Bộ Tài chính:

Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức thanh tra trong ngành Tài chính và các cơ quan hữu quan, tránh chồng chéo, trùng lắp

Thứ hai, 12/12/2022 10:51
(ThanhtraVietNam) - Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo bám sát định hướng, chú ý có sự phối hợp giữa các tổ chức thanh tra trong ngành Tài chính và các cơ quan hữu quan, tránh chồng chéo, trùng lắp.

Kiểm tra trách nhiệm về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng

Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước kiểm tra công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước (kiểm soát chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi chương trình mục tiêu, chuyển nguồn,…). Kiểm tra việc giải ngân vốn nước ngoài đã thực hiện từ năm 2019 trở về trước nhưng chưa được hạch toán vào ngân sách nhà nước tại các bộ, địa phương.

Kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng nội ngành: Quản lý và sử dụng kinh phí của Kho bạc Nhà nước, trong đó tập trung công tác kiểm tra về công tác xây dựng, phân bổ và giao dự toán; tình hình trích lập, quản lý và sử dụng kinh phí tăng thu, tiết kiệm chi; công tác mua sắm, sửa chữa và quản lý tài sản; công tác đầu tư xây dựng nội ngành.

Kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức triển khai việc chấp hành các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra chuyên ngành tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia; các khoản chi thường xuyên.

Đối với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu Thanh tra các bộ, ngành được phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG); doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng DTQG; các tỉnh tiếp nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG cứu trợ, hỗ trợ việc chấp hành pháp luật về DTQG; công tác quản lý, sử dụng kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG tại đơn vị được giao quản lý hàng DTQG có số lượng tồn kho và thực hiện kế hoạch mua, bán, nhập, xuất số lượng lớn; công tác quản lý, tiếp nhận phân phối, bảo quản và sử dụng hàng DTQG sau khi xuất cấp.

Thực hiện kiểm tra chuyên đề công tác bảo quản hàng hóa DTQG (tại các đơn vị DTQG và các đơn vị thuê bảo quản); chuyên đề quản lý, sử dụng kho DTQG các Cục DTNN khu vực trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật, công bố thiếu thông tin cần thiết, thông đồng tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán, phát hành trái phiếu số lượng lớn, không có tài sản đảm bảo, sử dụng vốn sai mục đích... làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và thị trường chứng khoán; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các đối tượng chưa được thanh tra, kiểm tra trong 03 năm 2020, 2021, 2022.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm đối với các công ty và các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán

Đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với Công ty đại chúng: có thông tin khiếu kiện/phản ánh việc tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, sử dụng vốn sai mục đích; công ty có hoạt động chào bán/phát hành thêm chứng khoán với khối lượng lớn, liên tục; có biến động về giá trị/khối lượng giao dịch cổ phiếu; công ty có phát hành trái phiếu riêng lẻ với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt, lãi suất cao; công ty có vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin và các nghĩa vụ khác liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, cũng sẽ thanh tra, kiểm tra đối với các công ty chứng khoán có biến động lớn về các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính (tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí), tỷ lệ an toàn tài chính (tăng hoặc giảm); công ty có tăng trưởng mạnh về số lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch, giá trị giao dịch, thị phần môi giới; công ty tăng vốn nhanh; công ty có cung cấp dịch vụ liên quan đến chào bán trái phiếu; công ty có đơn thư phản ánh, kiến nghị.

Và thanh tra, kiểm tra đối với các công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán; ngân hàng lưu ký, giám sát, đại lý phân phối; văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam: có nguồn vốn ủy thác lớn, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; công ty có vốn góp của ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các công ty thuộc diện tái cấu trúc (vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định, tỷ lệ an toàn tài chính thấp, lỗ lũy kế lớn, hoạt động không hiệu quả); đại lý phân phối thực hiện phân phối chứng chỉ quỹ cho nhiều quỹ đầu tư chứng khoán; Ngân hàng lưu ký, giám sát cung cấp dịch vụ lưu ký, giám sát cho nhiều quỹ đầu tư chứng khoán; các văn phòng đại diện của các công ty quản lý quỹ nước ngoài có nhiều quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán và các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán. Thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm được Bộ Tài chính yêu cầu thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó tập trung một số vấn đề: khả năng thanh toán của doanh nghiệp; việc trích lập dự phòng nghiệp vụ; tái bảo hiểm; chi trả quyền lợi bảo hiểm; quản lý công nợ; tách quỹ và phân chia thặng dư; hoạt động đầu tư; chấp hành quy tắc, điều khoản biểu phí bảo hiểm, hoạt động đại lý; hoạt động môi giới bảo hiểm và hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các doanh nghiệp bảo hiểm để xử lý điểm, xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm (nếu có).

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo bám sát định hướng, chú ý có sự phối hợp giữa các tổ chức thanh tra trong ngành Tài chính và các cơ quan hữu quan, tránh chồng chéo, trùng lắp, Công văn số 10039/BTC-TTr ngày 03/10/2022 của Bộ Tài chính nêu rõ./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra