đưa ra nhóm giải pháp sau:

Tăng cường công tác giáo dục đối với cán bộ công chức, các nước đều coi việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, công chức trong sạch, liêm khiết là biện pháp quan trọng đầu tiên để chống tham nhũng. Các nước Thụy Điển, Hàn Quốc, Malaixia, Cộng hòa liên bang Đức…đều ban hành luật hoặc bộ quy tắc về đạo đức của công chức. Trung Quốc đã ban hành rất nhiều văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và nhà nước. Đội ngũ công chức của Singapore được Chính phủ ban hành cuốn sổ tay hướng dẫn giáo dục đạo đức tự răn mình. Đối với người dân: Giáo dục về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, cách ứng xử văn minh lịch thiệp ngay từ nhỏ bằng cách bổ sung chương trình phòng chống tham nhũng đến tận học sinh phổ thông (Thái Lan, Philippin).

leftcenterrightdel

Đồng thời thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong ban hành các quyết định. Các nước Thụy Điển, cộng hòa liên bang Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ….đều quy định rõ: Mọi người dân đều có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp hoặc cho xem bất cứ tài liệu nào có trong lưu trữ  của cơ quan dù tài liệu đó không liên quan đến mình.Tất cả tài liệu của chính phủ và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải được đăng tải công khai trên báo chí và mạng Internet. Thực hiện khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo qua mạng Internet (Hàn Quốc là nước áp dụng rất thành công hình thức này).

Tiếp theo, cần có biện pháp phòng ngừa giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, cũng như xây dựng quy chế tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức dân chủ, công khai. Quy định sau khi từ chức hoặc nghỉ hưu một thời gian nhất định, công chức không được thực hiện hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực công tác trước đây của mình (Trung Quốc, Malayxia, Singaopo..)

Quy định rõ những điều công chức không được làm. Chẳng hạn Trung Quốc có sáng kiến: Nếu công chức tự nguyện gửi vào tài khoản của nhà nước những khoản tiền tham nhũng (tài khoản do Chính phủ mở và công bố rộng rãi) thì sẽ được xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giảm án tùy theo mức độ.

Về việc kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng cũng cần quy định rõ ràng. Hầu hết các nước trên thế giới quy định cán bộ, công chức phải  kê khai tài sản, thu nhập. Có thể là trước  khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm hoặc kê khai hàng năm. Hàn Quốc, Malayxia, Singapo, Thái Lan…quy định nếu công chức nào  không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị tịch thu và công khai trên báo chí. Biện pháp này ở Trung Quốc xử phạt nặng hơn, ngoài việc tịch thu tài sản công chức sẽ bị kết án tù giam. Ở Úc thực hiện kê khai tài sản của cả người thân cùng chung sống. Đặc biệt họ rất coi trọng tính công khai minh bạch trong hoạt động đầu thầu, mua sắm tài sản công.

Cuối cùng, cần trả lương cho công chức, viên chức xứng đáng. Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Singapo…là những nước trả lương cao cho công chức để họ “không cần tham nhũng” mà vẫn đủ sống. Ví dụ: lương của sinh viên Singapo vừa ra trường  là 2.200 USD, lương của Bộ trưởng là 1 triệu USD/năm. Và khi đang đương chức công chức chỉ được nhận 70%  lương, 30% về hưu mới được nhận nếu như không vi phạm pháp luật./.

PV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra