Vì sao Tổng thống Gadhafi không tham gia đàm phán hòa bình?

Thứ tư, 29/06/2011 08:01
Tương lai của quốc gia Bắc Phi Libya đang trở thành chủ đề nóng trên các bàn hội đàm chính trị quốc tế hôm 26/6. Theo tiết lộ mới nhất của Liên minh châu Phi (AU), nhiều khả năng, Tổng thống Moammar Gadhafi sẽ đứng ngoài các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột kéo dài gần 4 tháng qua ở đất nước này.

Tương lai của quốc gia Bắc Phi Libya đang trở thành chủ đề nóng trên các bàn hội đàm chính trị quốc tế hôm 26/6. Theo tiết lộ mới nhất của Liên minh châu Phi (AU), nhiều khả năng, Tổng thống Moammar Gadhafi sẽ đứng ngoài các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột kéo dài gần 4 tháng qua ở đất nước này.

Tuy nhiên, khó có thể nói những gì có thể diễn tiến bởi khi chính quyền Tripoli vừa tỏ thái độ "hòa giải" thì NATO lại tiếp tục "tung những đòn mới" và không giấu giếm việc muốn lật đổ bằng được nhà lãnh đạo của Libya.

Theo tin từ hãng Reuters, sau cuộc họp của AU tại Nam Phi hôm 26/6, Tổng thống Libya Moammar Gadhafi đã đồng ý đứng ngoài các cuộc đàm phán về việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 4 tháng qua ở nước này. Ủy ban các vấn đề cấp cao của AU đã hoan nghênh tuyên bố này của ông Gadhafi và kêu gọi NATO chấm dứt các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu ở Libya.

Để các cuộc hòa đàm có kết quả tốt, AU cũng đề xuất rằng, các đảng phái ở Libya cần phải khởi động "đối thoại và hòa giải dân tộc" rồi tiến tới việc thực hiện "công cuộc chuyển đổi dân chủ".

Đưa ra quyết định này cũng với AU, chính phủ Libya cũng đã kèm theo một số điều kiện trong đó, theo người phát ngôn chính phủ Moussa Ibrahim thì chỉ có người dân Libya mới có quyền quyết định ông Moammar Gadhafi phải ra đi hay không. Ông Moussa Ibrahim nói: "Nếu họ muốn ông Gadhafi ra đi, ông ấy sẽ ra đi. Nếu họ muốn ông ấy ở lại, ông ấy sẽ ở lại".

Nan giải tìm biện pháp gỡ rối cho xung đột ở Libya hiện nay. Ảnh: Reuters.


Và tất nhiên, giải pháp cho việc sống lưu vong luôn bị Tổng thống Moammar Gadhafi bác bỏ. Đồng thời, chính quyền Tripoli cũng đang đề xuất việc tổ chức một cuộc bầu cử trên quy mô toàn quốc để người dân quyết định về việc ông Moammar Gadhafi có tiếp tục nắm quyền nữa hay không.

Trong khi đó, vừa hối thúc việc lật đổ Tổng thống Gadhafi, lực lượng đối lập mà cụ thể là Hội đồng chuyển tiếp quốc gia tại Benghazi vẫn đang cố gắng liên hệ với các thành viên trong chính phủ Libya, thuyết phục ông Moammar Gadhafi từ chức và tìm cách "câu kéo" những thành viên cao cấp muốn "đào ngũ".

Phát ngôn viên của lực lượng này là Zlitan thậm chí còn đe dọa là nếu không chấp nhận những yêu cầu nói trên, lực lượng ủng hộ Tổng thống Moammar Gadhafi sẽ bị tấn công liên tục và gặp thiệt hại nhiều. Chưa hết, phe này còn đưa ra một tối hậu thư yêu cầu các lực lượng quân đội Libya rời bỏ khu vực chiếm đóng của mình trước ngày 28/6...

Giới quan sát quốc tế nhận định, sở dĩ trong những ngày qua, lực lượng đối lập Libya gia tăng các hoạt động và lời cảnh báo với chính quyền Tripoli bởi lẽ Tổng thống Moammar Gadhafi vừa bị tòa án xét xử tội phạm quốc tế (ICC) tại The Hague ban lệnh bắt giữ với tội danh phạm tội ác chống lại loài người. Con trai ông Gadhafi là Seif al-Islam Gadhafi cùng Giám đốc cơ quan tình báo Abdullah al-Sanoussi cũng bị ICC truy nã.

Một số nhà phân tích còn khẳng định, đây chỉ là một trong những động thái có sự gây sức ép từ phía NATO. Mới đây, Đô đốc Mỹ Samuel Locklear - Tổng tư lệnh chiến dịch Libya kiêm chỉ huy lực lượng liên quân đóng tại căn cứ Naples (Italy) tố cáo rằng, thực chất chiến dịch quân sự là nỗ lực nhằm sát hại ông Moammar Gadhafi.

Mike Turner, một thành viên đảng Cộng hoà bang Ohio (Mỹ), đồng thời là thành viên thuộc Ủy ban Quân vụ của Hạ viện Mỹ còn tiết lộ, Quốc hội Mỹ từng kịch liệt phản đối việc can thiệp quân sự vào Libya ngay từ đầu vì nghi ngờ mục đích thật sự của chiến dịch này. Thực tế, cho đến nay, Quốc hội Mỹ và nhiều quan chức khác của nước này vẫn không đồng tình với một cuộc tấn công như ở Libya.

Còn các nhà lãnh đạo AU thì kêu gọi về một lệnh ngừng bắn đối với tất cả các bên. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thậm chí còn cảnh báo NATO chớ nên dùng sức mạnh quân sự để hạ sát nhà lãnh đạo Libya, trong khi liên minh này đang thảo luận những phương sách để chấm dứt cuộc xung đột.

Theo Phan Hiển
CAND

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra