Thúc đẩy tính liêm chính thông qua cải cách hệ thống xử phạt hành chính của Bulgaria

Thứ sáu, 08/07/2022 22:20
(ThanhtraVietNam) - Việc cải cách khung pháp lý về xử phạt hành chính là một phần trong chương trình chống tham nhũng của Bulgaria. Chiến lược Chống tham nhũng của Bulgaria năm 2015-2020 đã nhấn mạnh đến các rủi ro liêm chính trong việc thực thi pháp luật và các quy định thông qua các hình phạt hành chính và bao gồm cải cách khung pháp lý như một phần của chiến lược nhằm giảm thiểu tham nhũng. Cách tiếp cận này đã được khẳng định bởi Chiến lược Phòng, chống tham nhũng năm 2021-2027, trong đó đặt ra một trong những mục tiêu ưu tiên là cải thiện pháp luật về kiểm soát và xử phạt của chính quyền nhằm hạn chế hành vi tham nhũng.

Mặc dù những nỗ lực và cải cách gần đây đã cải thiện khuôn khổ pháp lý, nhưng cuộc chiến chống tham nhũng tại quốc gia này vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Khung pháp lý rời rạc và thiếu tính thống nhất là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tham nhũng trong quá trình thực thi... Trong đó, cần phải kể đến ba lĩnh vực chính cần cải cách sau:

Thứ nhất, phạm vi áp dụng của khung pháp lý cần được xác định rõ ràng và toàn diện hơn. Điều này đặc biệt đúng khi áp dụng đối với pháp nhân. Mặc dù những sửa đổi mới nhất đối với Đạo luật về xử phạt vi phạm hành chính (AVPA), có hiệu lực vào tháng 12 năm 2021 đã lấp đầy những khoảng trống nhất định về mặt pháp lý, trách nhiệm của các pháp nhân và thương nhân được quy định một cách toàn diện và chi tiết hơn liên quan đến các vấn đề như: Các tiêu chí và động cơ xác định hình phạt; sự không tương thích trong việc đại diện cho pháp nhân... 

Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong việc xử phạt các chi nhánh của pháp nhân và các chủ thể không có tư cách pháp nhân như công ty hợp danh theo pháp luật dân sự. Các quy tắc nhất quán cũng cần được thiết lập để xử phạt người đứng đầu khi cấp dưới của họ thực hiện hành vi vi phạm, vì hầu hết các luật tại quốc gia này rất ít quy định về trách nhiệm đối với những người quản lý đã ra lệnh cho nhân viên cấp dưới vi phạm.

leftcenterrightdel
Thủ đô Sofia, Bulgaria. Ảnh: tripssavy. 

Thứ hai, cải cách cần tập trung vào các loại hình, tiêu chí và mức độ xử phạt hành chính được quy định trong cả khung pháp lý chung và đặc biệt. Việc áp dụng các hình thức trừng phạt mới trong AVPA nên là một phần của chiến lược rộng lớn hơn để tăng cường tuân thủ các hình phạt, vì tỷ lệ thu tiền phạt hiện hiện chỉ đạt ở mức dưới 50%. Bulgaria gần đây đã đưa ra một hình thức xử phạt mới đó là tham gia vào các hoạt động công ích; tuy nhiên, quá trình triển khai lại bộc lộ một số lỗ hổng. 

Việc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tương xứng của các mức xử phạt thông qua khung pháp lý hành chính đặc biệt là một thách thức đáng kể. Điều này có thể được giải quyết bằng cách can thiệp vào tất cả các luật đặc biệt đang bị ảnh hưởng bởi các mức trừng phạt không phù hợp. Sau đó, Bulgaria có thể bắt đầu một cuộc cải cách có hệ thống bằng cách đặt ra một số phạm vi xử phạt và để mỗi luật đặc biệt được quyết định mức áp dụng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Thứ ba, việc cải cách khung pháp lý cần giải quyết một số lỗ hổng và mâu thuẫn liên quan đến các vấn đề thủ tục của luật hình sự hành chính. AVPA có rất ít quy định về điều tra vi phạm hành chính, do đó, AVPA có thể tham khảo rộng rãi hơn các quy tắc liên quan của Bộ luật Tố tụng Hình sự hoặc có thể được tích hợp với một bộ quy tắc cụ thể cùng với các quy tắc được đề xuất trong dự thảo Bộ luật các hành vi vi phạm hành chính và mức xử phạt năm 2015.

Từ góc độ của những người thực thi khung pháp lý, một trong những thách thức quan trọng nhất là việc tống đạt các hành vi, giấy tờ, cũng như cần đảm bảo sự tham gia của tất cả các chủ thể trong quá trình tố tụng. Do đó, các quy tắc bổ sung cho AVPA cần được đề xuất cho việc tống đạt giấy triệu tập và thông báo cho các thể nhân và pháp nhân, kể cả trong trường hợp họ không phải là công dân của Bulgaria. Trong một số quy định cụ thể, thủ tục tố tụng có thể diễn ra vắng mặt.

Liên quan đến thủ tục phúc thẩm, việc viện dẫn hai quy định tố tụng khác nhau - hình sự và hành chính - được coi là gây ra mâu thuẫn và không thống nhất trong thực tế. Để giải quyết vấn đề này, AVPA có thể xem xét chỉ sử dụng những quy định được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, dựa trên nguồn gốc và cơ sở của hệ thống hình sự hành chính Bungari. Vì lợi ích của nền kinh tế, AVPA có thể điều chỉnh việc hợp nhất, tách và đình chỉ các thủ tục tố tụng. 

Một lĩnh vực cải cách khác trong AVPA là việc thực hiện các hình phạt được áp dụng ở nước ngoài hoặc việc thực thi ở nước ngoài các hình phạt do các cơ quan hành chính của Bulgaria đưa ra. Vấn đề hợp tác pháp lý quốc tế trong các vụ án hình sự hành chính đang ngày càng cho thấy tầm quan trọng, vì vậy khung pháp lý cần được điều chỉnh một cách rõ ràng và toàn diện hơn. Điều này có thể giải quyết các tình huống khi một quốc gia thành viên EU khác hoặc một quốc gia thứ ba áp dụng hình phạt hành chính đối với một hành vi vi phạm đang bị xử phạt hoặc đã bị cơ quan thực thi pháp luật Bulgaria xử phạt. Tương tự, một cơ chế cần được được phát triển để đưa ra các biện pháp trừng phạt trong các vụ án hình sự hành chính từ người nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Cộng hòa Bulgaria.

Dương Nguyễn (Theo OECD)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra