Khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn chiếm số lượng lớn

Thứ tư, 28/09/2011 14:18
(Thanhtravietnam.vn) - Trong năm 2011, số lượt người khiếu nại, tố cáo giảm so với cùng kỳ năm 2010. Phần lớn các vụ việc đều đã diễn ra từ những năm trước đây, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp.

Ngày 27.9, tại Hà Nội, phiên họp thứ hai của UBTVQH đã nghe Ban Dân nguyện báo cáo công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011 và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám và thứ chín, QH khóa XII dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu.

Phần lớn khiếu nại liên quan đến đất đai

Theo Báo cáo Công tác dân nguyện năm 2011 của Ban Dân nguyện, trong năm 2011, số lượt người khiếu nại, tố cáo giảm so với cùng kỳ năm 2010. Phần lớn các vụ việc đều đã diễn ra từ những năm trước đây, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp. Ban Dân nguyện đã giúp UBTVQH tổ chức tiếp 6.173 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về 2477 vụ việc, có 217 lượt đoàn đông người, trong đó có một số trường hợp công dân khiếu nại gay gắt, kéo dài và các đoàn khiếu nại đông người.

Phần lớn các vụ việc liên quan đến  thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp


Trong năm 2011, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH đã tiếp nhận 20.462 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Riêng Ban Dân nguyện cũng đã tiếp nhận 15.377 đơn, thư, đã tiến hành nghiên cứu sơ bộ và phân loại để chuyển 13.920 đơn đến Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết theo thẩm quyền. Còn lại 1457 đơn, thư thuộc thẩm quyền xử lý của Ban Dân nguyện, đã được Ban nghiên cứu, xử lý. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Ban đã cùng với tổ giúp việc của Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử nghiên cứu, xử lý, chuyển 717 đơn, thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Báo cáo của 46 Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy từ ngày 15/8/2010 đến 15/8/2011, các Đoàn đại biểu QH đã nhận được 8723 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các Đoàn ĐBQH đã chuyển 3.345 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được 1819 văn bản trả lời, một số địa phương đã xem xét giải quyết và trả lời cho công dân đạt tỷ lệ tương đối cao như: Lâm Đồng, Lào Cai, Kon Tum, Đà Nẵng...

Nhìn chung hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban của QH và các Đoàn ĐBQH đã đạt được những kết quả thiết thực và ngày càng có chuyển biến tích cực. Số lượng các cuộc giám sát chuyên đề việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo tăng hơn năm 2010, số vụ, việc cụ thể được giám sát trong năm qua đã được tăng lên. Qua hoạt động giám sát, các Đoàn ĐBQH đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể để giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thảo luận về các nội dung trong báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, báo cáo mới chỉ nêu số lượng đơn và lượng người khiếu nại năm 2011 giảm so với năm 2010, song giảm vì lý do gì lại chưa được đề cập tới? Ông Lý phân vân, liệu có phải do các cơ quan chức năng đã làm tốt trách nhiệm của mình hay còn do nguyên nhân nào khác? Cũng với quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi “Số liệu trong báo cáo đã cho thấy rõ lượng đơn thư gửi đi và đơn thư nhận về, vậy số đơn chưa được nhận về sẽ được giải quyết như thế nào? Ngay cả việc đơn mà nhận được trả lời từ phía các cơ quan chức năng thì có được người dân đồng tình không?”

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng tỏ ra băn khoăn khi các số liệu được nêu trong báo cáo cho thấy, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai. Theo ông Giàu, cần phải tìm hiểu rõ vì sao tình trạng này đã kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết triệt để. “Đặc biệt, phải đánh giá kỹ việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng hiện nay đã thực sự hiệu quả chưa?” ông Giàu quả quyết.

Cần phải có “những con số biết nói”

Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám và thứ chín, Quốc hội khóa 12, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết, trong năm qua, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp 2.282 kiến nghị của cử tri do 63 Đoàn đại biểu quốc hội gửi đến có liên quan  đến các vấn đề  xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-  xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chính sách phát triển và bảo vệ rừng; chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, có những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần như  kiến nghị về việc cơ sở giáo dục thu nhiều khoản đóng góp khác ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh không đúng quy định của pháp luật; kiến nghị về một số vướng mắc và việc chậm thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học; tình trạng lạm thu các khoản đóng góp khác nhau ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh ; thanh toán bảo hiểm y tế đối với người bị tai nạn giao thông...

Việc chậm thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học là một trong những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần


Cho ý kiến đối với Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, báo cáo này phải được xây dựng dựa trên những căn cứ là quy định vào pháp luật, cần phân biệt giữa báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri với báo cáo giám sát việc thi hành pháp luật. Ông Khoa cũng đáng giá, báo cáo này chưa đúng tinh thần với một báo cáo của UBTVQH.

Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, mục tiêu của báo cáo giám sát là đánh giá kết quả những vấn đề đã kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết, đánh giá nguyên nhân và những bất cập, tồn tại hiện nay trong quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời phải đánh giá được những bất cập đó là thuộc về cơ chế chính sách hay thuộc về bộ máy, con người, cơ sở vật chất, trách nhiệm của những cơ quan có chức năng? Từ mục tiêu đó, bà Doan cho rằng, số liệu trong báo cáo phải thực sự là “những con số biết nói”. “Báo cáo của Ban Dân nguyện nêu lên kết quả xử lý đơn thư ở một số địa phương chỉ đạt 6 -7 %, đó là một kết quả thấp vậy nguyên nhân do đâu? Do sự phối kết hợp với các cơ quan chức năng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa tốt hay do trình độ năng lực của cán bộ tiếp dân, bộ máy, cơ sở vật chất cho việc tiếp dân, xử lý đơn thư còn hạn chế. Điều này cũng cần phải được làm rõ trong báo cáo”, bà Doan nhấn mạnh.

Chiều cùng ngày, tiếp tục chương trình làm việc UBTVQH sẽ cho ý kiến về Dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII/.

Bảo Anh

 


dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra