Kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954-2024):

Mùa xuân này, hãy đến thăm nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ ba, 20/02/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Trong 79 mùa xuân cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều mùa xuân ly hương tìm đường cứu nước, có mùa xuân lạnh vắng trong nhà tù, có mùa xuân chỉ đọc sách mà không được hoạt động nhiều, có mùa xuân hừng sáng khi cờ Đảng giương cao, mùa xuân trắng rừng biên giới nở hoa mơ khi Bác đã về đây, Tổ quốc ơi/ Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người và có những mùa xuân ấm áp đoàn tụ cùng đồng bào cả nước. Với mùa xuân được đón Tết cùng đồng bào, đồng chí, Bác luôn nghĩ đến dân, lo sao cho dân được đầm ấm, sum vầy.

Thường thì trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc. Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiệp Chúc mừng năm mới để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài. Theo ý kiến của Bác, lãnh đạo thành phố Hà Nội thường mời Bác đến thăm một số gia đình có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương binh, cán bộ miền Nam tập kết, những công nhân, cán bộ, trí thức… có nhiều thành tích. Ngoài những gia đình do thành phố chuẩn bị, để hiểu rõ hơn đời sống của người dân lao động Thủ đô, Bác còn yêu cầu đến thăm các gia đình nghèo. Đây là chương trình đi thăm dân không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, một chương trình riêng, bí mật, bất ngờ, chỉ Người và các đồng chí giúp việc được biết.

leftcenterrightdel
 Ảnh: K. Dung
leftcenterrightdel
 Nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: K. Dung

Mùa xuân năm Bính Tuất (1946) trong không khí hồ hởi của toàn dân đón mừng ngày Tết độc lập đầu tiên, đúng giờ giao thừa, lần đầu tiên Nhân dân cả nước được nghe đọc thư chúc Tết của Bác. Khi Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền khi khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì Người đang vui xuân cùng Nhân dân trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc. Bác ra Bờ Hồ Hoàn Kiếm, hòa trong dòng người hào hứng đón xuân ở Đền Ngọc Sơn, rồi đến thăm mấy phố nhỏ, ngõ nhỏ gần hồ Hoàn Kiếm. Chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô “Tết mà không có Tết”, ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, chủ nhà đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm, Bác xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ, hôm sau thông báo cho đồng chí Chủ tịch thành phố Hà Nội biết.

leftcenterrightdel
 Một góc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: K. Dung

Tết năm sau, những ngày hòa bình đã sớm chấm dứt, giặc Pháp gây hấn, quay lại xâm lược nước ta lần nữa. Chiều 30 Tết, từ Cần Kiệm (Thạch Thất, Sơn Tây), Bác đi dự phiên họp tất niên Hội đồng Chính phủ tại thôn Sài Sơn, phủ Quốc Oai, sát chùa Thầy. Trời mưa, đường trơn, ô tô vừa chạy được một quãng thì sa một bánh xuống ruộng. 21 giờ Bác mới tới được phiên họp tất niên để chúc mừng năm mới và bàn một số công việc cần kíp. Sau khi châm lửa điếu thuốc, nhấp một ngụm chè nóng rồi mở đầu cuộc họp bằng một câu chuyện xe sa lầy phải nhờ Nhân dân khiêng giúp, Bác nói vui: “Chỉ một việc đi xe thôi, không có Nhân dân thì Chủ tịch nước cũng đành chịu. Huống hồ việc kháng chiến kiến quốc, một công việc to lớn, vĩ đại, nhất định phải dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân mới ắt thành công” (1). 22 giờ 30, Bác lên xe đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đang đặt tại hang chùa Trầm để đọc lời chúc mừng năm mới Đinh Hợi đúng giờ giao thừa. Ánh đèn pha chiếu phía trước nhòa đi vì mưa rất to và nặng hạt. Đường càng lầy và trơn hơn, nhiều lúc bánh xe quay tít trên mặt đường mà xe vẫn đứng nguyên tại chỗ, anh em đành xuống đẩy. Xe vòng quanh Xuân Mai rồi rẽ xuống, gần 24 giờ mới tới chùa Trầm. Điện trong hang vẫn sáng trưng, tiếng máy nổ ầm ầm. Trước máy thu thanh, Người đọc bài thơ chúc Tết kháng chiến đầu tiên gửi đồng bào cả nước.

leftcenterrightdel
 Vườn bưởi Bác Hồ. Ảnh: K. Dung

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, một nửa đất nước được giải phóng, Nhân dân ta đang hăng hái bắt tay vào xây dựng kinh tế, phát triển sản xuất. Tết Nhâm Dần (1962), sáng 30, Bác đề nghị bố trí đi chợ Đồng Xuân nắm thực tế tình hình. Bác hóa trang rất khéo, Người đội chiếc mũ cát trắng, đeo kính trắng gọng nhỏ tròn, chiếc quần cũ, choàng thêm chiếc áo mưa vải, chân đi dép cao su, khăn quàng cổ nhiều vòng che kín bộ râu, đưa theo cả “gia đình” đi sắm Tết: Một đồng chí vào vai con, một đồng chí trẻ hơn vào vai cháu, tay xách làn mây đựng vài củ hành, cà rốt và ít rau thơm. Đến cuối phố Hàng Khoai, Bác dừng lại và rẽ vào chợ Bắc Qua trước rồi mới vào chợ Đồng Xuân. Bác hỏi giá cả, tìm hiểu thái độ cách mua bán rất cụ thể từng mặt hàng. Thăm xong, Bác đến chợ hoa, Người dừng lại ngắm mấy cụ đồ nho ngồi viết câu đối và muốn mua một bó hoa tươi. Tối hôm ấy, nếu Bác chỉ đến thăm các gia đình theo chương trình của các cơ quan bố trí thì làm sao Người biết được gần đến giao thừa, chị Tín góa bụa ở ngõ Hàng Chĩnh vẫn còn đi gánh nước thuê, đổi gạo để sáng mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con. Bác đau lòng khi kháng chiến thắng lợi, hoà bình đã mấy năm, không phải ở đâu xa mà ngay Thủ đô Hà Nội vẫn có cảnh như gia đình chị Tín? Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui... Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe, Bác trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới, mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện, Bác nói: “Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”. Theo Bác, “kiểm tra thực tế có cái lợi là làm cho mình thấy được sự thật” (2).

leftcenterrightdel
 Cây đa kiên trì trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: K. Dung

Mùa xuân Kỷ Dậu (1969), Bác yếu đi nhiều, Hội đồng bác sỹ đề ra một số điều cần tránh như xúc động mạnh, đi lại nhiều, làm việc căng thẳng vì Người có triệu chứng bệnh tim. Thế mà vào ngày giáp Tết, Bác đề nghị lịch trình dày đặc: Thăm một địa phương trồng cây tốt ở Ba Vì, ghé vào chúc Tết trung đoàn thông tin anh hùng, tiện thể qua trại chăn nuôi bò giống mừng năm mới, trên đường đi sẽ thăm một hợp tác xã nông nghiệp nào đấy rồi trên đường về vào trường Nguyễn Văn Trỗi. Các đồng chí thư ký, bác sỹ, Thủ tướng Chính phủ vừa can ngăn Người vì sức yếu nên giảm bớt một số nơi, vừa chủ động “lái” chương trình theo hướng khác. Anh em bố trí để Bác đi thăm Quân chủng phòng không – không quân ở ngay sân bay Bạch Mai rồi lên thẳng đồi Vật Lại. Trồng xong cây đa lưu niệm, Bác cùng mọi người vui vẻ quây quần dưới tán bạch đàn nói chuyện. Khi Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã mời cơm Bác, Người cảm ơn, nói đã chuẩn bị ở nhà rồi và mời các đồng chí cùng dùng với Bác bữa cơm Tết. Trên chiếc chiếu trải giữa mặt cỏ là bánh chưng, giò, thịt mỡ, dưa hành và cặp lồng ủ canh nóng.

Từ mùa xuân đầu tiên năm 1946, suốt hai mươi bốn năm trên cương vị Chủ tịch nước, Bác đều hết sức quan tâm đến tình hình đón Tết của đồng bào, chiến sĩ. Riêng đối với những đồng chí trực tiếp phục vụ và bảo vệ mình, mười lăm năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, năm nào Bác cũng mời các đồng chí ăn bữa cơm tất niên bằng tiền nhuận bút, tiền tiết kiệm của Người và cho chụp ảnh kỷ niệm. Bác thường bố trí Bác ngồi một bên bàn còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi đối diện, anh em quây quần xung quanh, đêm giao thừa có Bác và anh em nên không khí trong Phủ Chủ tịch thêm ấm cúng. Khi mọi người yên chỗ ngồi, Bác đi một vòng xung quanh kiểm tra xem còn thiếu ai. Nếu thiếu Bác dặn đồng chí cấp dưỡng để phần lại cho anh em đi vắng. Những anh em ngồi cạnh Bác lúc đầu thường e dè, không tự nhiên, tay cầm đũa cứ lóng ngóng. Bác chủ động gắp thức ăn và động viên, có khi Bác pha trò một câu gì đó tạo không khí vui vẻ, những lúc đó Bác như một người cha bên đàn con yêu quý trong giờ phút thiêng liêng chuyển từ năm cũ sang năm mới.

79 mùa xuân cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình trọn vẹn quên mình cho hết thảy. Trả lời phỏng vấn của các nhà báo nước ngoài tháng 1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, “tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào”, suốt đời chỉ có “một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, còn riêng phần mình chỉ cần “một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không vướng víu gì với vòng danh lợi” (3). Trong những mùa xuân cuộc đời ấy, đâu là mùa xuân hạnh phúc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Trong bài thơ “Vô đề”, Bác viết: “Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa xuân”. Cách mạng thành công, đất nước độc lập, nhân dân tự do, có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành chính là mùa xuân tươi đẹp nhất trong trái tim Người.

Nhà thơ Rơnê de Pêtơrô (Hai-ti) từng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta” (4). Để hiểu thêm về lối sống giản dị, khiêm tốn “một đời thanh bạch, chẳng vàng son”, trọn vẹn dâng hiến cho Tổ quốc và Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ mỗi chúng ta không thể không một lần đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - di tích lưu niệm quan trọng liên quan đến 15 năm sống và làm việc của Người từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969.

Đi trong cõi Bác xưa, giữa màu xanh của đường xoài hoa trắng, giữa rào râm bụt đỏ hoa quê, giữa bưởi cam thơm, mát bóng dừa và nhà sàn đơn sơ một góc vườn vẫn lặng lẽ soi bóng bên hồ nước lặng sôi tăm cá để lắng nghe chuyện kể về cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son, chắc chắn lớp cháu con của Người sẽ thấy lòng trong sáng hơn, thấy gợi mở nhiều suy nghĩ tích cực về cuộc sống, về mùa xuân đất nước và mùa xuân tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói, để hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đừng quá nặng tìm kiếm những pho sách đồ sộ mà độ dày có thể lấy thước đo, nên bắt đầu tìm hiểu từ chính cuộc sống đời thường của Bác. Những câu chuyện về cuộc đời của Người đã trở thành kinh điển để lại cho đời sau không chỉ hình bóng và tư tưởng của một con người mà còn in dấu của một trong những thời kỳ hào hùng nhất của lịch sử dân tộc. Khi soi vào cuộc đời rất bình dị nhưng vô cùng vĩ đại ấy, chúng ta tìm thấy rất nhiều bài học lớn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đã nhấn mạnh về giá trị nơi đây: “Đến đây để học tập, tưởng nhớ lại, ghi nhớ lời dạy của Bác để cố gắng rèn luyện, tu sửa đạo đức, xem xét lại những việc gì đúng, việc gì sai, cái gì không đúng với lời dạy của Bác, để ngày càng cố gắng, hoàn chỉnh bản thân. Phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân(5).

Chú thích:

(1)       Https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Bac-Ho-don-tet-Dinh-Hoi-1947-i418326/;

(2)       Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Mỗi câu chuyện nhỏ, một bài học lớn, NXB Chính trị quốc gia, tr91;

(3)       Báo Cứu quốc, số 147, ngày 21/1/1946;

(4)       Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 3, NXB Hội Nhà văn, tr284;

(5)       Tài liệu lưu trữ tại Khu Di tích.

Thu Hằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra